Nghiên cứu, ứng dụng khoa học & công nghệ (KH&CN) phải sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, phục vụ cho các nhiệm vụ, mục tiêu trọng tâm, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển... Đó là mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra cho ngành KH&CN Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025.
Nhiệm vụ trọng tâm
Theo kế hoạch triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) của UBND tỉnh, Sở KH&CN được giao tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai 11 nhiệm vụ trọng tâm, như: quan trắc phóng xạ môi trường trên địa bàn tỉnh; tạo lập, quản lý và phát triển quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm đặc sản, sản phẩm làng nghề truyền thống; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dự thảo đề án thành lập Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam tại Quảng Nam...
Ông Nguyễn Phi Thạnh - Giám đốc Sở KH&CN cho biết, theo nhiệm vụ UBND tỉnh giao, việc nghiên cứu, ứng dụng KH&CN giai đoạn 2021 - 2025 tập trung vào các vấn đề chính như: xử lý rác thải, biến đổi khí hậu; vấn đề nguồn nước, môi trường; phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi; bảo tồn và phát triển hệ sinh thái tự nhiên gắn với phát triển du lịch; phát triển bền vững một số ngành công nghiệp, hệ thống đô thị tỉnh...
Sở KH&CN sẽ tiếp tục phối hợp với Sở NN&PTNT phát triển theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm OCOP chủ lực của địa phương; chú trọng lĩnh vực phòng chống thiên tai, rà soát, cập nhật bản đồ nguy cơ rủi ro, thiên tai có tính đến biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Đồng thời tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ năng lượng mới, công nghệ sinh học, công nghệ tiên tiến trong chế biến, bảo quản các sản phẩm nông nghiệp; nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ số trên các lĩnh vực đời sống...
Đề cập tới giải pháp nâng cao hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào thực tiễn, bà Phan Thị Á Kim - Phó Giám đốc Sở KH&CN cho rằng, mỗi năm có trung bình 15 nhiệm vụ KH&CN, rất nhiều đề tài được ứng dụng và đem lại hiệu quả thực tiễn, song chỉ ở phạm vi nội tại, chưa có định hướng, chưa xác định cụ thể, chưa tạo những chuỗi sản phẩm giá trị từ hoạt động nghiên cứu, ứng dụng.
“Chúng ta nghiên cứu thì nhiều nhưng tổng thể cho một ngành, một lĩnh vực thì chưa được chú trọng. KH&CN chưa thực sự đóng vai trò định hướng phát triển. Phải rà soát lại để có những khung cơ bản cho từng lĩnh vực” - bà Kim nói...
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, cần phát huy tiềm lực KH&CN từ trung ương, Bộ KH&CN, các tổ chức liên quan. Các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng của Sở KH&CN cần kiện toàn, phát huy hiệu quả trong đầu tư, phát triển tiềm lực KH&CN, xây dựng các mô hình/dự án hiệu quả, triển khai áp dụng vào thực tiễn có kết quả.
“Nguồn lực KH&CN được tỉnh quan tâm, song cần phát huy hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư trong thực tiễn. Cần xem xét các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN có tốt chưa, có đổi mới chưa, đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp hay chưa. Các mô hình phải đem lợi cho người dân, doanh nghiệp, đừng xa rời thực tiễn. Phải kích thích phong trào sáng kiến, đổi mới công nghệ, áp dụng sáng kiến, đổi mới công nghệ, phục vụ đời sống” - ông Bửu nhấn mạnh.
Cần sự đột phá
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, mỗi nhiệm vụ UBND tỉnh lựa chọn trong giai đoạn 2021 - 2025 là một vấn đề bức xúc, cần thiết được nhìn nhận từ thực tiễn và nhu cầu phát triển của tỉnh. Do đó, phải xác định cho được nhiệm vụ nào ngành KH&CN của tỉnh có thể tự lực thực hiện, nhiệm vụ nào cần hợp tác với các cơ quan, đề tài nghiên cứu nào đề nghị làm đề tài cấp bộ, cấp nhà nước..., tự lượng để làm vừa sức mình và đem lại hiệu quả. Đồng thời sử dụng tất cả nguồn lực KH&CN của các cơ quan, đơn vị mà Quảng Nam có quan hệ, hợp tác, miễn sao là nghiên cứu phục vụ trên địa bàn tỉnh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, ngoài xây dựng đề tài nghiên cứu, nếu có thể chia sẻ cơ sở dữ liệu với sở KH&CN ở các địa phương, với Bộ KH&CN, các viện nghiên cứu, qua đó lựa chọn những đề tài phù hợp để cải tiến ứng dụng tại Quảng Nam sẽ đỡ tốn thời gian, công sức, tiền bạc.
Muốn vậy, trước hết phải kiện toàn Hội đồng nghiệm thu đề tài của tỉnh, thành viên hội đồng phải am hiểu, khả năng phản biện tốt, có chuyên môn sâu; tránh buông lỏng quản lý từ quá trình tổ chức nghiên cứu cho đến nghiệm thu đề tài. Như vậy mới mong có những sản phẩm nghiên cứu tốt, phát huy được hiệu quả trong thực tiễn.
Từ giai đoạn 2021 - 2025, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN phải sát đời sống, xuất phát từ thực tiễn, tập trung cho các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu có thể ứng dụng được ngay. Cùng với các lĩnh vực, tỉnh rất quan tâm đến phát triển bền vững khu vực miền núi và nông thôn; các vấn đề như hỗ trợ, phát triển sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP cần chú trọng hơn.
“Trong giai đoạn 5 năm tới, lĩnh vực KH&CN của tỉnh có sự đột phá rõ ràng, phải định vị được vị trí của ngành KH&CN. Phương pháp tiếp cận nguồn lực KH&CN rất nhiều, không nên đi theo lối mòn như hiện nay. Giai đoạn tới phải mở rộng quan hệ, tầm nhìn từ cấp bộ, viện, đến các trường học, thu hút lực lượng nghiên cứu khoa học. Nếu biết cách tận dụng, nguồn lực sẽ là cả trăm tỷ đồng chứ không phải chỉ 40 tỷ đồng như hiện nay” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.
Hơn 200 nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ, sử dụng, khai thác
Theo Sở KH&CN, giai đoạn 2016 - 2020, các phòng kinh tế, phòng kinh tế & hạ tầng ở các huyện/thị xã/thành phố đã phối hợp với các phòng chức năng của Sở KH&CN triển khai các hoạt động xác lập, quản lý và phát triển quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) cho các sản phẩm đặc trưng, chủ lực của các địa phương. Đặc biệt là triển khai kế hoạch “Tạo lập, quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm làng nghề truyền thống của tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016-2020”.
Quảng Nam đã tổ chức hơn 80 cuộc hội thảo, tập huấn liên quan đến SHCN; hoàn chỉnh hồ sơ tạo lập quyền SHCN cho 36 sản phẩm, quản lý và phát triển quyền SHCN cho 18 sản phẩm, các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm làng nghề truyền thống. Một số địa phương như Nam Trà My, Tây Giang… đã chủ động xác lập quyền SHCN với hình thức nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế cạnh tranh của địa phương. Giai đoạn 2016-2020, có 529 đơn nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế được nộp; 202 nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ, sử dụng, khai thác. (H.LIÊN)
Kiến nghị gỡ vướng từ Nghị quyết 02 của HĐND tỉnh về KH&CN
Năm 2019, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02 về quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2025; bao gồm các nội dung hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN, hỗ trợ hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ, hỗ trợ đổi mới công nghệ, sản xuất thử nghiệm, phát triển thị trường KH&CN trong và ngoài nước.
Qua gần 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 02, một số dự án được đề xuất như: Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phát triển bò thịt F2 từ phương pháp lai giữa bò đực BBB và bò cái lai Zêbu trên địa bàn huyện Hiệp Đức” (đã được ký hợp đồng thực hiện); dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất và tiêu thụ hạt lúa giống xác nhận theo chuỗi liên kết bền vững tại Thăng Bình, Quảng Nam” (đang thẩm định kinh phí); dự án “Ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời và hệ thống náo đảo tự động nâng cao hiệu quả cho sản xuất nước mắm truyền thống Tam Thanh” (đang thẩm định kinh phí thực hiện); dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất cây giống Ba kích tím nuôi cấy mô tại huyện Tây Giang, Quảng Nam”. Song, theo đề xuất của Sở KH&CN và các địa phương, đến nay, việc tiếp cận các cơ chế, chính sách theo tinh thần Nghị quyết 02 còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đề nghị UBND tỉnh cần rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung để tạo đà đưa nghị quyết đi vào thực tiễn. (T.N)