(QNO) - Nghị quyết 17 của HĐND tỉnh về hỗ trợ liên kết sản xuất đã giúp các hợp tác xã (HTX), người nông dân nâng cao thu nhập khi nông sản, sản phẩm nông nghiệp có giá trị hơn.
Thực hiện Nghị quyết 17 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, trong năm 2024, HTX Nông nghiệp Lạc Sơn (xã Quế Minh, Quế Sơn) đã liên kết với 10 hộ dân trên địa bàn để phát triển chăn nuôi gà.
Theo ông Hồ Ngọc Hiệp - Giám đốc HTX Nông nghiệp Lạc Sơn, mỗi hộ dân sẽ nhận nuôi 500 con gà giống/lứa, HTX cung cấp con giống và hướng dẫn kỹ thuật để người dân chăn nuôi theo hướng tự nhiên, tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gà.
Sau 5 tháng chăm sóc, HTX sẽ thu mua gà thương phẩm. Sau khi trừ chi phí, mỗi hộ dân lời 13-15 triệu đồng/lứa. Đến nay, sau 2 lứa nuôi, mỗi hộ dân thu lợi từ 25-30 triệu đồng. Cùng với sự hỗ trợ hỗ trợ 50% chi phí ban đầu theo Nghị quyết 17, tương ứng mỗi đợt, mỗi hộ dân nhận được 30 triệu đồng. Như vậy, sau 2 lứa gà, với sự liên kết theo Nghị quyết 17, mỗi hộ dân thu về khoảng 80-90 triệu đồng.
“Hiệu quả ở đây không chỉ có nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân trong mô hình liên kết mà còn cho cả HTX và đơn vị liên kết. HTX Lạc Sơn thu được sản phẩm chất lượng bởi mô hình chăn nuôi gần như khép kín, HTX cung cấp con giống, thu mua đầu ra, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc.
Khi được chăn nuôi theo hướng tự nhiên sẽ giảm áp lực dịch bệnh, sản phẩm đảm bảo không tồn chất kháng sinh, thơm ngon chất lượng. Đây là một mô hình liên kết rất hiệu quả, nên được nhân rộng” - ông Hiệp nói.
[VIDEO] - Chuỗi liên kết nuôi gà của HTX Nông nghiệp Lạc Sơn:
Thành lập năm 2021, HTX Nông nghiệp Điện Trung (Điện Trung, thị xã Điện Bàn) hướng đến xây dựng mô hình kinh tế tập thể trong xây dựng nông thôn mới. Ban đầu HTX này chủ yếu kinh doanh về cung cấp điện cho đất màu và thủy lợi. Sau đó, nhận thấy tiềm năng và hướng đến sản phẩm OCOP, HTX đã xây dựng chuỗi liên kết sản xuất sản phẩm gạo thương hiệu Gò Nổi.
Giám đốc HTX Nông nghiệp Điện Trung Nguyễn Văn Hoàng cho biết: “Lúc đầu chuỗi liên kết có 21 hộ tham gia trồng lúa với diện tích trên 5ha. Năng suất đạt 65 tạ/ha vụ đông xuân, còn vụ hè thu chúng tôi không sản xuất vì chất lượng gạo không ngon. Mô hình đã giúp cho người nông dân tăng lợi nhuận 5-7% khi giá lúa thu mua cao hơn thương lái 1.000 đồng/kg”.
Theo Chi cục trưởng Chi cục PTNT tỉnh Trần Văn Noa, đến nay đã có 82 dự án, kế hoạch liên kết sản xuất trên toàn tỉnh được phê duyệt. Trong đó có 72 dự án trồng trọt, 3 lâm nghiệp và 7 chăn nuôi. Các dự án, kế hoạch liên kết đã thu hút 84 HTX và 74 doanh nghiệp tham gia liên kết với 17.906 hộ dân tham gia thực hiện liên kết.
Từ năm 2021 đến năm 2023, UBND tỉnh đã phân bổ kế hoạch vốn triển khai thực hiện Nghị quyết 17 hỗ trợ cho các địa phương từ nguồn vốn ngân sách tỉnh là 70 tỷ đồng gồm 35 tỷ đồng vốn sự nghiệp, 35 tỷ đồng vốn đầu tư. Năm 2024, ngân sách tỉnh tiếp tục bố trí 9 tỷ đồng để triển khai thực hiện.
Ngoài ra, để triển khai phát triển liên kết sản xuất hiệu quả hơn, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đã kiến nghị cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ vì nghị quyết này còn nhiều bất cập, hạn chế...
“Việc hợp tác, liên kết sản xuất đã đem lại những hiệu quả thiết thực, giúp nâng cao nhận thức của người dân từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. Nâng cao thu nhập cho các bên tham gia liên kết và tiến bộ khoa học - kỹ thuật được ứng dụng đồng bộ trên diện tích lớn, khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ.
Đồng thời tổ chức sản xuất liên kết cũng góp phần phát triển các HTX nông nghiệp, khuyến khích, thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là các ngành hàng, sản phẩm chủ lực, xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, phát triển chế biến sâu hàng hóa nông sản, là cơ sở để triển khai Chương trình OCOP” – ông Trần Văn Noa khẳng định.