Những dự án liên kết chuỗi, nguồn lực vận động xã hội hóa đã góp phần hỗ trợ sản xuất giúp cho hộ nghèo nhiều địa phương có thêm cơ hội giảm nghèo bền vững.
"Thanh niên với sức trẻ, có sức lao động thì không thể mãi ở trong hộ nghèo được, bằng mọi cách phải thoát nghèo để còn giúp đỡ những hộ khác khó khăn hơn" - anh Đinh Văn Mực - Bí thư Đoàn xã Trà Ka (huyện Bắc Trà My) nói.
Đây cũng là cam kết của thanh niên địa phương trong phong trào thi đua giảm nghèo bền vững, góp phần vào công cuộc chung của huyện Bắc Trà My, phấn đấu đến năm 2025 không còn trong danh sách huyện nghèo của cả nước.
Cụ thể quyết tâm đó, Đoàn xã Trà Ka đã đồng hành và giúp đỡ 10 hộ thanh niên thoát nghèo trong năm 2023, mục tiêu năm 2024 sẽ vượt qua con số 10 hộ thoát nghèo này.
Sau khi được định hướng từ Đoàn xã Trà Ka, anh Nguyễn Văn Lưu (thôn 1, xã Trà Ka) đã vay 100 triệu đồng để phát triển kinh tế. Anh Lưu được Đoàn xã phối hợp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi heo đen bản địa, xây dựng chuồng trại nuôi 30 con heo đen, 100 con gà thả vườn.
Với lợi thế khuôn viên vườn rộng rãi, thoáng mát, nguồn thức ăn tại chỗ dồi dào, anh Lưu khá thuận lợi trong chăn nuôi. Từ năm 2021 đến nay, mỗi năm, gia đình anh xuất bán heo đen và gà, thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm.
Anh Lưu nói: "Nhờ nỗ lực làm ăn, kinh tế gia đình ngày càng cải thiện. Lúc rảnh tôi có tìm hiểu thêm trên mạng các kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng tránh dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm. Nhờ vậy nên heo gà không bị bệnh. Vườn rộng nên tôi trồng thêm chuối, rau lang, hái thêm rau rừng cho heo ăn, giảm được nhiều chi phí".
Cùng với việc tạo điều kiện để thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận với các nguồn vốn vay ủy thác phát triển kinh tế, Đoàn xã Trà Ka còn gieo ươm hơn 2.000 cây mít bản địa, hỗ trợ gần 500 cây cho đoàn viên thanh niên nghèo; tranh thủ các nguồn hỗ trợ, vận động để hỗ trợ thanh niên còn khó khăn về nhà ở có nhà mới.
Trong năm 2024, Đoàn xã đã hỗ trợ chị Đinh Thị Xíu làm nhà ở. Ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách, thanh niên huy động công giúp đỡ gia đình chị Xíu vận chuyển vật liệu, san lấp mặt bằng và xây dựng nhà ở.
Với hơn 100 công lao động được huy động từ các bạn trẻ tại địa phương, ngôi nhà của chị Xíu nhanh chóng được hoàn thành trước mùa mưa bão.
“Được các bạn đoàn viên thanh niên giúp đỡ xây dựng nhà và hỗ trợ 5 triệu đồng tiền tôn lợp nhà nên hiện nay gia đình tôi đã có được căn nhà mới. Vợ chồng tôi sẽ cố gắng đi làm, có tiền lo cho con đi học, thoát nghèo" - chị Xíu nói.
Liên kết chuỗi hỗ trợ hộ nghèo
Hiện nay, ở huyện Tiên Phước, các xã, thị trấn đều đã xây dựng được các chuỗi liên kết theo chuỗi giá trị gắn với phát triển sản phẩm thuộc Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm - OCOP", góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững.
Bà Phạm Thị Thông - Trưởng phòng LĐ-TB&XH Tiên Phước cho biết, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện đã khảo sát nhu cầu của hộ nghèo, và chọn các dự án liên kết chuỗi để hỗ trợ nhằm đạt hiệu quả tốt hơn.
Tại xã Tiên Ngọc, Hợp tác xã QNA FARM có thể đảm bảo hỗ trợ kỹ thuật trồng trọt, giống cây trồng và bao tiêu đầu ra cho người dân. Vì vậy, huyện hỗ trợ thực hiện Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chuối lùn, hỗ trợ cho 20 hộ nghèo liên kết với hợp tác xã với quy mô 4ha.
Hay tại xã Tiên Hà, Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm môn hương trên địa bàn xã liên kết với hợp tác xã đã hỗ trợ cho 20 hộ nghèo với quy mô 1,8ha, đảm bảo đầu vào lẫn đầu ra của sản phẩm...
Tổng nguồn vốn của các dự án liên kết chuỗi được phân bổ và giải ngân trong năm 2023 trên địa bàn huyện hơn 6,9 tỷ đồng. UBND huyện đã phê duyệt 18 dự án liên kết theo chuỗi giá trị; trong đó có 16 dự án liên kết nuôi bò cái lai sinh sản và tiêu thụ sản phẩm bò thịt trên địa bàn các xã, thị trấn, hỗ trợ cho 321 hộ hưởng lợi, quy mô 371 con bò; 2 dự án liên kết theo chuỗi giá trị chuối và môn hương có 40 hộ hưởng lợi.
Tổng mức đầu tư thực hiện 18 dự án bao gồm cả ngân sách nhà nước hỗ trợ và ngân sách đối ứng của các hợp tác xã, người dân hơn 21 tỷ đồng, hỗ trợ cho 361 hộ, chủ yếu là hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận cận nghèo, hộ thoát nghèo trong vòng 36 tháng, hộ khó khăn. Sự hỗ trợ này đã giúp đỡ tích cực cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có thêm nguồn lực, động viên họ vươn lên làm ăn, thoát nghèo bền vững.