Khoa học - Công nghệ

Nghiên cứu đa dạng sinh học Sông Đầm: Kỳ vọng ứng dụng vào quản lý, bảo tồn

HÀ QUANG 24/10/2024 08:05

Sở KH&CN vừa đánh giá nghiệm thu và thông qua đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu đa dạng sinh học và đề xuất giải pháp quản lý, bảo tồn gắn với phát triển du lịch sinh thái khu vực hồ Sông Đầm, TP.Tam Kỳ”. Tại buổi nghiệm thu đề tài, các thành viên Hội đồng tư vấn đã đóng góp nhiều ý kiến vào báo cáo khoa học để đề tài có tính ứng dụng thực tiễn cao nhất.

z5942741964070_53b221f34283dc5b86cd400f4d0c28d9.jpg
Khu vực hồ Sông Đầm rất đa dạng hệ động thực vật. Ảnh: H.Q

Đa dạng sinh học

Qua quá trình điều tra, khảo sát, các nhà khoa học đánh giá, khu vực hồ Sông Đầm rất đa dạng hệ động vật có xương sống. Từ những mẫu vật ghi nhận và thu thập được, ban chủ nhiệm đề tài đã xây dựng danh lục các động vật có xương sống tại khu vực này.

Bảng danh lục này đã thống kê được trong khu vực hồ Sông Đầm có tổng số 85 loài thuộc 55 họ và 21 bộ thuộc 5 lớp. Với diện tích gần 200ha nước mặt bao phủ, hệ sinh thái chính của khu vực hồ Sông Đầm là hệ sinh thái đất ngập nước nên có thể thấy thành phần các loại cá tại khu vực chiếm ưu thế lớn với 40% số lượng loài động vật có xương sống.

Lớp chim xếp ngay sau với thành phần loài ghi nhận được lên đến 36,47%. Lớp động vật lưỡng cư và lớp bò sát đều chiếm 9,41%. Ghi nhận được ít số lượng loài nhất là lớp thú với 4 loài, chỉ chiếm 4,71%.

Về thành phần loài động vật không xương sống tại khu vực hồ Sông Đầm, các nhà khoa học đã ghi nhận được 214 loài; trong đó các loài thuộc ngành động vật thân mềm (Mollusca), lớp chân bụng (Gastropoda) ghi nhận được 11 loài thuộc 6 họ và 4 bộ.

Trong tổng số các loài thuộc ngành động vật chân khớp (Arthropoda) ghi nhận được, lớp hình nhện có được 6 loài thuộc 2 họ và 1 bộ; lớp giáp xác mềm ghi nhận được 4 loài thuộc 3 họ và 1 bộ; lớp côn trùng có số lượng loài lớn nhất với 193 loài thuộc 33 họ và 5 bộ...

Hệ thực vật tại khu vực Sông Đầm cũng được đánh giá là rất đa dạng. Các nhà khoa học đã thống kê được trong khu vực có tổng cộng 232 loài và dưới loài thuộc 173 chi và 89 họ, thuộc 3 ngành thực vật bậc cao có mạch... Đặc biệt, các nhà khoa học đã ghi nhận được các loài thực vật quý hiếm, đặc hữu tại khu vực Sông Đầm.

PGS-TS.Vũ Tiến Chính (Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam) - chủ nhiệm đề tài, nói: “Trong quá trình điều tra, chúng tôi phát hiện 1 loài mới công bố cho khoa học là loài Thiểu nhụy sông đầm (Meiogyne sp). Loài mới dự kiến được đặt theo tên địa danh nghiên cứu và 2 cá thể loài có giá trị bảo tồn là Garcinia celebica L (rỏi mật, gỏi) và Pterocarpus indicus Wild (giáng hương, sưa vàng Quảng Nam), được Hội Cây di sản văn hóa quốc gia phong tặng tại khu vực hồ Sông Đầm”.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng khảo sát nhiều yếu tố khác tại khu vực Sông Đầm như nguồn nước, nguyên nhân suy giảm hệ sinh thái... Đặc biệt là tập tính, môi trường sinh sống của các loài cò nhạn, cò ốc gắn với cây dừa nước, từ đó đề xuất cần di thực cây dừa nước về khu vực này.

