Giảm nghèo - An sinh

Nam Trà My huy động tối đa nguồn lực giúp hộ nghèo

DIỄM LỆ 15/08/2024 09:46

Tiếp tục đồng hành, giúp đỡ nhằm góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4-5%/năm là quyết tâm chính trị của huyện miền núi Nam Trà My.

de1.jpg
Mô hình nuôi dê của anh Hồ Văn Dương, xã Trà Vinh. Ảnh: D.L

Tạo động lực và nguồn lực

Cuộc vận động “3 cán bộ, công chức giúp 1 hộ thoát nghèo” đã trở thành phong trào sâu rộng trong tất cả ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân huyện Nam Trà My. Qua đó góp phần tạo động lực và nguồn lực để hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế.

Tại xã Trà Vinh, trang trại của anh Hồ Văn Dương đã trở thành mô hình được thanh niên trong xã tìm đến học hỏi. Anh Dương nói, trước đây khao khát làm ăn thoát nghèo nhưng không biết bắt đầu như thế nào cho hiệu quả.

Sau khi được Đoàn xã Trà Vinh vận động, chàng trai người đồng bào Ca Dong này đã mạnh dạn đăng ký vay vốn 100 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nam Trà My.

Từ nguồn vốn vay này, cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật của người đi trước là Bí thư Đoàn xã Trà Vinh - Hồ Văn Gương, anh Dương đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi dê trong vườn nhà. Từ 8 con giống ban đầu, đến nay bầy dê đã phát triển lên 16 con. Anh Dương mua thêm 5 con trâu và bò về chăn thả.

Kinh tế ổn định, năm 2021 anh Dương đăng ký thoát nghèo bền vững. Sau khi đăng ký, anh tiếp tục được hỗ trợ, đầu tư thêm 1.000 cây quế giống, nâng số cây quế đang trồng trong vườn nhà lên hơn 5.000 cây. Anh còn trồng và tham gia vào nhóm hộ gia đình trồng 10.000 cây sâm 7 lá.

Ngoài ra, Đoàn xã Trà Vinh hỗ trợ gia đình anh Dương và 9 đoàn viên thanh niên thoát nghèo khác nhiều loại cá giống với tổng số tiền hơn 15 triệu đồng. Đến nay, gia đình anh Dương đã thành hộ khá và quay trở lại giúp đỡ những thanh niên khác có ý chí vươn lên phát triển kinh tế.

Anh Hồ Văn Gương - Bí thư Đoàn xã Trà Vinh cho biết, đồng hành với chương trình giảm nghèo tại địa phương, thời gian qua, Huyện đoàn Nam Trà My giao chỉ tiêu mỗi cơ sở đoàn hỗ trợ, giúp đỡ 2-3 đoàn viên thanh niên thoát nghèo.

Bên cạnh đó, Huyện đoàn phối hợp với các phòng ban chức năng hỗ trợ thanh niên trong xã tham gia các lớp tập huấn bổ sung, nâng cao kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt như cây dược liệu, sâm ngọc linh, nuôi dê…

“Mình là Bí thư Đoàn xã nên đã mạnh dạn làm trước, xây dựng mô hình phát triển kinh tế gia đình. Thấy mình làm hiệu quả, đoàn viên thanh niên tới tham quan. Mình lấy thực tế của gia đình ra chứng minh, vận động họ cùng làm ăn thoát nghèo sẽ dễ hơn” - anh Gương chia sẻ.

Đơn vị kết nghĩa đồng hành

Phát huy mọi nguồn lực để hỗ trợ cho xã nghèo, hộ nghèo là cách mà Nam Trà My đang thực hiện khá hiệu quả. Đặc biệt, các đơn vị kết nghĩa với địa phương cấp xã của Nam Trà My cũng đã vào cuộc tích cực trong hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững.

a(1).jpg
Các đơn vị kết nghĩa giúp đỡ hộ nghèo của Nam Trà My trồng dược liệu. Ảnh: D.L

Nhiều năm qua, bằng sự hỗ trợ của đơn vị kết nghĩa, xã Trà Cang đã có thêm nguồn lực đầu tư cho các công trình dân sinh, sinh kế cho người dân.

Như Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Chu Lai hỗ trợ Trà Cang làm đường dân sinh nối các điểm dân cư và hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền hơn 700 triệu đồng.

