Sau hơn bốn mươi năm trôi qua, đề tài người lính tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng do Pôl Pốt - Iêng Xary gây ra, được chính những người lính viết ra. Họ đã lặng lẽ làm nên dòng văn học viết về “đội quân nhà Phật” trong cuộc chiến 10 năm (1979 - 1989) ở xứ sở Chùa Tháp…
Khi người lính viết về người lính
Khi đất nước Campuchia được hoàn toàn giải phóng, những tập hồi ký của các tướng lĩnh, những cuốn tiểu thuyết, những tập thơ, trường ca… của các nhà văn chuyên nghiệp mặc áo lính viết về người lính tình nguyện Việt Nam được xuất bản.
Hầu hết tác phẩm đó “xa lạ” với lính tráng đang trực tiếp tham gia chiến đấu, “xa lạ” với thực tiễn chiến trường K. vì nhiều lý do khác nhau. Vì thế, mảng đề tài này dần rơi vào quên lãng.
Mãi đến những năm gần đây, cuộc chiến tranh ở bên ngoài Tổ quốc mới được chính những người lính trực tiếp tham gia chiến trận tái hiện qua các tập tiểu thuyết, truyện ký, ghi chép, hồi ký, nhật ký... Họ là những nhà văn không chuyên.
Chuyện lính tình nguyện Việt Nam được họ kể lại một cách chân thật đến mức trần trụi, tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng đối với người đọc.
Qua các tác phẩm của họ, độc giả không những hiểu rõ sự hy sinh gian khổ của người lính tình nguyện Việt Nam, mà còn biết được tình cảm lính tráng dành cho nhau khi chiến đấu nơi miền đất lạ.
Xin được điểm qua một số tác giả và tác phẩm: Bùi Quang Lâm với “Đất K”; Nguyễn Tuấn với “Cỏ cháy vùng biên”; Trần Ngọc Phương với “Mưa trên đồng Anacut”; Nguyễn Thành Nhân với “Mùa xa nhà”; Nguyễn Vũ Điền với “Rừng khộp mùa thay lá”; Phạm Thành Chung với “Người lính Prết Vihia”;
Trầm Lợi Mến với “Dọc đường chinh chiến”; Trung Sỹ với “Chuyện lính Tây Nam” và “Đội trinh sát và con chó Sara”; Đoàn Tuấn với “Mùa linh cảm”, “Mùa chinh chiến ấy” và “Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu bạt”; Nguyễn Tam Mỹ với “Ba người đi ngược”, “Dưới tán rừng thốt nốt” và “Chinh chiến nơi miền đất lạ”…
Tất cả tác giả của các tác phẩm vừa nêu đều là “lính cỏ”, “lính trơn” ở các đơn vị thuộc Sư đoàn 2, Sư đoàn 307, Sư đoàn 309, Sư đoàn 315, Đoàn 5503…
Họ trực tiếp cầm súng chiến đấu ở vùng tây nam và vùng đông bắc Campuchia. Họ có mặt ở những địa danh đầy chết chóc như Pailin, Kamprạ, Anlung Viêng, Đăng Rếch, vùng tam giác Siêm Păng, Ngã ba biên giới Campuchia - Lào - Thái Lan…
Họ kể lại, ghi lại, tái hiện lại những gì mà họ trực tiếp chứng kiến khi đánh nhau với Pôl Pốt, khi giải vây dân Kh’mer trong các lán trại của bọn lính áo đen ở chốn rừng sâu. Tác phẩm của họ viết về những buồn vui, mất mát, hy sinh một cách chân thực và sinh động, không tô vẽ màu mè, vì thế luôn có sức hấp dẫn lôi cuốn độc giả.
Viết để tri ân đồng đội hy sinh
Những người lính viết về người lính tình nguyện Việt Nam sống và chiến đấu ở chiến trường K. đã tạo nên những nhà văn không chuyên với dòng văn học về đề tài chiến tranh cách mạng ở bên ngoài Tổ quốc. Vì sao lại có “hiện tượng” ấy?
Qua tìm hiểu, tôi nhận thấy người “ngoài cuộc” vì nhiều nguyên do, khó có thể viết được chuyện lính tình nguyện Việt Nam ở K. Vì thế, người “trong cuộc” bất đắc dĩ phải viết để thế hệ mai sau hiểu được phần nào về cuộc chiến mười năm trên đất bạn Campuchia.
Hầu hết những nhà văn không chuyên cầm bút khi đã ở bên kia triền dốc cuộc đời. Phạm Thành Chung viết “Người lính Prết Vihia” lúc biết mình mắc bệnh hiểm nghèo. Anh viết để nhớ bao đồng đội đã nằm lại ở rừng hoang nước bạn, để quên đi những cơn đau dai dẳng triền miên. Trần Ngọc Phương viết “Mưa trên đồng Anacut” nhằm giãi bày tâm trạng về những năm tháng mặc áo xanh màu lá.
Nhà thơ Đinh Thị Như Thúy - vợ anh, kể với tôi: “Khi cuốn sách “Mưa trên đồng Anacut” được xuất bản và đến tay đồng đội, ông xã nhà em như nhẹ vơi được nỗi niềm đau đáu mà bấy lâu cất giấu trong lòng”. Nguyễn Tuấn viết “Cỏ cháy vùng biên” cũng với tâm thế như vậy.
Trầm Lợi Mến trong những năm làm lính tình nguyện Việt Nam, anh chịu khó ghi chép dọc đường chinh chiến trong hai cuốn sổ tay. Một cuốn bị gã tân binh lấy cắp khi đào ngũ.
Còn một cuốn bà vợ thấy ố vàng cũ kỹ nên ném vào sọt rác, may mà anh phát hiện ra và giữ lại. Hai con gái anh đọc thấy hay, động viên khuyến khích anh in thành sách, nhờ vậy dòng văn học về đề tài chiến tranh cách mạng ở bên ngoài Tổ quốc mới có thêm tác phẩm “Dọc đường chinh chiến”.
Đoàn Tuấn là lính Sư đoàn 307. Khi rời quân ngũ anh trở thành nhà văn chuyên nghiệp. Những năm gần đây, anh dành thời gian để viết về bạn bè đồng đội một thời chung chiến hào.
Tâm sự với tôi, anh bảo: “Người “ngoài cuộc” không thể viết được về lính tình nguyện Việt Nam sống và chiến đấu ở K., vì vậy, anh em mình là người “trong cuộc” phải viết thôi.
Bởi chúng ta không viết sẽ có lỗi với bao đồng đội đã ngã xuống trên khắp đất nước Campuchia trong những năm tháng ấy, có lỗi với thế hệ mai sau…”. Đấy cũng là suy nghĩ chung của những nhà văn không chuyên khi cầm bút viết văn.