Chính quyền - đoàn thể

Người có uy tín ở vùng cao Quảng Nam và "sứ mệnh" từ đời sống

ALĂNG NGƯỚC (alangnguoc@gmail.com) 09/05/2025 10:00

Phát huy vai trò, tiếng nói và hành động nêu gương trong cộng đồng dân tộc thiểu số, thời gian qua, người có uy tín trở thành điểm tựa vững chắc giúp chính quyền, nhân dân miền núi chuyển tải thông tin một cách sâu rộng, hiệu quả…

Thời gian qua, rất nhiều nghi thức văn hóa cộng đồng miền núi được bảo tồn, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo phục vụ du khách. Trong ảnh: Các nghệ nhân Cơ Tu ở xã Zuôih (Nam Giang) tái hiện nghi thức cúng đất lập làng. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Già làng, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số có nhiều việc làm hữu ích giúp cộng đồng phát triển. Trong ảnh: Các già làng ở xã Zuôih (Nam Giang) tái hiện nghi thức cúng đất lập làng vào năm 2024. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Nói đi đôi với làm

Không phải ngẫu nhiên, ông Bhriu Pố (SN 1949, ở thôn Arớh, xã Lăng, Tây Giang) được nhiều người mệnh danh là “Vua ba kích” ở Trường Sơn.

Sau nhiều năm công tác, đến lúc nghỉ hưu, ông cùng gia đình dựng căn chòi ở bìa rừng để trồng và chăm sóc giống cây ba kích tím. Thời đó, loài dược liệu quý này với người dân Tây Giang vẫn còn là “ẩn số”. Vì thế, khi ấy nhiều người nghĩ ông “điên rồ” với những việc làm… không giống ai.

Ông Bhriu Pố kể, những năm sau giải phóng, gia đình ông nằm trong diện nghèo khó của địa phương, cuộc sống thiếu thốn đủ bề. Không cam chịu trước số phận, ngay khi chủ trương mở cửa hội nhập, vợ chồng ông dắt díu nhau lên rừng hình thành nên mô hình kinh tế vườn đầu tiên ở miền núi. Bắt đầu từ ba kích tím, sau đó mở rộng sang một số loại dược liệu dưới tán rừng.

“Lúc đó, tôi nghĩ muốn xóa được đói nghèo thì không có con đường nào khác ngoài phải thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Với lợi thế kiến thức được học, tôi tự mình quy hoạch đất vườn để trồng ba kích và học hỏi thêm kỹ thuật từ sách báo, quyết tâm thoát nghèo.

Nhờ vậy, từ 100 cây ba kích giống được trồng thử nghiệm ban đầu, đến nay tôi có hơn 1,3ha vườn dược liệu, giúp thu nhập của gia đình mỗi năm ổn định dần” - ông Bhriu Pố chia sẻ.

Câu chuyện của ông Bhriu Pố chỉ là lát cắt nhỏ trong hành trình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền Tây xứ Quảng. Như ông Hồ Văn Thống (SN 1983, dân tộc Xê Đăng, ở thôn 2, xã Trà Cang, Nam Trà My), mặc dù khá trẻ tuổi nhưng với tinh thần “luôn nghĩ cho làng” đã trở thành người có uy tín, được cộng đồng nể trọng.

img_0586.jpg
Ông Bhriu Pố hỗ trợ cộng đồng vẽ lại trụ cây nêu nguyên bản truyền thống phục vụ lễ hội tại địa phương. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Ông Thống là Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn 2. Phát huy vai trò người có uy tín, bằng tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, nhiều năm qua, ông Thống thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ người dân khó khăn trên địa bàn vươn lên phát triển kinh tế. Trong đó, dấu ấn lớn nhất là huy động người dân đổi mới phương thức canh tác nương rẫy sang làm ruộng lúa nước, đặc biệt là trồng dược liệu sâm Ngọc Linh dưới tán rừng.

“Lúc đầu, gia đình tôi cũng rất khó khăn. Sau thời gian đi làm đổi công, lấy giống sâm Ngọc Linh về trồng, hiện nay gia đình có hơn 4.000 gốc sâm 1-7 tuổi và 4.000 gốc quế.

Từ câu chuyện của mình, tôi vận động giúp đỡ hàng chục hộ gia đình đổi công lấy sâm về trồng, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc sâm Ngọc Linh. Nhờ đó, nhiều hộ đã trở nên thoát nghèo” - ông Thống nói.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Ông Hồ Văn Phen - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phước Sơn cho biết, từ thực tiễn tại địa phương miền núi, đầu năm 2023, Huyện ủy Phước Sơn ra Chỉ thị số 27 về cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.