Công ty cũng tham gia nhiều hoạt động tại xã Trà Cang, hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo. Hay như Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam cùng với các hoạt động thăm, giao lưu..., tổ chức khảo sát tìm hiểu khó khăn của xã để có cách hỗ trợ hiệu quả nhất.

Ban quản lý đã dành thời gian, nguồn lực và nhân lực giúp xã Trà Cang hoàn thành Phương án quy hoạch, xây dựng khu dân cư tập trung tại thôn 4, với quy mô diện tích 6ha, bố trí dân cư cho 40 hộ dân.

Ông Ngô Tấn Lạc - Chủ tịch UBND xã Trà Cang cho biết: “Các đơn vị kết nghĩa với xã Trà Cang luôn khảo sát nhu cầu của xã và người dân trước khi xác định phương án giúp đỡ nên mang lại hiệu quả cao hơn.

Những vấn đề xã cần và không làm được thì đề xuất đơn vị kết nghĩa có đủ khả năng, nhân lực như lập phương án quy hoạch hay khảo sát địa hình để xây dựng khu tái định cư tập trung đảm bảo an toàn cho người dân.

Việc hỗ trợ sinh kế cho người dân cũng phải khảo sát cụ thể, phù hợp với điều kiện của xã, điều kiện lao động của hộ nghèo để phát huy hiệu quả tốt hơn”.

Đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo về “người thực việc thực”

Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong định hướng cho hộ nghèo về phương hướng thoát nghèo bền vững, nên huyện Nam Trà My đã và đang đẩy mạnh truyền thông theo hướng khai thác “người thực việc thực”.

Theo đó, huyện, xã tập trung tổ chức nói chuyện chuyên đề, phổ biến cho hộ nghèo về chính sách giảm nghèo, kinh nghiệm, gương điển hình về giảm nghèo tại cộng đồng dân cư.

Ngoài ra, tuyên truyền, phổ biến thông qua các hoạt động thông tin lưu động ở cơ sở, ưu tiên thực hiện trên đài truyền thanh xã. Các chính sách khen thưởng, động viên, sinh kế hỗ trợ cũng được ưu tiên dành cho hộ đăng ký thoát nghèo bền vững...(D.LỆ)

Nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác giảm nghèo bền vững ở cơ sở

Thực hiện Dự án 7 về nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Nam Trà My sẽ tập trung nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác giảm nghèo bền vững ở cơ sở.

Thông qua các khóa tập huấn giúp cán bộ huyện, xã, thôn có giải pháp hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo; phòng ngừa, hạn chế người dân rơi vào tình trạng nghèo; bảo đảm thực hiện chương trình đúng mục tiêu, đúng đối tượng, hiệu quả, bền vững.

Qua đó cũng trang bị cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp kiến thức về quản lý, phương pháp xây dựng kế hoạch và chỉ đạo tổ chức thực hiện các nội dung thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo gắn với tình hình thực tiễn ở cơ sở.

Một số nội dung tập trung nhiều cho cơ sở được triển khai để cán bộ cấp cơ sở làm đúng, như hướng dẫn triển khai dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhóm hộ, cộng đồng dân cư, cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em; dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững...(SONG LINH)

Tập trung đối thoại với nhân dân về chính sách giảm nghèo bền vững trong những tháng cuối năm 2024

Theo UBND huyện Nam Trà My, từ tháng 8/2024 đến cuối năm, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn huyện tổ chức các buổi đối thoại với nhân dân về chính sách giảm nghèo bền vững ở 10/10 xã. Huyện sẽ tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp với các đại biểu là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, thoát cận nghèo, hộ dân thuộc diện thụ hưởng các chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn.

Thông qua đối thoại để nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về cơ chế, chính sách, chế độ trong việc thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; giúp người dân nắm vững, hiểu rõ các quy định của pháp luật, thấy rõ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với hộ nghèo.

Qua đó tạo chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và của người dân, đặc biệt là người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo về mục đích, ý nghĩa, nội dung, giải pháp của chương trình, tạo sự đồng thuận, ủng hộ cao góp phần huy động nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Đối thoại cũng sẽ giải quyết kịp thời các đề xuất, kiến nghị, các vấn đề thắc mắc, tồn tại ở cơ sở, từ đó tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong triển khai các nhiệm vụ thực hiện mục tiêu chương trình.(LÊ DIỄM)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nam Trà My huy động tối đa nguồn lực giúp hộ nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO