Mà Cooih xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững

KHẢI KHIÊM 30/11/2023 08:00

(QNO) - Quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Mà Cooih (Đông Giang) đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, tạo đòn bẩy để nhân dân cải thiện thu nhập, xóa nghèo và chống tái nghèo.

Trụ sở làm việc của xã Mà Cooih được xây dựng tại vị trí mới. Ảnh: KK
Trụ sở làm việc của xã Mà Cooih được xây dựng tại vị trí mới. Ảnh: K.K

Chăm lo hạ tầng, văn hóa

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập và 20 năm tái lập huyện Đông Giang (tháng 7/2023), trụ sở Đảng ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Mà Cooih được khánh thành đưa vào sử dụng. Công trình trọng điểm này hoàn thành là niềm vui khó tả của nhân dân và cán bộ địa phương, sau bao năm ròng phải làm việc, tiếp công dân tại trụ sở cũ vốn chật chội, xuống cấp nghiêm trọng.

Ông ARâl Bói - Chủ tịch UBND xã Mà Cooih cho biết: “Giai đoạn 2021 - 2023, kết cấu hạ tầng trên địa bàn xã được đầu tư có trọng tâm, ưu tiên giải quyết vấn đề giao thông, điện, nước sinh hoạt, hạ tầng xã hội”.

Theo đó, công trình nhà văn hóa xã đang đầu tư xây dựng. Nhà sinh hoạt cộng đồng các thôn A Sờ, CutChrun và A Roong cũng được xây mới. Để kết nối thông suốt thôn xóm, phục vụ nhu cầu đi lại, lưu thông hàng hóa và thúc đẩy phát triển kinh tế, hệ thống giao thông nông thôn tiếp tục kiên cố hóa hơn 1,3km.

Giao thông còn vươn đến khu sản xuất A Zal (thôn A Roong) bằng cây cầu dân sinh xây dựng hoàn thành. Điện chiếu sáng lắp đặt trên tuyến đường qua khu trung tâm hành chính xã dài 2km, tại thôn A Roong và thôn CutChrun dài 3km. Công trình nước sinh hoạt tiếp tục triển khai đầu tư.

Người dân Mà Cooih mở dịch vụ bán nước giải khát, cà phê ven đường Hồ Chí Minh. Ảnh: KK
Người dân Mà Cooih mở dịch vụ bán nước giải khát ven đường Hồ Chí Minh. Ảnh: K.K

Nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn cho công tác giáo dục, 3 trường của 3 cấp học tiếp tục được xây mới, hoặc nâng cấp nhiều hạng mục. Ông ARâl Bói thông tin, khu bán trú của Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trần Phú đã làm xong. Nhà đa năng, nhà công vụ cho giáo viên của Trường Tiểu học Mà Cooih vừa xây mới, nâng cấp. Dự kiến giai đoạn 2024 - 2025, một số hạng mục của Trường Mẫu giáo Hướng Dương cũng sẽ đầu tư nâng cấp.

Xã duy trì kết quả và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS và hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Đáng chú ý, 26 học sinh trên địa bàn xã đều thi đỗ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Trong lĩnh vực văn hóa và môi trường, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%; 100% thôn có nhân viên y tế; Trạm Y tế xã đạt chuẩn quốc gia. Việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống Cơ Tu được quan tâm thực hiện, điển hình như thành lập Câu lạc bộ nói lý - hát lý tại thôn A Roong. Tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 97%.

Cải thiện đời sống người dân

Lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH huyện Đông Giang chia sẻ, xã Mà Cooih xây dựng NTM đạt nhiều kết quả, nhất là đẩy mạnh phát triển sản xuất để cải thiện thu nhập cho người dân, xóa dần hộ nghèo và chống tái nghèo.

Như lĩnh vực nông nghiệp, tổng diện tích gieo trồng năm 2023 đạt 429,8ha, tăng 7,9% so với năm 2021. Sản lượng lương thực có hạt đạt khoảng 157,6 tấn, tăng 15,37% so với năm 2021. Đàn gia súc 1.066 con, đàn gia cầm 3.504 con và đều tăng cao so với năm trước đây. Công tác phòng ngừa dịch bệnh luôn được quan tâm đúng mức, kịp thời.

Xã Mà Cooih có nhiều hộ dân thực hiện mô hình nuôi heo cỏ địa phương. Ảnh: KK
Xã Mà Cooih có nhiều hộ dân thực hiện mô hình nuôi heo cỏ địa phương. Ảnh: K.K

Tại khu vườn rộng hàng nghìn mét vuông gần ven đường Hồ Chí Minh, hộ ông Phạm Minh Tưởng (thôn A Sờ) thử nghiệm trồng bưởi Diễn, trồng nhãn, nuôi heo, vịt, gà. Đến nay, gần 40 gốc nhãn đã cho thu hoạch, người dân trên địa bàn liên hệ thu mua hết.

Nhiều hộ dân khác của xã cũng triển khai các mô hình kinh tế có hiệu quả như nuôi heo cỏ địa phương, nuôi bò bán chăn thả, thâm canh chuối, cây bòn bon bản địa… Người dân còn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm ớt A riêu, quế...

[CLIP] - Khu vườn của hộ ông Phạm Minh Tưởng được cải tạo để trồng cây ăn quả, thả gà, vịt:

Việc cải tạo vườn tạp, làm kinh tế vườn được quan tâm, trồng các loài cây có giá trị như sầu riêng, bưởi da xanh, mít và cây con khác gắn với các dự án du lịch, bước đầu cho kết quả khả quan. Đến nay, Mà Cooih có 4 hộ đã xây dựng hồ sơ xin hỗ trợ phát triển kinh tế vườn theo Nghị quyết số 35 ngày 29/9/2021 của HĐND tỉnh.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được chú trọng thực hiện, tổ chức giao khoán 7.968,14ha rừng tự nhiên. Ngoài cây keo, người dân còn có thêm thu nhập từ thâm canh chuối với 86ha, năng suất 25 tấn/ha; thu hoạch 5,2ha ớt A riêu, 5ha cây bòn bon bản địa.

Người dân địa phương nhân rộng việc trồng ớt A riêu, sản vật bản địa của núi rừng Mà Cooih. Ảnh: KK
Người dân nhân rộng trồng ớt A riêu - sản vật bản địa của núi rừng Mà Cooih. Ảnh: K.K

Thuộc trung tâm xã Mà Cooih, các dịch vụ như viễn thông, bưu điện, vận tải, sửa chữa xe máy, nhà nghỉ, ăn uống diễn ra khá sôi động. Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang đưa vào khai thác giai đoạn 1 (mức đầu tư 2.600 tỷ đồng) đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân.

Để người dân tìm việc làm ổn định, xã tích cực phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện Đông Giang và đơn vị liên quan mở các lớp đào tạo nghề, đơn cử như hàn, điện, kỹ thuật chế biến món ăn...

Nhờ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là NTM, đời sống vật chất và tinh thần của người dân xã Mà Cooih từng bước được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 27 triệu đồng, tăng 6,84 triệu đồng so với năm 2021. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới đa chiều năm 2022 là 286 hộ (chiếm 45,76%). Còn theo điều tra sơ bộ, hộ nghèo năm 2023 giảm còn 247 hộ (chiếm 38,47%).

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mà Cooih xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO