Tạo hóa ban tặng cho vùng đất Nam Trà My một loại dược liệu quý. Từ loài “cây thuốc giấu”, sâm Ngọc Linh giờ đây trở thành sản phẩm mang thương hiệu quốc gia và ngày càng tiệm cận thị trường quốc tế. Hành trình của sâm, với người Xê Đăng, là câu chuyện thức giấc rạng rỡ của một tiên nữ trên đỉnh Ngọc Linh...
Ngủ giữa nghìn cây sâm
Cuối chiều, sương núi bỗng sà xuống tận mái hiên nhà khiến Trạm dược liệu sâm Ngọc Linh (thôn 2, xã Trà Linh, Nam Trà My) trở nên rét buốt. Tối hôm đó, chúng tôi ở lại và ngủ giữa hàng nghìn cây sâm Ngọc Linh...
Chuyến đi này, cách đây vừa tròn 10 năm. Lúc ấy, đoàn chúng tôi tháp tùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh (nay là Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH) lên khảo sát, kiểm tra thực địa tại trạm dược liệu này. Không hổ danh là “mái nhà miền Nam”, ở độ cao hơn 2.500m, đỉnh núi Ngọc Linh quanh năm mây phủ, những cơn rét xuân như cứa vào da thịt.
Sáng hôm sau, chúng tôi men theo sườn núi đến vườn sâm của hộ Nguyễn Văn Lượng (thôn 2, xã Trà Linh). Vườn sâm được trồng ngay hông căn chòi dựng tạm giữa rừng. Một đồng nghiệp đi cùng đoàn nói, không phải ai cũng được đặt chân lên vườn sâm của hộ đồng bào Xê Đăng, bởi nhiều lý do tế nhị, gần như không hộ dân nào muốn đón khách. Hôm đó, chúng tôi là ngoại lệ.
Sau lễ cúng đơn giản, chủ nhà đưa chúng tôi đến vườn sâm Ngọc Linh dưới chân núi. Những củ sâm xù xì nhú ra từ lòng đất, chỉ một vạt nhỏ mà có người đã ước tính, trị giá hàng tỷ đồng.
Sâm Ngọc Linh như báu vật của cộng đồng người Xê Đăng, trở thành cây chủ lực thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững. Chính những hộ như ông Lượng cũng không ngờ về điều đó.
Nhưng, để sâm được “thức giấc”, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - Hồ Quang Bửu, (nay là Phó Chủ tịch UBND tỉnh) cùng các cộng sự liên tục ngược núi khảo sát, mang những thông tin quý giá lên các diễn đàn, hội thảo từ Trung ương đến cơ sở.
Để quyết tâm đưa sâm Ngọc Linh trở thành thương hiệu không chỉ riêng ở Quảng Nam, suốt thời gian dài, Nam Trà My ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến người dân trồng nhằm mở rộng diện tích “vàng xanh” trên đỉnh núi Ngọc Linh hùng vỹ.
Những kỳ vọng của ông Bửu, nay đã thành hiện thực. Trong lần gặp mới đây, ông nói, nhìn vào những đổi thay của vùng đất Trà Linh, nhiều người dân đã tin vào giá trị của sâm là thật.
Từ những hộ nghèo khó, sống ẩn nấp dưới cánh rừng, sau vài năm trồng sâm, họ đã trở thành tỷ phú. Điển hình vô kể, như ông Nguyễn Văn Lượng, Hồ Văn Du, Hồ Văn Bên... với hàng chục nghìn cây sâm được trồng và phát triển nhiều năm nay.
Chuyện về “nàng sâm”
Một thời được mệnh danh là “vua sâm Ngọc Linh”, ông Hồ Văn Du ví sâm như nàng tiên trên trời giáng xuống cứu lấy đồng bào Xê Đăng thoát cảnh khó nghèo.
“Nàng tiên không ngủ trong rừng nữa, mà đã về tận làng giúp người Xê Đăng phát triển và đổi đời” - già Du chia sẻ. Sau những trải nghiệm về sâm, người đàn ông trạc tuổi 70 này dành tất cả sự ngưỡng mộ đặc biệt về “nàng sâm”.
Ông Du nói, người Xê Đăng ai mà không tự hào về sâm. Bởi sâm Ngọc Linh qua câu chuyện của các già làng, là hiện thân của một cô gái. Chuyện kể rằng, khi cha bệnh nặng, cô gái muốn giúp cha khỏi bệnh mà không biết làm sao. Một đêm, cô nằm mơ thấy vị thần truyền lời nếu muốn cứu cha thì hãy thoát xác vào một loài cây trên đỉnh núi, rồi người nhà lấy cây này về cho cha ăn sẽ khỏe lại...
Hôm nọ, tôi chứng kiến cộng đồng Xê Đăng tổ chức lễ rước thần sâm. Nghi thức vừa bắt đầu, trống chiêng rộn rã, điệu múa truyền thống hòa trong vũ khúc đại ngàn. Một biểu tượng sâm ngồi trên chiếc kiệu gỗ, hệt như dáng thiếu nữ đang ngủ say. Già làng Nguyễn Văn Dũng nói, chỉ có những người đủ uy tín với cộng đồng mới được chọn cử tham gia lễ cúng, vì thế mọi việc được bắt đầu từ quy tắc tôn thờ với thần sâm.
Sống dưới chân núi Ngọc Linh, người Xê Đăng cất giấu rất nhiều câu chuyện thú vị về “nàng sâm”. Khởi nguồn từ câu chuyện văn hóa của cộng đồng, vài năm trở lại đây, Nam Trà My tổ chức lễ hội tôn vinh người trồng sâm, với nhiều nghi thức cúng thần độc đáo. Năm 2025 này, Quảng Nam dự kiến sẽ tổ chức lễ hội sâm Ngọc Linh quốc tế với chủ đề “Sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam, kết nối giá trị và khẳng định thương hiệu Việt”.
Những câu chuyện về nàng sâm hứa hẹn sẽ lại được khai mở, tất cả như một “bữa tiệc” chiêu đãi mang đậm đặc văn hóa người Xê Đăng...