Sau gần 3 năm thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP, huyện Duy Xuyên xây dựng các sản phẩm chất lượng, tạo dựng chỗ đứng vững chắc trên thị trường, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.
Đa dạng sản phẩm
Với nhiều lợi thế về sản xuất nông nghiệp, làng nghề truyền thống, đến đầu tháng 8.2020 Duy Xuyên có 5 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Trong đó, ngành thực phẩm có sản phẩm nước mắm Duy Trinh và sen sấy khô Trà Lý, ngành đồ uống có trà lá sen Thu Bồn, ngành thủ công mỹ nghệ có quạt gỗ trang trí của cơ sở Nguyễn Văn Hạnh, ngành vải - may mặc có khăn lụa Mã Châu.
Năm 2020 này, Duy Xuyên tiếp tục triển khai thực hiện chương trình với 9 sản phẩm, gồm 6 sản phẩm mới là tượng vũ nữ Apsara, chổi đót Nhất Tuấn, bánh tráng Hải An, dầu mè đen xứ Quảng, bánh dẻo Lợi Phổ, thịt heo sạch và 3 sản phẩm nâng cấp là quạt gỗ trang trí, khăn lụa Mã Châu, nước mắm Duy Trinh.
Ông Trần Huy Tường – Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho hay, nhằm đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP, thời gian qua các ngành liên quan đã tiến hành khảo sát, chọn địa điểm xây dựng khu trưng bày và mua bán sản phẩm tại khu phố chợ Nam Phước. Theo kế hoạch, sắp tới Duy Xuyên sẽ tiếp tục khảo sát để mở rộng các điểm bán hàng OCOP cấp huyện tại một số địa điểm du lịch lớn như Khu di tích Mỹ Sơn, Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An.
“Để tiếp sức cho các chủ thể tham gia Chương trình OCOP, UBND huyện Duy Xuyên đã cấp hơn 1 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư mua sắm trang thiết bị máy móc, mở rộng nhà xưởng, cải tiến bao bì, nhãn mác... Ngoài ra, các chủ thể cũng đầu tư hơn 623 triệu đồng để nâng cao chất lượng các sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường” - ông Tường nói thêm.
Nâng tầm thương hiệu
Có thể nói, những năm gần đây Chương trình OCOP đã mang lại hiệu quả rõ rệt, nhất là tạo ra xu hướng mới trong phát triển kinh tế nông thôn ở huyện Duy Xuyên. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, địa phương còn phải giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc. Thực tế Chương trình OCOP vẫn còn khá mới mẻ nên cả cán bộ phụ trách lẫn người hưởng lợi còn rất lúng túng trong công tác triển khai thực hiện. Các bước hoàn thiện sản phẩm vẫn còn khá chậm do chưa nắm bắt được quy trình. Nhiều mô hình sản xuất chưa thật sự nổi trội để nhân rộng; hệ thống doanh nghiệp, kinh tế hợp tác phát triển thiếu đồng đều và khâu liên kết - liên doanh còn hạn chế, chưa thực hiện tốt vai trò hỗ trợ nông dân trong tổ chức sản xuất - tiêu thụ sản phẩm.
Cạnh đó, quy trình sản xuất vẫn còn dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ, phân tán, lao động phần lớn làm theo kinh nghiệm, truyền nghề, chưa qua các trường lớp đào tạo. Năng lực nội tại của các hộ sản xuất, hợp tác xã chưa mạnh, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định. Mặt khác, các loại nông sản, vật phẩm ở địa phương chưa được chế biến thành nhiều sản phẩm đa dạng, chủ yếu còn ở dạng thô, mẫu mã bao bì vẫn còn thiếu tính thẩm mỹ, công nghệ áp dụng cho khâu sản xuất chủ yếu là thủ công. Số lượng tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn huyện còn hạn chế, chưa tạo ra sản phẩm chủ lực…
Theo ông Trần Huy Tường, để các sản phẩm OCOP của Duy Xuyên ngày càng phát triển, tạo bước đột phá mới, thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp các sản phẩm đã có, thông qua hoạt động tư vấn, tập huấn, đào tạo, học tập kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ trong chế biến. Đồng thời tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể mạnh dạn thi nâng hạng cho sản phẩm, từng bước chuẩn hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm lợi thế. Ngành nông nghiệp huyện cũng tích cực hướng dẫn các chủ thể đăng ký tham gia và hoàn thiện phương án kinh doanh, phối hợp với đơn vị tư vấn hỗ trợ chủ thể trong quá trình xây dựng logo, nhãn hiệu, mẫu mã bao bì, nhãn mác... cho từng loại sản phẩm cụ thể.
“Địa phương sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, chủ cơ sở tham gia trưng bày, giới thiệu, bày bán sản phẩm tại các hội chợ, trung tâm triển lãm, siêu thị trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ các tổ chức kinh tế hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cao năng lực sản xuất - kinh doanh và đề xuất với ngành cấp trên có cơ chế, chính sách hỗ trợ mang tính đột phá để chủ thể tham gia chương trình này yên tâm đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh. Đặc biệt, đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu, hướng dẫn đăng ký nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, xây dựng thêm nhiều kênh phân phối để sản phẩm được nhiều người tiêu dùng biết đến...” – ông Tường nhấn mạnh.