Huyện Núi Thành tạo cú hích cho phát triển nông nghiệp hàng hóa bền vững, nâng cao giá trị thông qua hình thành các chuỗi liên kết.
Tạo dấu ấn liên kết
Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp An Phú (xã Tam Xuân 2, Núi Thành) sản xuất lúa giống gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm trên diện tích gần 100ha.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Giám đốc HTX An Phú cho biết, đơn vị đã ký hợp đồng với 2 doanh nghiệp lúa giống ở Thái Bình và Quảng Bình để tổ chức sản xuất lúa cho nông dân trên địa bàn.
HTX thực hiện dịch vụ thủy lợi, khuyến nông, bảo vệ thực vật, cửa hàng vật tư nông nghiệp, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc để tạo thuận lợi cho nông dân trong quá trình canh tác lúa.
HTX bao tiêu sản phẩm lúa của người nông dân với giá cao hơn mặt bằng thị trường rồi cung ứng cho các doanh nghiệp. Liên kết sản xuất lúa hàng hóa lớn đem lại giá trị kinh tế cho HTX và nông dân.
HTX Chè Đức Phú Tam Sơn (xã Tam Sơn) đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (Đồng Nai) để liên kết trồng ca cao trên diện tích 50ha. Đến thời điểm này, cây ca cao phát triển tốt và HTX dự kiến cho thu hoạch vài năm nữa.
Ông Đặng Văn Quang - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Núi Thành cho biết, trước đây Núi Thành là vùng trồng ca cao lớn của cả tỉnh. Tuy nhiên, vì giá cá cao bấp bênh đầu ra nên cách đây hơn 10 năm người dân ồ ạt chặt bỏ loại cây này. Sau đó, huyện Núi Thành đề ra chủ trương liên kết giữa nhà nước, doanh nghiệp và nông dân để xây dựng cánh đồng lớn ca cao như hiện nay.
Ông Nguyễn Ngọc Linh - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho biết ca cao là loại cây dễ chăm sóc, chi phí đầu tư thấp. Khi liên kết, doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ trái ca cao cho nông dân với giá cao hơn giá thị trường; đồng thời doanh nghiệp cũng đưa ra các quy định đối với việc chăm sóc, thu hoạch ca cao.
Điều này giúp nâng cao năng suất cây trồng, chất lượng trái đảm bảo. Khi cây cao cao phát triển mạnh, địa phương sẽ nhân rộng, xây dựng thêm các vùng nguyên liệu lớn trồng ca cao, không chỉ ở Tam Sơn mà còn phát triển ở các xã Tam Thạnh, Tam Trà…
“Để tăng sự ràng buộc trong liên kết sản xuất ca cao theo chuỗi, HTX và công ty ký hợp đồng với những điều khoản chặt chẽ. Công ty cam kết đảm bảo quyền lợi cho HTX, người dân tham gia liên kết” - ông Linh nói.
Tính đường dài cho chuỗi liên kết
Ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, định hướng phát triển ngành nông nghiệp của địa phương là tính bền vững; áp dụng đồng bộ các giải pháp tiên tiến, hiện đại; nhân rộng các mô hình giảm giá thành; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị hàng hóa, sản phẩm.
Huyện tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ để các HTX, doanh nghiệp triển khai các chuỗi liên kết sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn, mô hình canh tác lúa bền vững, sản xuất giống lúa chất lượng cao gắn với liên kết tiêu thụ.
“Núi Thành duy trì và nhân rộng các phương thức liên kết điển hình theo chuỗi khép kín, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Ngành nông nghiệp sẽ củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX để đáp ứng yêu cầu về chuỗi liên kết nông sản và tiếp cận kỹ thuật công nghệ, tạo hiệu quả trong việc chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất” - ông An nói.
Điểm thuận lợi trong phát triển chuỗi liên kết nông nghiệp ở huyện Núi Thành là quỹ đất tích tụ dồi dào. Ông Đặng Văn Quang - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Núi Thành, cho rằng, liên kết chuỗi sản xuất nông nghiệp tạo thuận lợi cho nhà nước trong chuyển giao khoa học, kỹ thuật; triển khai các chính sách hỗ trợ và xây dựng nền sản xuất lớn.
Liên kết sản xuất nông nghiệp cũng giúp người dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm còn doanh nghiệp đảm bảo được nguồn nguyên liệu ổn định để chế biến. Điều cần thiết là không để xảy ra mô hình liên kết lỏng lẻo, người dân vì lợi ích trước mắt mà tự phá vỡ hợp đồng, không thực hiện đúng cam kết; doanh nghiệp không thu mua nguyên liệu.
Ông Nguyễn Ngọc Linh cho biết, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường tuyên truyền để các HTX, người dân hiểu rõ liên kết sản xuất nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích và là hướng đi chủ đạo trong tái cơ cấu nông nghiệp của huyện.
Chuỗi liên kết nông nghiệp là cách chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp qua kinh tế nông nghiệp để tạo được giá trị gia tăng cũng như đa giá trị trong sản xuất nông nghiệp.
Ngành nông nghiệp đề xuất với UBND huyện xây dựng, kiện toàn các yếu tố hạ tầng như thủy lợi, giao thông gắn với dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, tạo thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp và trao đổi, vận chuyển hàng hóa lớn.