977a4509.jpg
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Đức Dũng tặng bằng khen biểu dương người có uy tín tại hội nghị biểu dương người có uy tín tiêu biểu và phát động cuộc vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh năm 2025. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Trong đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện được giao nhiệm vụ phối hợp, tham mưu biên soạn và xây dựng các nội dung liên quan đến “thay đổi nếp nghĩ, cách làm” trong đồng bào địa phương.

Từ sự hưởng ứng tích cực của cán bộ đảng viên và người dân trên toàn huyện, công tác tuyên truyền được triển khai một cách sâu rộng; nhiều mô hình, cách làm thiết thực, hiệu quả được hình thành, giúp thay đổi tư duy về “nếp nghĩ, cách làm” trong đồng bào dân tộc thiểu số.

“Qua đánh giá, cuộc vận động đã làm thay đổi dần cách nghĩ của người dân trong phát triển kinh tế, chi tiêu trong gia đình, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống… góp phần ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân ngày một tốt hơn” - ông Phen cho biết.

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Trí Thanh, với vai trò hết sức quan trọng của mình, người có uy tín mang một “sứ mệnh” rất lớn trong việc làm cầu nối tuyên truyền vận động giữa chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể với cộng đồng dân cư.

Bằng sức ảnh hưởng cá nhân, thời gian qua, nhiều người có uy tín tham gia đóng góp ý kiến vào các dự án phát triển kinh tế - xã hội, vận động người dân giữ gìn bản sắc văn hóa, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội tại cơ sở. Đặc biệt, tham gia hòa giải những vụ việc, mâu thuẫn nảy sinh trong cộng đồng, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

“Trong thời điểm cả nước đang thực hiện cuộc cách mạng sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả như hiện nay rất mong nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực từ các vị già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Sự đồng hành của người uy tín hy vọng sẽ giúp động viên tinh thần, tiếp thêm niềm tin cho các cấp chính quyền thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị trong cuộc cách mạng lịch sử này” - ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh.

Dự kiến ngày 20/5 tổ chức hội nghị góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp

Ngày 7/5, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức hội nghị góp ý đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 (gọi tắt là dự thảo Nghị quyết). Theo đó, dự kiến hội nghị sẽ được tổ chức vào sáng 20/5 tại Hội trường B Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam.

Trước đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến trong hệ thống MTTQ Việt Nam về dự thảo Nghị quyết. Theo đó, toàn bộ nội dung dự thảo Nghị quyết được Mặt trận tỉnh lấy ý kiến thông qua chuyên mục “Tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri” trên Trang tin điện tử của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tại địa chỉ: https://ubmttqvn.quangnam.gov.vn và trên Fanpage của MTTQ tỉnh từ ngày 7/5/2025. Mặt trận tỉnh tập hợp, tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả lấy ý kiến vào dự thảo Nghị quyết gửi Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trước ngày 22/5/2025.(VINH ANH)

Lãnh đạo Mặt trận tỉnh thăm, chúc mừng Đại lễ Phật đản Phật lịch 2569

Nhân Đại lễ Phật đản Phật lịch 2569, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh vừa đến thăm và chúc mừng các cơ sở Phật giáo tại huyện Thăng Bình và thị xã Điện Bàn. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Trí Thanh chúc các vị chức sắc, tăng ni và bà con Phật tử tỉnh đón một mùa Phật đản an vui, hạnh phúc. Thời gian đến, mong muốn quý vị chức sắc và đồng bào Phật tử trên địa bàn tỉnh ủng hộ chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy; vận động đồng bào Phật tử tham gia phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn minh, hưởng ứng các cuộc vận động và các phong trào thi đua yêu nước, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Theo kế hoạch, chiều nay 9/5, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức đoàn đại biểu gồm lãnh đạo Mặt trận tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, Hội đồng tư vấn Dân tộc - Tôn giáo của Mặt trận tỉnh đến thăm, chúc mừng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh nhân Đại lễ Phật đản Phật lịch 2569.(TÂM ĐAN)

Nguồn xã hội hóa góp phần xây dựng và sửa chữa 2.872 nhà tạm

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, tính đến ngày 30/4/2025, toàn tỉnh đã huy động kinh phí xã hội hóa 144,591 tỷ đồng để thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025. Trong đó, nguồn vận động các tổ chức, cá nhân đã chuyển vào tài khoản Ban vận động cấp tỉnh 97,7 tỷ đồng, Ban vận động cấp huyện 17,09 tỷ đồng. Nguồn kinh phí vận động xã hội đã hỗ trợ xây mới 2.056 nhà, sửa chữa 816 nhà tạm cho người dân trên toàn tỉnh.(T.ĐAN)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người có uy tín ở vùng cao Quảng Nam và "sứ mệnh" từ đời sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO