Giảm nghèo - An sinh

Mầm xanh ở thung lũng Măng Liệt

THIỆN TÙNG 06/06/2024 08:00

Hơn 3 năm qua, bằng ý chí vươn lên, chị em phụ nữ dân tộc Xê Đăng tại thôn 3, xã Trà Nam (Nam Trà My) đã cùng nhau xây dựng trang trại nuôi dê, góp công trồng sâm thoát nghèo, nỗ lực từng ngày để thay đổi cuộc sống.

de1.jpg
Mô hình chăn nuôi dê tại làng Măng Liệt giúp chị em phụ nữ thoát nghèo. Ảnh: THIỆN TÙNG

Hồi sinh “vùng đất chết”

Làng Măng Liệt (thôn 3, Trà Nam) vừa hoàn thành việc sắp xếp dân cư chưa đầy một năm. Trước đây, làng có hai nóc nhỏ, vì nguy cơ sạt lở núi nên chính quyền vận động người dân di dời, tập trung về thành làng lớn như ngày nay. Bao năm qua, 59 hộ dân với gần 150 nhân khẩu sống chủ yếu dựa vào nương lúa, cuộc sống khá bấp bênh.

Có nơi ở mới an toàn, mảnh đất ở làng cũ vì vắng người, nên cũng trở nên hoang hóa. Phần lớn vùng thung lũng phía ấy là đá núi lởm chởm, không chân người, cỏ mọc khắp các vách, khe. Ngoài khoảng ruộng bậc thang sát làng mới, hơn 10ha đất trên triền thung lũng phủ một màu xám vàng sơ xác.

Cư dân Măng Liệt vốn có truyền thống chăn nuôi, từ lâu họ đã tận dụng địa hình sườn dốc để chăn thả dê, nhưng phần lớn là nuôi nhỏ lẻ theo từng hộ. Mãi đến năm 2020, nhận ra tiềm năng ở “vùng đất chết” nơi làng cũ, chị Hồ Thị Dung (Chi hội trưởng phụ nữ) bàn với một số hội viên có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng trang trại chăn nuôi dê.

“Lúc đầu gặp nhiều khó khăn, một phần là do chị em chưa tin tưởng, phần vì lần đầu làm nên ai cũng sợ rủi ro. Tôi và một số chị em khác cứ đi từng nhà, kêu gọi, động viên, phân tích mãi, dần dần thuyết phục 8 hộ hội viên phụ nữ trong chi hội. Khi thấy đàn dê giống được đưa về, chị em mới yên tâm tham gia xây dựng trang trại” - chị Dung tâm sự.

Với 20 con dê giống được Hội LHPN huyện hỗ trợ, già trẻ, gái trai của 8 hộ đã tham gia đối ứng kinh phí, góp hàng chục ngày công làm chuồng trại, dựng hàng rào thép gai, phát hoang trồng sắn, trồng cỏ.

Từ đây, mô hình chăn nuôi dê tập trung có chuồng trại đầu tiên của Nam Trà My ra đời. Ba năm qua, các thành viên trong nhóm thay phiên nhau chăm sóc dê, cải tạo đất trồng. Hợp môi trường, khí hậu, lại sẵn nguồn thức ăn trù phú tại chỗ, đàn dê phát triển khá tốt, đến nay đã gần 100 con.

Sáng tạo vườn sâm đoàn kết

Chuyện chẳng có gì đáng kể, nếu chị Hồ Thị Dung không “bật mí” với chúng tôi về vườn sâm “đoàn kết”. Ý tưởng trồng một vườn sâm chung, vốn đã được các chị em ấp ủ ngay những ngày đầu dựng trại nuôi dê.

Bởi theo các chị, vùng đất Trà Nam trù phú, rừng nguyên sinh bạt ngàn, đất đai rộng lớn, rất lý tưởng để thành lập một vườn sâm Ngọc Linh riêng của các hộ nghèo.

de3.jpg
Mô hình vườn sâm "đoàn kết" của phụ nữ thôn 3, Trà Nam. Ảnh: THIỆN TÙNG

“Trước đây có thể tôi sẽ dè dặt, vì chưa biết tinh thần làm việc của bà con như thế nào, nhưng khi thấy mọi người đồng lòng, chăm chỉ chăn nuôi, chăm sóc dê, niềm tin của tôi ngày càng lớn. Việc trồng cho được một vườn sâm, để chị em cùng nhau thoát nghèo, cứ thôi thúc tôi mãi” - chị Dung tâm sự.

Cũng với cách làm theo nhóm, đề cao trách nhiệm của từng thành viên, nhóm 8 hộ tiếp tục cùng nhau tìm đất, làm luống, rào bảo vệ sâm, thay phiên nhau chăm sóc trang trại dê và sâm hằng tuần, quyết tâm thoát nghèo. Nhờ đó mà vườn sâm nhanh chóng được ổn định, những cây sâm đầu tiên vươn mầm xanh tốt.

Theo chị Nguyễn Thị Lan (làng Măng Liệt), vườn sâm đoàn kết được triển khai hơn hai năm nay. Ngoài một số ít sâm có sẵn, còn lại toàn bộ số sâm trong vườn được nhận từ nguồn hỗ trợ của UBND huyện Nam Trà My dành cho hộ đăng ký thoát nghèo. Số tiền được dùng làm đối ứng cũng chính là nguồn lãi từ chăn nuôi dê tập trung.

“Sâm Ngọc Linh giống được Nhà nước hỗ trợ hằng năm, trong đó Nhà nước hỗ trợ 80%, mình bỏ ra 20%. Tùy theo năm mà giá sâm khác nhau, như năm trước tôi đối ứng hơn hai triệu đồng tiền sâm, giá ấy cũng tầm một con dê, nhận được 30 gốc, có hộ được 40 gốc” - chị Lan nói.

Nhờ có tiền thu từ nuôi dê, rồi trồng thêm cây sâm, hai trong số 8 hộ tham gia nuôi dê đã thoát được nghèo, 6 hộ còn lại cũng đăng ký thoát nghèo trong năm nay. Đáng nói, số sâm trong vườn sâm “đoàn kết” đã lên đến gần 500 gốc, ngoài quản lý, chăm sóc chung, các chị em còn dành một số để gây quỹ, giúp các hộ khác sau này.

Ông Nguyễn Thành Phương - Chủ tịch UBND xã Trà Nam cho hay, nhờ đoàn kết, tương trợ và cần cù, cùng với vai trò dẫn dắt của chị Hồ Thị Dung các hộ dân ở làng Măng Liệt đã từng bước nhận thức được tầm quan trọng của việc xóa đói, giảm nghèo.

“Mô hình nuôi dê và vườn sâm đoàn kết của nhóm hộ tại làng Măng Liệt đã tạo công ăn việc làm cho chị em phụ nữ thôn 3, góp phần cải thiện cuộc sống, đặc biệt là tăng mức sống trong các hộ dân, đóng góp lớn vào công tác giảm nghèo của xã Trà Nam trong những năm qua” - ông Phương nói.

Tác phẩm tham dự cuộc thi báo chí “Lan tỏa năng lượng tích cực vì khát vọng Quảng Nam”

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mầm xanh ở thung lũng Măng Liệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO