(QNO) - Giữa vùng bán sơn địa Tiên Cẩm (nay là xã Tiên Sơn, Tiên Phước), một khu rừng bách thảo đang dần hình thành, mang theo khát vọng đổi đời cho một tương lai xanh bền vững. Đây là “đứa con tinh thần” của ông Nguyễn Thanh Bình (SN 1977), người từ bỏ phố thị để trở về với thiên nhiên, gieo mầm xanh trên quê hương.
Trở về…
Ông Nguyễn Thanh Bình từng có công việc ổn định ở thành phố, nhưng ở nơi đất khách quê người dường như không thể khỏa lấp nỗi nhớ về những cánh rừng xanh mát tuổi thơ. Hình ảnh những tán cây cổ thụ, tiếng suối róc rách, mùi hương của cây lá, trái cây rừng dại… luôn thôi thúc ông trở về với nơi ông sinh ra và lớn lên – mảnh đất Tiên Cẩm.
[VIDEO] - Ông Nguyễn Thanh Bình chia sẻ về câu chuyện gây rừng bách thảo:
Năm 2021, Nguyễn Thanh Bình trở về quê khởi nghiệp với dự án trồng rừng bách thảo. Đây là một quyết định táo bạo, bởi việc trồng rừng kinh tế đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, thời gian thu hoạch dài và thị trường đầu ra thiếu ổn định. Nhiều người cho rằng, ông làm vậy để đánh bóng tên tuổi, “làm màu” cho bản thân. Nhưng bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu, ông vẫn kiên định với con đường mình đã chọn.
Với ông Bình, trồng rừng còn là… trồng người, bởi việc chăm sóc cây cối dạy cho con người tính kiên nhẫn, tỉ mỉ, lòng yêu thương và lối sống hòa hợp với thiên nhiên. Khi con người biết trân trọng từng mầm cây, sự sống nhỏ bé, họ sẽ biết yêu thương đồng loại và cuộc sống hơn. Từ việc vun trồng cây xanh, con người cũng vun đắp cho tâm hồn mình những giá trị nhân văn cao đẹp.
Thiết lập hệ sinh thái đa dạng
Không chọn cách trồng rừng đơn thuần hay chạy theo lợi nhuận ngắn hạn với những loại cây công nghiệp, ông Bình ấp ủ và theo đuổi mô hình kết hợp vườn - rừng. Đây là một triết lý trồng rừng bền vững, vừa tạo ra nguồn thu nhập ổn định, vừa góp phần bảo tồn nguồn gen quý hiếm và duy trì hệ sinh thái rừng.
Trên mảnh đất 20ha mua lại từ người dân bản địa, Nguyễn Thanh Bình trồng xen canh các loại cây gỗ quý lâu năm như cẩm lai, giáng hương, trắc, huỳnh đàn, lim xanh… với các loại cây ngắn ngày cho thu nhập ổn định như quế, cau, tre mạnh tông, sầu riêng, măng cụt. Riêng cây tre mạnh tông được ông trồng ở những vị trí có nguy cơ sạt lở, vừa bảo vệ bờ đất, vừa khai thác kinh tế nhanh khi tre cho măng, thân gỗ già có thể làm các sản phẩm công nghiệp, mỹ nghệ.
Vườn rừng bách thảo là tập hợp nhiều loại cây bản địa quý hiếm, tạo thành quần thể đa dạng hệ sinh thái được bảo tồn và phát triển hài hòa. Trong đó, có nhiều loại cây bản địa thuần chủng không bị lai tạo, không biến đổi gen.
Hiện ông đang phát triển vườn ươm các loại cây giống ngay tại địa phương, không chỉ tạo ra nguồn giống chất lượng để trồng trên khu rừng bách thảo của mình mà còn cung cấp giống cây cho nhân dân địa phương. Lấy ngắn nuôi dài - cách ông giải quyết bài toán sinh kế, nuôi dưỡng niềm đam mê với phát triển kinh tế từ vườn rừng của mình. Ông Bình cũng đang gầy dựng vườn dược liệu trong khu rừng bách thảo với các loại đinh lăng, sâm dây, đương quy, nhàu…
[VIDEO] - Ông Bình chia sẻ về các loại cây trong rừng bách thảo của mình:
Mô hình vườn - rừng của Nguyễn Thanh Bình là một hệ sinh thái đa dạng, nơi các loài cây hỗ trợ, nương tựa lẫn nhau. Cây lớn che chở cho cây nhỏ, cây ưa sáng nhường chỗ cho cây ưa bóng. Cỏ cây giữ ẩm cho đất, phân hủy thành phân hữu cơ, nuôi dưỡng cây trồng. Từng tầng tán, từng lớp thực vật đều có vai trò riêng, góp phần tạo nên sự cân bằng và bền vững cho hệ sinh thái. Ông ví von khu rừng của mình như một bản hòa ca của sự sống, nơi mỗi loài cây là một nốt nhạc, cùng hòa quyện, tạo nên một giai điệu tuyệt vời.
Ông Bình chia sẻ, việc trồng rừng ở miền Trung gặp không ít khó khăn do thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra bão lũ. Thế nhưng, sau hơn 2 năm trồng, chăm sóc, vừa làm vừa rút kinh nghiệm từ những lần thất bại, giờ đây, khu vườn rừng đang sinh trưởng, phát triển tốt, những mầm xanh đang vươn lên mạnh mẽ.
Ông cũng đang dự định xây dựng khu rừng bách thảo thành một điểm du lịch sinh thái, nơi du khách có thể tìm hiểu về các loài cây quý hiếm và trải nghiệm cuộc sống gần gũi với thiên nhiên.
Lan tỏa “hành động xanh”
“Rừng là tài sản vô giá cần phải gìn giữ. Tôi gầy dựng khu rừng bách thảo này không chỉ là một mô hình kinh tế mà còn mong muốn làm nơi lưu giữ nguồn gen quý. Tôi nghĩ rằng, công việc của mình không chỉ dừng lại ở việc phủ xanh đất trống đồi trọc mà còn là trách nhiệm cùng cộng đồng thay đổi nhận thức, khơi dậy ý thức bảo vệ thiên nhiên” - ông Bình chia sẻ.
Hình ảnh người dân địa phương bất kể mưa nắng ngày đêm cùng ông Bình cần mẫn trồng cây, phủ xanh những mảnh đất trống, càng lan tỏa “hành động xanh”. Vừa qua, Nguyễn Thanh Bình cùng Câu lạc bộ Đất Quảng yêu thương đã trao 4.000 cây quế và 100 cây tre mạnh tông tặng 40 hộ dân khu tái định cư thôn 4, xã Trà Cang (Nam Trà My). Ông cho rằng, những cây quế, cây tre sẽ tạo ra sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số, vừa góp phần bảo vệ bản làng trước nguy cơ sạt lở đất.
Từng khoảnh đất, quả đồi được phủ xanh là minh chứng sống động cho niềm tin, sự bền bỉ, khát vọng làm giàu của Nguyễn Thanh Bình trên hành trình khởi nghiệp.