“Từ kết quả nghiên cứu, chúng tôi xác định hệ sinh thái Sông Đầm thuộc hệ sinh thái đất ngập nước. Để bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học, đề nghị Sở KH&CN cho phép ưu tiên thực hiện các đề xuất như điều tra, nghiên cứu các giải pháp phục hồi một số quần thể động thực vật quý hiếm, có giá trị để làm tăng độ đa dạng sinh học khu vực Sông Đầm. Ứng dụng các kết quả của đề tài vào thực tiễn. Thành lập khu bảo tồn đất ngập nước nhằm phục vụ công tác bảo tồn các loài động thực vật nơi đây” - PGS-TS.Vũ Tiến Chính nói.

Góp ý hoàn thiện báo cáo khoa học

Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng tư vấn đã đưa ra nhiều ý kiến phản biện; trong đó đề nghị các nhà nghiên cứu cần chỉ “đích danh” nguồn tác động đối với hệ sinh thái khu vực Sông Đầm bằng các dữ liệu khoa học cụ thể.

z5942741912788_0aab7064b4936a633af99cee01177cf2.jpg
Người dân khai thác thủy sản trên hồ Sông Đầm.

Ngoài ra yêu cầu ban chủ nhiệm đề tài không đề xuất chung chung mà cần đưa ra các biện pháp cụ thể để bảo vệ các loài động vật có giá trị như cò nhạn, cò ốc, bảo vệ nguồn nước hồ Sông Đầm...

PGS-TS.Đinh Thị Phương Anh - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường TP.Đà Nẵng (ủy viên phản biện) cho rằng, ban chủ nhiệm đề tài cần xác định “hồ Sông Đầm” hay “Sông Đầm”, bởi hồ và sông là hai hệ sinh thái khác nhau.

“Và là hệ sinh thái nên cần phân tích các loài phân bố ở khu vực nào. Xác định lại đất ngập nước gì, ngập theo mùa, thường xuyên hay ngập nước ven biển? Cần xác định nguồn nước đến từ đâu, đi ra ở khu vực nào và cũng nên quan trắc nguồn nước theo mùa. Cần nghiên cứu thêm loài sinh vật phù du sống bám và sống đáy.

Ngoài ra, ban chủ nhiệm đề tài cần điều tra xã hội học một cách hợp lý hơn, ví dụ phỏng vấn đúng đối tượng để nhận được câu trả lời như mong muốn... Từ đó mới đưa ra được cách bảo tồn hợp lý các loài, khu vực và đề xuất biện pháp cụ thể để địa phương triển khai trong thực tế” - PGS-TS.Đinh Thị Phương Anh góp ý.

Chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn các loài động vật, ThS.Lê Ngọc Thảo - Trưởng ban Thư ký Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, Hội An lấy ví dụ về việc bảo tồn loài cò mỏ thìa ở Vườn quốc gia Sơn Thủy (Nam Định).

Ông Thảo cho rằng cách làm của Vườn quốc gia Sơn Thủy rất thông minh, bởi sau khi phát hiện loài cò mỏ thìa tại đây, họ bắt đầu đánh giá toàn bộ quy trình về đời sống của loài này và biết được cò mỏ thìa di cư từ Nhật Bản.

Ông Thảo nói: “Họ bồng con cò mỏ thìa qua Nhật và hỏi lai lịch về loài di cư này. Phía Nhật trả lời rằng chúng tôi đang bảo tồn chúng, bắt đầu họ mong muốn người Nhật chia sẻ kinh nghiệm trong việc bảo tồn, sau đó xin được một dự án với nguồn kinh phí tương đối khá cho Vườn quốc gia Sơn Thủy.

Tương tự, khi biết được nước Úc cũng đang bảo tồn loài di cư này, họ cũng bồng cò mỏ thìa sang và xin được một dự án nữa. Nếu địa phương cũng làm được như vậy với loài cò nhạn tại khu vực Sông Đầm thì theo tôi rất thiết thực”.

PGS-TS.Phạm Thị Kim Thoa - Giảng viên Khoa Môi trường, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng (Chủ tịch Hội đồng tư vấn) với góc nhìn khoa học đã góp thêm nhiều ý kiến, đồng thời đề nghị ban chủ nhiệm đề tài ghi nhận đầy đủ các ý kiến của thành viên Hội đồng tư vấn để bổ sung vào báo cáo khoa học.

Riêng đề xuất phát triển du lịch sinh thái, bà Thoa cho rằng đề tài cần tìm ra mô hình hợp lý, đề xuất để địa phương áp dụng nhằm góp phần phát triển kinh tế, bảo tồn ở khu vực Sông Đầm.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghiên cứu đa dạng sinh học Sông Đầm: Kỳ vọng ứng dụng vào quản lý, bảo tồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO