Công ty TNHH Lụa Mã Châu (thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên) đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, hướng đến xây dựng thành công sản phẩm OCOP.
Nhiều trở lực
Những ngày cuối tháng 9, chúng tôi có dịp ghé thăm cơ sở sản xuất của Công ty TNHH Lụa Mã Châu. Cùng 3 lao động khác đang sửa chữa máy móc, ông Nguyễn Hữu Phương - Giám đốc công ty cho biết, với hơn 500 năm tồn tại và phát triển, làng lụa Mã Châu đã trở thành cái tên quen thuộc với người dân xứ Quảng nói riêng và cả nước nói chung. Thời điểm hưng thịnh, cả làng có hàng trăm hộ dân gắn bó với nghề; nhưng trong vòng 10 năm trở lại đây, nghề của làng mai một dần. Hầu hết người dân trong làng đã bỏ nghề đi làm ăn, buôn bán ở phương xa hoặc xin vào làm tại các công ty, xí nghiệp tại địa phương.
“Từ trước đến nay, lụa Mã Châu luôn được dệt theo phương thức truyền thống, giá nguyên liệu đầu vào khá cao, trong khi thị trường tiêu thụ sản phẩm còn rất hạn hẹp, dẫn đến lợi nhuận thấp. Mặt khác, những năm gần đây, trên thị trường tràn lan lụa Trung Quốc sản xuất theo hướng công nghiệp hiện đại với đa dạng mẫu mã và giá thành rẻ hơn hẳn so với lụa truyền thống Mã Châu. Đây là thách thức không nhỏ đối với lụa Mã Châu trong việc tiêu thụ sản phẩm” - ông Phương chia sẻ.
Cũng theo lời ông Nguyễn Hữu Phương, hiện nay khó khăn lớn nhất của Công ty TNHH Lụa Mã Châu là việc gia hạn thời gian thuê đất. Đơn vị đã làm các hồ sơ, thủ tục liên quan theo quy định hiện hành nhưng hơn 2 năm qua chính quyền huyện Duy Xuyên vẫn chưa chấp thuận, dù khu vực đang sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp được UBND tỉnh quy hoạch phát triển làng nghề truyền thống.
“Tôi đã nhiều lần làm việc với UBND huyện Duy Xuyên nhưng đến nay cấp thẩm quyền vẫn chưa có văn bản chính thức hay câu trả lời nào liên quan đến việc gia hạn thời gian cho thuê đất. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng của đơn vị đang xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến việc mở rộng quy mô sản xuất cũng như định hướng kinh doanh trong thời gian đến” - ông Phương nói.
Hướng đến OCOP
Bà Trần Hoàng Oanh - nhân viên phụ trách lĩnh vực bán hàng của Công ty TNHH Lụa Mã Châu cho biết, nếu trước đây sản phẩm của đơn vị chủ yếu cung cấp cho những đại lý, khách hàng lớn ở các thành phố như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế thì 3 năm gần đây doanh nghiệp đã xây dựng một số kênh bán lẻ sản phẩm lụa truyền thống, tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo... lụa Mã Châu được khách hàng trong nước và ngoài nước biết đến nhiều hơn.
Ông Nguyễn Hữu Phương cho biết, hiện nay nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất của đơn vị chủ yếu lấy về từ Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) và một số ít ở Quảng Nam. Thời gian qua công ty cũng nỗ lực cải tiến máy móc, nhờ vậy năng lực sản xuất tăng gấp 4 - 5 lần so với thời điểm năm 2017 trở về trước. Hiện, bình quân mỗi ngày cơ sở sản xuất khoảng 30m lụa các loại như lãnh, the, đũa, so, vôn, xuyến… và đang tập trung cải tiến, đưa vào vận hành máy dệt tự động hóa theo hướng công nghiệp.
“Với việc được chọn xây dựng lụa Mã Châu trở thành sản phẩm OCOP năm 2019, đơn vị xác định đây là cơ hội, điều kiện hết sức thuận lợi trong việc sản xuất - kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Thông qua Chương trình OCOP này, đơn vị hy vọng sẽ có sự đồng hành, hỗ trợ tích cực hơn từ phía các ngành chức năng để từng bước nâng cấp, hoàn thiện công nghệ sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Đồng thời đổi mới mẫu mã, bao bì sản phẩm để thu hút người tiêu dùng, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường” - ông Phương nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay Công ty TNHH Lụa Mã Châu đang hướng đến xây dựng một bảo tàng sống về làng nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, tái hiện toàn bộ quy trình sản xuất để phục vụ phát triển du lịch kết hợp với việc bán các loại sản phẩm truyền thống. Tuy nhiên, để thực hiện thành công ý tưởng này, ngoài sự nỗ lực của chính doanh nghiệp, rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi tối đa của các ngành liên quan ở huyện, tỉnh...