Sự kiện bình luận

Mong đừng đi trước… về sau

LÊ VĂN (vannhile@gmail.com) 05/04/2025 10:44

(QNO) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII (tháng 10/2020) đề ra chỉ tiêu đến năm 2025, cơ bản xóa xong nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, hộ chính sách trong toàn tỉnh. So với thời điểm Chính phủ phát động chương trình xóa nhà tạm trên phạm vi cả nước (13/4/2024), Quảng Nam đã đi trước hơn 3 năm về chủ trương này!

tay-giang-xoa-nha-tam-2.jpg
Quảng Nam đặt quyết tâm hoàn thành xóa nhà tạm trong năm 2025. Trong ảnh: Đoàn viên thanh niên và người dân huyện Tây Giang hỗ trợ xóa nhà tạm. Ảnh: HỒ QUÂN

Đi trước, trong điều kiện của một địa phương như Quảng Nam (số nhà tạm rất nhiều, ngân sách eo hẹp, tỷ lệ hộ nghèo cao hơn so với bình quân cả nước và tập trung chủ yếu ở miền núi - nơi đời sống nhân dân còn rất nhiều khó khăn), là quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng bộ tỉnh, đòi hỏi nỗ lực vượt bậc và thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị toàn tỉnh mới có cơ hội biến chủ trương thành hiện thực; nhưng đồng thời là một quyết sách nghĩa tình, từ nhận thức “sau 50 năm quê hương được giải phóng, nếu để bà con mình còn sống trong những ngôi nhà tạm bợ, dột nát thì chúng ta chưa làm tròn trách nhiệm với nhân dân”.

Ngày 31/3/2022, Tỉnh ủy Quảng Nam ban hành Chỉ thị số 35-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh; yêu cầu cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở phải vào cuộc quyết liệt và đồng bộ với quyết tâm chính trị cao nhất, hành động quyết liệt nhất, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm vào cuối năm 2025. Sau đó, là hàng loạt các giải pháp cụ thể được triển khai, như: Thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh và cấp huyện, do bí thư cấp ủy trực tiếp làm trưởng ban; Tổ chức điều tra, khảo sát, lập danh sách các đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng chính sách trong toàn tỉnh; Ban hành các nghị quyết của HĐND về cơ chế, chính sách hỗ trợ; MTTQ Việt Nam tỉnh, rồi Bí thư Tỉnh ủy có Thư kêu gọi, vận động các nguồn lực xã hội tích cực hưởng ứng, tham gia ủng hộ; Thành lập các đội xung kích của các ngành, địa phương chung tay hỗ trợ người dân;…

Sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 35-CT/TU, đến đầu tháng 4 này, toàn tỉnh đã hoàn thành cải tạo, xây mới 6.535 nhà, đạt tỷ lệ 55,5% trên tổng số nhà thuộc diện phải hỗ trợ. Nhìn vào con số tuyệt đối, có thể khẳng định, kết quả đạt được đã phản ánh nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành và người dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, so với mục tiêu thì rất đáng lo. Bởi, đến thời điểm này, cả tỉnh còn đến 5.226 nhà tạm cần phải xóa, trong đó phần lớn là nhà xây mới.

Như vậy, 3 năm qua, Quảng Nam mới đi hơn nửa chặng đường trong cuộc hành trình xóa nhà tạm; trong khi thời gian còn lại chỉ được tính bằng tháng, bằng ngày. Cụ thể, theo chỉ đạo của Chính phủ và quyết tâm của Ban chỉ đạo tỉnh, đến cuối tháng 10/2025, phải cơ bản hoàn thành toàn bộ chương trình. Tính ra, từ nay đến đó, mỗi ngày Quảng Nam phải xóa hơn 34 nhà tạm!

Mới đây, tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 35-CT/TU, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu một lộ trình cụ thể hơn: Đến cuối tháng 8/2025, các huyện đồng bằng phải xóa xong nhà tạm; các huyện còn dưới 150 nhà và các xã còn dưới 10 nhà phải hoàn thành trước ngày 30/6; riêng hơn 1.100 nhà của các gia đình chính sách, phải thực hiện xong trước dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 năm nay.

Thời gian gấp rút, nhiệm vụ nặng nề, số nhà tạm cần tiến hành xây mới, cải tạo rất lớn; trong khi thực tiễn phát sinh nhiều khó khăn, thách thức. Đợt giám sát gần đây của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đã chỉ ra: một số địa phương chậm giải ngân kinh phí hỗ trợ; việc bố trí đất ở mới cho một số trường hợp còn khó khăn; giá cả nguyên vật liệu, nhân công xây dựng ở miền núi quá cao; thu nhập của nhiều hộ dân vùng cao quá thấp, khiến bà con chưa tìm được kinh phí đủ để xây dựng nhà ở ngoài nguồn hỗ trợ của Nhà nước;…

Ngoài ra, còn những nguyên nhân khác đáng lo hơn, như Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết đã chỉ ra tại nhiều cuộc họp, là một số cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu các huyện, xã chưa thực sự quan tâm, sâu sát và quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Số liệu nhà tạm “nhảy múa” qua các con số thống kê thời gian qua từ các địa phương là một trong những minh chứng. Thực tế này, đặt trong bối cảnh thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã, bỏ cấp huyện, càng đặt ra thách thức lớn hơn!

Quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, trách nhiệm là phương châm chỉ đạo nhất quán của Ban chỉ đạo tỉnh trong triển khai thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng mới đây cũng đảm bảo không thiếu tiền để hỗ trợ cho dân. Như vậy, vấn đề còn lại chỉ là ở cách làm. Mà điều này thì phụ thuộc nhiều vào sự tận tâm, tận lực của các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là ở cơ sở. Đến thời điểm chính thức sáp nhập xã, chấm dứt hoạt động của bộ máy cấp huyện như lộ trình đã công bố, có lẽ, sẽ phát sinh thêm nhiều cái khó. Mà thời gian còn lại đã đến… rất gần!

Mong rằng, với một chương trình thấm đẫm tinh thần nhân văn này, Quảng Nam sẽ không đi trước… về sau!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mong đừng đi trước… về sau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO