Chuyện đầu tuần

Lo ngại thực phẩm giả

PHAN HOÀNG (hoangngocdiem80@gmail.com) 14/04/2025 07:46

Theo đánh giá của Bộ Y tế, mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng công tác bảo đảm an toàn thực phẩm còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế.

Tình hình ngộ độc thực phẩm đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, đặc biệt là ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể của các công ty, doanh nghiệp, trường học và ngộ độc thực phẩm do thức ăn đường phố.

Cùng với đó, hình thức thương mại điện tử, quảng cáo thực phẩm trên nền tảng số hóa, mạng xã hội, trang thông tin điện tử đa quốc gia, ngày càng phổ biến, rất khó quản lý. Tuy nhiên, việc xử lý dường như chưa đủ sức răn đe.

Mới đây nhất, Quang Linh Vlogs và TikToker Hằng Du Mục bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam liên quan đến vụ livestream quảng bá sản phẩm kẹo rau củ Kera của Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt.

Vụ việc này thu hút sự chú ý của dư luận, bởi trước đây nhiều người nổi tiếng, nghệ sĩ cũng từng vi phạm vì quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm. Thế nhưng hầu hết chỉ bị xử phạt hành chính và “xin lỗi là xong”. Các kênh phát đăng quảng cáo cũng chỉ bị liên đới trách nhiệm rất nhẹ. Cứ đến “giờ vàng” các kênh truyền hình, người xem vẫn thấy nhan nhản nghệ sĩ đau đủ thứ bệnh với đủ loại thực phẩm chức năng sánh ngang thần dược.

Nhiều người do tin vào lời quảng cáo mà bỏ lỡ cơ hội điều trị đúng cách hoặc bỏ qua phác đồ điều trị của bác sĩ, dẫn đến bệnh tình nặng hơn. Thậm chí còn gây hại cho sức khỏe bởi một số sản phẩm không rõ nguồn gốc có thể chứa chất cấm, gây tác dụng phụ nguy hiểm. Cho nên việc xử lý vi phạm quảng cáo sai sự thật đối với người nổi tiếng, nghệ sĩ là cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Vì thế, với những đề xuất tại dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, người dân kỳ vọng khi luật ban hành, cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp làm ăn chân chính được bảo vệ tốt hơn.

Với dự thảo này, Bộ Công an đề xuất bổ sung án tù cho hành vi vi phạm sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm hoạt động trên các nền tảng thương mại điện tử. Hành vi vi phạm này khi hoạt động trên các nền tảng thương mại điện tử có từ 500 người tiếp cận trở lên bị đề xuất mức phạt tù từ 5 - 10 năm.

Kinh hoàng hơn vụ kẹo rau củ Kera, Bộ Công an vừa khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo tài liệu điều tra, đường dây này đã sản xuất tới 573 nhãn hiệu sữa bột khác nhau, bao gồm các sản phẩm dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai. Trong khoảng 4 năm hoạt động, các đối tượng đã tiêu thụ một lượng lớn sữa giả ra thị trường, doanh thu gần 500 tỷ đồng.

Các sản phẩm mà đường dây này quảng cáo có chứa các thành phần như chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó... Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy, các sản phẩm này hoàn toàn không chứa những thành phần được công bố.

Nhà nào có người già, người bệnh, trẻ em, phụ nữ có thai, khi xem bản tin này, có lẽ đều lật đật chạy đi kiểm tra các lon sữa đang dùng. Trong bản tin ngày 11/4 của VTV1, hình ảnh chỉ lướt qua nên người tiêu dùng đang chờ xem công bố của cơ quan chức năng về danh sách 573 nhãn hiệu này.

“Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025 (từ ngày 15/4 đến 15/5) với chủ đề “Bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố”. Trên thực tế có lẽ chỗ nào cũng cần chú trọng và mạnh tay, nhất là những đối tượng thu lợi từ sức khỏe và tính mạng của đồng bào. Và ngoài các đối tượng trực tiếp sản xuất, đừng để ai trong hệ thống quản lý vô can đối với thực phẩm giả, thực phẩm bẩn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lo ngại thực phẩm giả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO