Nghị quyết số 21 về công tác dân số trong tình hình mới được Bộ Chính trị ban hành năm 2017, trở thành “kim chỉ nam” cho công tác dân số nước ta nói chung và Quảng Nam nói riêng; nhờ vậy dân số năm 2024 của Quảng Nam đạt những kết quả đáng khích lệ.
Cải thiện chất lượng dân số
Các chỉ số sức khỏe cơ bản về chất lượng dân số của Quảng Nam được cải thiện tốt qua từng năm. Điều đó thể hiện qua tuổi thọ trung bình ngày càng tăng, tỷ số giới tính khi sinh duy trì ở mức ổn định; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 và tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em giảm…
Công tác tầm soát trước sinh và sau sinh được các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ và tích cực. Năm 2024, số lượng bà mẹ tầm soát trước sinh; tầm soát sơ sinh thông qua lấy máu gót chân trẻ đều tăng so với năm 2023 và vượt chỉ tiêu được giao.
Qua tầm soát đã phát hiện sớm một số trường hợp trẻ nguy cơ dị tật bẩm sinh, mắc bệnh di truyền và có hướng dự phòng, điều trị sớm các dị tật để cho ra đời trẻ em khỏe mạnh.
Tỷ lệ cặp nam nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn năm 2024 là 45,5%, tăng 5% so với năm 2023; nổi bật ở Nam Giang đã tổ chức khám xét nghiệm máu cho học sinh các trường THPT về phát hiện bệnh lý di truyền như bệnh tan máu bẩm sinh...
Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (NCT) được chú trọng. Đó là tiếp tục duy trì hoạt động hướng dẫn các hộ gia đình có NCT thực hiện những nội dung bảo vệ chăm sóc sức khỏe NCT như dinh dưỡng hợp lý, phòng tránh tai nạn sinh hoạt cho NCT.
Cạnh đó là tổ chức điều trị, phục hồi chức năng cho NCT, như các cơ sở y tế đều công khai chế độ ưu tiên khám chữa bệnh cho NCT; NCT nhập viện đều được bố trí nằm giường riêng và được quan tâm.
Năm 2024, toàn tỉnh có 255.852 người được khám sức khỏe định kỳ theo Thông tư 35 của Bộ Y tế, đạt 91,2%, vượt 1,2% chỉ tiêu được giao. Tình trạng kết hôn cận huyết thống ở vùng cao được cải thiện đáng kể.
Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình Quảng Nam tổ chức giám sát hỗ trợ kiến thức, thực hành dinh dưỡng cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em tại các huyện.
Chiến dịch uống vitamin A cho trẻ từ 6 - 60 tháng tuổi được thực hiện tốt; chương trình giáo dục thể chất trong trường học từng bước được đổi mới. Hoạt động thể dục, thể thao ngoại khóa ngày càng mở rộng đối tượng, phạm vi, hình thức.... Cơ cấu dân số vàng Quảng Nam đang đi vào giai đoạn ổn định; tạo thuận lợi, thế mạnh cho Quảng Nam với lực lượng lao động trẻ dồi dào.
Cần đẩy mạnh truyền thông
Dù đạt được nhiều kết quả nhưng công tác dân số của Quảng Nam vẫn còn khó khăn thách thức. Đơn cử, kết quả thực hiện các chỉ tiêu chưa thực sự ổn định, mức giảm sinh không đều giữa các vùng, nhất vùng đồng bằng nhiều cặp vợ chồng sinh không đủ 2 con (chỉ sinh 1 con); tỷ lệ thực hiện tầm soát trước sinh, sơ sinh ở vùng cao, biên giới còn hạn chế; một số chỉ tiêu khó thực hiện, còn đạt thấp như: tỷ lệ nam nữ thanh niên được tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân năm 2024 mới đạt 45,5%; trong khi kế hoạch đến năm 2025 là đạt 70%.
Để góp phần nâng cao chất lượng dân số một cách bền vững, cần có sự phối hợp liên ngành. Đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức, nhất là chuyển đổi số trong công tác truyền thông. Nội dung truyền thông, giáo dục chuyển mạnh sang dân số và phát triển, phù hợp với từng vùng miền để đối tượng dễ tiếp thu.
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động trực tiếp của cộng tác viên dân số tới người dân tại địa bàn dân cư. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung về quy mô, cơ cấu, chất lượng và phân bố dân cư, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng dân số toàn diện.
Cạnh đó là đẩy mạnh tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe sinh sản; phối hợp với các cơ quan chức năng nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh, hỗ trợ sinh sản, tư vấn kiểm tra sức khỏe sinh sản trước hôn nhân. Đầu tư ngân sách nhà nước đảm bảo nguồn lực để triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ của công tác dân số trong tình hình mới...
Tại Quảng Nam, tuổi thọ trung bình từ 72,7 (năm 2016) tăng lên 73,5 (năm 2024); tỷ số giới tính khi sinh là 107 bé trai/100 bé gái; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm từ 16,3‰ (năm 2016) xuống còn 14,2‰ (năm 2023); tỷ suất tử vong mẹ giữ ở mức dưới 20/100.000 ca đẻ sống; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi từ 14,1% (năm 2016) xuống còn 6,6% (năm 2021). Tỷ lệ bà mẹ thực hiện tầm soát trước sinh đạt 77,87%, tăng 5,67% so với cùng kỳ và vượt chỉ tiêu được giao; tỷ lệ tầm soát sơ sinh thông qua lấy máu gót chân trẻ đạt 79,92%, tăng 3,76% so với cùng kỳ...