(QNO) - Nghị quyết 17 của HĐND tỉnh đã trở thành đòn bẩy để các hợp tác xã (HTX) đẩy mạnh liên kết sản xuất với nông dân, giải quyết đầu ra ổn định cho nông sản.
Tạo đòn bẩy cho phát triển sản xuất
Ông Trần Việt Phương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc cho biết, Đại Lộc có nhiều mô hình liên kết và tiêu thụ nông sản. Từ năm 2021 đến nay đã 13 dự án được phê duyệt với số tiền được hỗ trợ hơn 3,2 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực trồng trọt chiếm đến 11 dự án.
Có 2 sản phẩm nông nghiệp chủ lực đang có nhiều triển vọng tốt trong tổ chức liên kết của địa phương là đậu xanh giống và lạc. Hằng năm, các HTX nông nghiệp ở Đại Nghĩa, Đại An, Đại Hòa, Đại Cường, Đại Minh, Đại Phong… liên kết khoảng 200 - 300ha đậu xanh, hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất đậu xanh thương phẩm khoảng 1,5 lần.
Và nổi bật, ổn định nhất là các mô hình sản xuất lúa giống với việc mỗi năm có khoảng 12 - 14 HTX nông nghiệp đã thực hiện liên kết sản xuất hạt giống lúa thuần với quy mô khoảng 1.300 - 1.600ha. Hiệu quả kinh tế mang lại cho người dân cao hơn lúa thương phẩm từ 1,25 – 1,4 lần.
Trong đó có nhiều dự án được hỗ trợ từ Nghị quyết 17 như HTX Nông nghiệp Thị trấn Ái Nghĩa, HTX Nông nghiệp Đại Quang, HTX Nông nghiệp Đại Nghĩa. Ngoài liên kết sản xuất hạt giống lúa thuần các HTX này còn liên kết sản xuất hạt giống lúa lai với tổng diện tích khoảng 200ha/năm, hiệu quả kinh tế cao hơn lúa thương phẩm 2 đến 3 lần.
[VIDEO] - HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa chế biến sâu các sản phẩm từ lúa gạo:
Riêng HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa ngoài liên kết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã biến các sản phẩm liên kết thành các sản phẩm chủ lực của đơn vị. Từ chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo HTX này đã đi vào chế biến sâu, cho ra đời sản phẩm “Bánh tráng Đại Lộc” được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, “Gạo an toàn Ái Nghĩa” OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Ông Trương Cảm - Giám đốc HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa cho biết, tham gia liên kết sản xuất sẽ giúp người nông dân bỏ tập quán sản xuất manh mún và giúp cho HTX xây dựng được thương hiệu mạnh. Và thành công của việc liên kết với người nông dân thông qua việc tham gia sâu vào chế biến sâu đã được chứng minh khi 2 sản phẩm này là mặt hàng kinh doanh “chạy” nhất.
“Hiện nay “Bánh tráng Đại Lộc”, “Gạo an toàn Ái Nghĩa” được các cửa hàng thực phẩm sạch tin tưởng nhập vào. Khi đã tạo dựng được thương hiệu của các sản phẩm nghĩa là chúng tôi giúp người nông dân có được đầu ra bền vững cho lúa gạo họ sản xuất được” - ông Cảm nói.
[VIDEO] - Ông Trương Cảm - Giám đốc HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa:
Còn tại TP.Tam Kỳ đã có 4 dự án thực hiện đầu tư và đã đi vào hoạt động ổn định, với tổng kinh phí hỗ trợ đã giải ngân hơn 2,4 tỷ đồng. Các dự án này gồm liên kết sản xuất, thu hoạch, chế biến gắn với tiêu thụ nấm công nghệ cao; liên kết sản xuất, thu hoạch, chế biến gắn với tiêu thụ nấm bào ngư; liên kết sản xuất và tiêu thụ rau an toàn; liên kết nuôi và tiêu thụ sản phẩm vịt hướng thịt.
“Các dự án được hỗ trợ trên địa bàn TP.Tam Kỳ đem lại hiệu quả khá tích cực khi nhờ vào nguồn hỗ trợ của Nghị quyết 17 đã giúp nông dân, HTX tiết kiệm được vốn bỏ ra ban đầu. Từ đó giúp các chủ thể yên tâm sản xuất, tập trung phát triển kinh tế. Và thời gian đến chúng tôi sẽ triển khai thêm 2 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ nấm bào ngư ở xã Tam Phú” - ông Nguyễn Hữu Thanh, Phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ cho biết.
Cần cơ chế hỗ trợ cao hơn
Ông Nguyễn Hữu Thanh thông tin, khó khăn thực tế tại địa phương là các chủ đầu tư thường là các HTX nhỏ và mới thành lập nên không có khả năng tổ chức lập và trình các cơ quan liên quan thẩm định, phê duyệt, thực hiện đầu tư và thanh quyết toán. Cạnh đó, khi đầu tư hạ tầng các chủ đầu tư phải thuê đơn vị lập hồ sơ thiết kế dự toán, hợp đồng thi công xây lắp công trình nên phát sinh thêm nhiều chi phí về tư vấn, thuế…
“Với khó khăn chung về vốn đối với các chủ thể tham gia liên kết sản xuất nông nghiệp nên với mức hỗ trợ là 30% chưa tạo động lực thu hút các chủ thể tham gia. Vì vậy chúng tôi rất mong Nghị quyết sẽ được sửa đổi theo hướng nâng mức hỗ trợ, có thêm các hướng dẫn chi tiết hơn để tránh các vướng mắc phát sinh trong thực tế” - ông Thanh nói.
Theo ông Trần Văn Noa - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, việc hợp tác, liên kết sản xuất đã đem lại hiệu quả thiết thực, giúp nâng cao nhận thức của người dân từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. Nâng cao thu nhập cho các bên tham gia liên kết và tiến bộ khoa học - kỹ thuật được ứng dụng đồng bộ trên diện tích lớn, khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ.
Bên cạnh đó, việc tổ chức sản xuất liên kết cũng góp phần xây dựng, củng cố và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp. Khuyến khích, thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là các ngành hàng, sản phẩm chủ lực. Và đặc biệt là xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, phát triển chế biến sâu hàng hóa nông sản, là cơ sở để triển khai chương trình OCOP.
“Tuy nhiên, việc triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ hiện nay còn nhiều bất cập, hạn chế nhưng chưa được Chính phủ ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung. Vì vậy, Chi cục Phát triển nông thôn, Sở NN&PTNT vẫn chưa thể tham mưu tỉnh điều chỉnh Nghị quyết số 17/2019/NQ-HĐND ngày của Hội đồng nhân dân tỉnh để cơ chế hiệu quả hơn” - ông Trần Văn Noa cho biết.