Chính quyền tỉnh đã lên kế hoạch rà soát, sẵn sàng loại bỏ những dự án đầu tư chậm trễ. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, đó là một quyết định rất khó khăn, nhưng vẫn cần thiết để tạo cơ hội cho các nhà đầu tư khác.
Nhiều dự án chậm triển khai
Số vốn đầu tư đăng ký 15,8 tỷ USD (gấp 3 lần lượng vốn đầu tư của 20 năm thu hút đầu tư cộng lại) của các quyết định chủ trương, thỏa thuận nghiên cứu, chấp nhận và chứng nhận đầu tư của 33 dự án tại hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Nam hồi tháng 3.2017 đã bất thành trên thực tế.
Hơn 70km dọc tuyến Võ Chí Công, kéo từ cầu Cửa Đại đến Chu Lai hiện chỉ có 2 dự án chính thức hoạt động (Nam Hội An và Vinpearl Nam Hội An). Số còn lại “đứng bánh”, để lại trên mặt cát những bảng quy hoạch chi tiết xây dựng dự án bạc màu mưa nắng! Theo UBND tỉnh, hiện Khu kinh tế mở Chu Lai và vùng Đông Nam chỉ có khoảng 113/180 dự án hoạt động. Tổng vốn thực hiện chỉ mới 43,3/122,6 nghìn tỷ đồng.
Tình trạng chậm giải phóng mặt bằng khiến nhiều dự án bị đình trệ. Không loại trừ các nhà đầu tư thiếu năng lực tài chính và thiếu cả sự phối hợp giữa các ngành chức năng, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc thực hiện... khiến tiến độ triển khai các dự án chậm trễ hơn.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, nhiều dự án trước đây đầu tư vào địa phương chưa lường hết những khó khăn của các quy định về luật đầu tư, đất đai hay một số cơ chế khác và vướng về quy hoạch, nên vấp phải khó khăn. Chính quyền đang làm việc lại với các nhà đầu tư để tính toán đến lợi ích của ba bên (nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân vùng dự án).
Không chỉ những dự án chuyên sâu mà cả những dự án đơn giản, nhưng hồ sơ hết chuyển qua sở này, ngành nọ để “xin ý kiến” kéo dài, khiến nhà đầu tư mỏi mòn chờ đợi. Vướng mắc thủ tục đầu tư, thiếu mặt bằng lẫn hạ tầng kết nối đủ điều kiện, nhưng dự án thì phải ấn định thời gian đưa vào hoạt động. Tất cả những nút thắt này đã khiến nhà đầu tư không thể đáp ứng được tiến độ. Số lượng dự án đầu tư trên toàn tỉnh đề nghị xin hoãn, giãn có thể lên đến hàng trăm và sẽ còn gia tăng.
Tại phiên tiếp xúc doanh nghiệp gần đây, bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Giám đốc Công ty TNHH Du lịch sinh thái Bồ Bồ đề nghị xin chính quyền xem xét, tạo điều kiện gia hạn thêm thời gian thực hiện dự án đến 1.6.2022. Lý do dự án bị kéo dài nhiều năm không thực hiện được vì vướng đất quốc phòng. Nhà đầu tư đã gửi công văn xin thuê đất, thu hồi đất hoặc yêu cầu không tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (không phải dự án mới mà là dự án chuyển tiếp) đã lâu nhưng chưa có phản hồi của chính quyền địa phương hoặc không được chấp nhận của cơ quan quản lý.
Sẵn sàng loại bỏ
Cuộc rà soát sơ bộ mới đây đối với các dự án trọng điểm vùng Đông đã đưa ra phương án xử lý từng dự án cụ thể. Các dự án như khu nông nghiệp công nghệ cao Đông Quảng Nam (xã Bình Dương, Thăng Bình), thành phố giáo dục quốc tế Nam Hội An, khu phức hợp nghỉ dưỡng Bình Dương, khu đô thị phức hợp Điện Dương, thiên đường Cổ Cò, khu đô thị sinh thái cao cấp Vịnh An Hòa 1 & 2... được xử lý theo nhiều hướng. Cụ thể, sẽ phối hợp xử lý vướng mắc, điều chỉnh quy hoạch chi tiết, điều chỉnh quy mô, phạm vi dự án, cam kết tiến độ; những dự án thuộc các lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng, nông nghiệp sẽ phải thu hồi.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, tất cả dự án khu vực này gặp khó (khách quan hay chủ quan) đều được xem xét lại. Dự án nào tiếp tục khởi động thì đẩy nhanh tiến độ, dự án nào không phù hợp thực tế thì điều chỉnh. Những dự án không tốt hoặc không triển khai được nữa thì phải dừng.
“Dừng dự án là một quyết định rất khó khăn, nhưng vẫn là chuyện cần thiết để tạo cơ hội cho các nhà đầu tư khác” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.
Không chỉ các dự án vùng Đông Nam, nhiều dự án chậm tiến độ, xin hoãn, giãn đang được Sở KH&ĐT rà soát, phân loại để xử lý. Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH&ĐT nói đã lên lịch rà soát các dự án chậm triển khai, không đúng tiến độ cam kết hoặc thiếu hiệu quả để thu hồi giấy phép. Tạo quỹ đất để thu hút các dự án đầu tư mới có nhu cầu, sẵn sàng đón dòng vốn đầu tư dịch chuyển.
Các nhà đầu tư trúng đấu giá đất sạch buộc phải thực hiện dự án trên mảnh đất đó thay vì găm đất, chờ đợi. Dự kiến ở khu vực ven biển, sau khi thu hồi các dự án sẽ lập kế hoạch phát triển công viên, không gian công cộng, tạo cảnh quan thông thoáng, sạch đẹp hoặc giao đất kịp thời, xác định giá đất phù hợp, có tính ổn định lâu dài để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, thực hiện dự án hiệu quả.