Xây dựng vùng nguyên liệu ổn định; phát triển sản phẩm theo hướng liên kết; chú trọng xúc tiến thương mại, khơi thông đầu ra là những hướng đi của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở huyện Thăng Bình.
Động lực lớn trong phát triển OCOP ở Thăng Bình là trong năm 2021, toàn huyện có thêm 2 sản phẩm được công nhận 4 sao, 6 sản phẩm đạt 3 sao. Địa phương phấn đấu trong năm 2022 có ít nhất 80% số sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên.
Theo ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, ngoài 2 điểm bán hàng OCOP ở Bình Đào, Bình Phú và điểm trưng bày sản phẩm OCOP ở thị trấn Hà Lam, từ nay đến năm 2025, xây dựng thêm 2 - 5 điểm bán hàng để quảng bá, khơi thông đầu ra cho hàng hóa.
Chính quyền địa phương kỳ vọng, các sản phẩm sau 1 năm được công nhận OCOP hạng 3 sao trở lên sẽ tăng doanh thu và lợi nhuận gấp 1,5 lần so với thời điểm sản phẩm chưa tham gia OCOP.
Hầu hết các chủ thể OCOP ở Thăng Bình ưu tiên sử dụng nguyên liệu địa phương, chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Bà Bùi Thị Nguyệt - Tổ trưởng Tổ hợp tác dầu tràm Linh Vũ (thôn Tây Giang, Bình Sa) cho biết, từ trước đến nay chỉ sử dụng cây tràm bản địa để chế biến tinh dầu tràm.
Tổ hợp tác đang liên kết với một doanh nghiệp ngoài tỉnh để xuất khẩu tinh dầu tràm nên diện tích 7ha đang trồng tràm, sẽ liên kết thêm với nông hộ để mở rộng phạm vi canh tác tràm lên 14ha.
“Năm qua, tinh dầu tràm - sản phẩm OCOP 3 sao đã đoạt giải B Cuộc thi vinh danh các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Quảng Nam. Chúng tôi đang hoàn thiện thủ tục để nâng cấp tổ hợp tác lên hợp tác xã và sản phẩm OCOP 3 sao lên 4 sao. Trong xây dựng vùng nguyên liệu, chúng tôi kiểm soát quá trình sản xuất để giữ đặc trưng cho tinh dầu tràm địa phương” - bà Nguyệt nói.
Tổ hợp tác khởi nghiệp Trường Giang (thôn Phước Long, Bình Đào) đang tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo hướng liên kết theo chuỗi.
Ông Võ Ngọc Anh - Tổ trưởng Tổ hợp tác khởi nghiệp Trường Giang cho biết đang cải tạo hơn 10ha đất phèn, nhiễm mặn trên địa bàn các thôn Phước Long, Trà Đóa 1, Trà Đóa 2, Vân Tiên rồi liên kết với nông dân trên địa bàn để trồng sen, lúa theo hướng bao tiêu sản phẩm, chế biến sâu, đáp ứng các yêu cầu của thị trường.
“Chúng tôi muốn nâng cao giá trị sản phẩm OCOP từ sen và lúa, đem lại giá trị lớn hơn cho nông dân” - anh Anh nói.
Nhiều chủ thể OCOP Thăng Bình đang chú trọng đầu tư cho chất lượng sản phẩm. Bà Nguyễn Thị Hoàng Vân - Giám đốc HTX Nông nghiệp thanh niên Bình Đào cho biết, đơn vị đầu tư cho kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm, chú trọng thiết kế bao bì, nhãn mác bắt mắt.
Đặc biệt, xây dựng câu chuyện sản phẩm đặc sắc để tạo niềm tin đối với người tiêu dùng. Các sản phẩm OCOP đạt 3 sao của HTX là nếp Hương Lân và dầu mè đen nguyên chất Bình Đào đều có mã số, mã vạch, có tem truy xuất nguồn gốc hàng hóa.
“Công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm OCOP giúp sản phẩm có vị thế, thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Đó cũng là cách xúc tiến thương mại của chúng tôi” - bà Vân nói.