(QNO) - Là cư dân trên đảo Cù Lao Chàm, Cao Thị Phương (thôn Bãi Làng, xã Tân Hiệp, TP.Hội An) đã dành hết tâm trí, đam mê để đưa đặc sản mực một nắng Cù Lao Chàm trở thành sản phẩm OCOP 3 sao, có mặt ở nhiều thị trường trong tỉnh, trong nước.
Mặt trời vừa lên, chị Phương đã có mặt tại các chợ cá ở Cù Lao Chàm để thu mua ngay những con mực ống tươi ngon do ngư dân câu được ở ngoài biển, cách bờ khoảng 30 hải lý.
Không chỉ thu mua trực tiếp tại bến, chị còn hợp đồng mua mực của 25 chủ tàu khác ở Cù Lao Chàm. Những khi thời tiết thuận lợi, ngư dân đánh bắt trúng, mỗi ngày chị mua hơn nửa tạ mực tươi để chế biến mực một nắng.
Theo chị Phương, gia đình chị có hơn mười năm làm nghề chế biến hải sản, sản phẩm chính là mực một nắng.
Thời gian tập trung thu mua, chế biến nhiều nhất là từ tháng 2 - 8 hằng năm. Các ông đoạn chế biến mực một nắng cũng khá tỉ mỉ, sạch sẽ.
Mực tươi sau sơ chế được phơi trên các mành lưới. Ánh nắng chói chăm trên đảo chỉ chừng 3 - 4 giờ là đã có thể đạt chất lượng cho loại một nắng. Sau khi đạt độ khô tầm 70 - 80% thì sản phẩm được cho vào túi hút chân không, rồi đưa vào tủ bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ khoảng 15°C.
Chị Phương cho hay, để sản phẩm đạt chất lượng, mãu mã đẹp chị chọn mua nguyên liệu mực ống (mực kim) loại 1, có chiều dài khoảng 30cm được ngư dân câu về. Trung bình 1kg mực tươi, sau khi phơi khô chỉ còn khoảng 250g. Thời tiết ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng, nếu phơi mực dưới nhiệt độ 37°C mực sẽ không được ngon.
“Đặc biệt, để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tôi luôn chú trọng từ khâu sơ chế đến khi đóng gói. Trong quá trình chế biến, tôi không sử dụng chất bảo quản hay chất phụ gia để gây màu, mùi và tăng độ dai. Quan trọng làm sao khi phơi để bên ngoài thịt mực khô, nhưng trong vẫn giữ được nước, giúp ngọt ngon hơn khi xào hoặc nướng” – chị Phương chia sẻ.
Hiện nay, sản phẩm mực một nắng của chị Phương được nhiều người ưa thích và đặt mua. Sản phẩm của chị đều có mặt tại các cửa hàng trên đảo, hoặc siêu thị, cửa hàng ở các tỉnh thành phố Đà Nẵng, Hồ Chí Minh… Giá bán mực dao động từ 650.000 đồng – 1,2 triệu đồng/kg - tùy loại mực và kích thước. Bình quân mỗi ngày, chị bán ra thị trường khoảng 10kg mực. Mỗi năm doanh thu đem lại hơn 300 triệu đồng.
Nhu cầu tiêu thụ mực tăng nhanh, từ một hộ kinh doanh nhỏ, chị đã phát triển thành cơ sở sản xuất quy mô với tên gọi Mực một nắng Cù Lao Chàm Cao Phương. Cơ sở giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 nhân công, với mức lương 3 triệu đồng/người/tháng. Ngoài chế biến mực một nắng, cơ sở còn chế biến nhiều món mực rim và các món khác từ cá biển để tăng doanh thu.
Thời gian qua, với mong muốn đưa sản phẩm mực một nắng trở thành sản phẩm OCOP chị Phương luôn chú trọng về chất lượng, cũng như hình thức bao bì... Chị còn chăm chỉ theo học các khóa học về ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển sản phẩm, quảng bá và thương mại sản phẩm OCOP….
[CLIP] - Công đoạn chế biến món mực một nắng.
Bà Phạm Thị Mỹ Hương – Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho biết, hiện nay trên xã đảo có khoảng 5 – 6 hộ sản xuất mực một nắng, nhưng quy mô nhất là cơ sở của chị Cao Phương. Năm 2021 sản phẩm mực một nắng Cù Lao Chàm được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao.
“Mặc dù 2 năm qua, ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, lượng khách du lịch ra Cù Lao Chàm tham quan giảm đáng kể, nhưng sản phẩm mực một nắng của chị Phương vẫn được nhiều khách hàng gần xa đặt mua, nhờ sự uy tín và chất lượng sản phẩm” – bà Hương nói.