(QNO) - Ông Nguyễn Công Khiết - Giám đốc Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên) cho biết, đơn vị vừa phối hợp Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam tuyên truyền lưu động về phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn các xã giáp ranh.
Đoàn sử dụng xe mô tô gắn loa phát thanh di chuyển qua nhiều tuyến đường liên thôn thuộc các xã Duy Phú, Duy Hòa, Duy Tân, Duy Châu, Duy Trung, Duy Trinh, Duy Sơn (huyện Duy Xuyên) tuyên truyền khẩu hiệu kêu gọi người dân chung tay bảo vệ rừng.
Trong đó, tập trung vào các nội dung của Luật Lâm nghiệp năm 2017 và nghị định liên quan của Chính phủ. Tuyên truyền các hành vi bị nghiêm cấm và xử lý vi phạm trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR); trách nhiệm báo cháy, chữa cháy và tham gia chữa cháy rừng của mọi công dân.
Ngoài ra, tuyên truyền vận động nhân dân tố giác, phát giác các hành vi vi phạm về công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR; trách nhiệm của hộ gia đình sinh sống trong và ven rừng đối với bảo vệ rừng, PCCCR; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nhận giao khoán, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng...
Theo ông Nguyễn Công Khiết, bên cạnh tuyên truyền lưu động, thời gian qua Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn lắp đặt hơn 100 bảng biển cấm săn bắn, cấm lửa, bảng quy định bảo vệ rừng và hơn 30 pa nô khẩu hiệu tuyên truyền bảo vệ rừng, PCCCR tại các cửa ngõ ra vào rừng thuộc lâm phận đơn vị và khu vực giáp ranh các xã Duy Hòa, Duy Phú, Duy Sơn và xã Quế Lộc (Quế Sơn).
Đơn vị còn bố trí 2 bảng biển quy ước bảo vệ rừng đặt tại tuyến đường chính ra vào để tuyên truyền cho du khách, người dân về việc nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường cũng như tầm quan trọng của bảo vệ tài nguyên rừng.
Nhờ tổ chức tốt công tác tuyên tuyền nên những năm gần đây tình trạng săn bắn và đặt bẫy thú trong phạm vi rừng của Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn quản lý đã giảm đáng kể, đặc biệt không xảy ra vụ cháy rừng nào.
Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn hiện quản lý, bảo vệ khu rừng cảnh quan với diện tích hơn 1.160ha thuộc các tiểu khu 412, 414, 416; giáp ranh với xã Duy Sơn, Duy Hòa, Duy Phú và các xã thuộc huyện Quế Sơn (trước đây là Nông Sơn).
Nơi đây có sự đa dạng về động thực vật với nhiều loài được xác định quý hiếm theo danh mục trong Sách đỏ Việt Nam. Cụ thể, có 238 loài thực vật thuộc 168 chi, 82 họ, 43 bộ, 5 lớp và 4 ngành; 607 loài động vật trong 169 họ thuộc 41 bộ ở 6 lớp động vật, bao gồm 37 loài thú, 62 loài chim, 97 loài bò sát, 43 loài cá, 179 loài côn trùng, 189 loài động vật đáy…