Tam Kỳ xác định tiếp tục đột phá công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị trong năm 2024. Các nhiệm vụ này cần rất nhiều tiền, vậy nguồn lực nào để thực hiện?
Sôi động dự án
Năm 2023, TP.Tam Kỳ quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tháo gỡ được các điểm nghẽn lớn tồn tại nhiều năm cản trở quá trình phát triển, làm xấu bộ mặt đô thị. Bao gồm: đường Bạch Đằng, thông tuyến N10 đoạn từ Phan Châu Trinh - Nguyễn Thái Học, Nguyễn Du đến Bạch Đằng, Nguyễn Hoàng, khớp nối các khu dân cư Sở Xây dựng, Nam Tam Thanh, Thuận Trà …
Đồng thời phê duyệt 130 phương án bồi thường với số tiền 150 tỷ đồng. Thành phố cũng đạt được một số kết quả khả quan trong việc đẩy nhanh tiến độ triển khai 80 dự án khớp nối hạng tầng đô thị trên địa bàn. Qua đó làm cho bức tranh đô thị hiện đại dần hiện ra, đẹp lên.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế nên Tam Kỳ tiếp tục xác định công tác bồi thường, GPMB, đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dứt điểm nhiều dự án dở dang như đường bao Nguyễn Hoàng, đường N10 đoạn Hùng Vương - Nguyễn Đình Chiểu, bến xe mới (An Sơn), Khu công nghiệp Thuận Yên… là nhiệm vụ đột phá trong năm 2024.
Theo ông Trần Thanh Dương - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố, có nhiều nguyên nhân làm cho tiến độ một số dự án chậm như quy trình, thủ tục bồi thường, GPMB vướng mắc, thủ tục đầu tư kéo dài (quy hoạch, cấp nước, điện, phòng cháy chữa cháy).
Dự án đường N24 có 108 hộ ảnh hưởng, trong đó có đến 93 hộ giải tỏa trắng với khối lượng bồi thường lên tới 304 tỷ đồng, nên trong năm 2024 thành phố tập trung thực hiện nhiệm vụ này. Những dự án quy mô nhỏ hơn như đường Hồ Xuân Hương có 30 hộ ảnh hưởng (9 hộ giải tỏa trắng) dự kiến khởi công năm 2024.
Cạnh đó, năm 2024 sẽ là năm sôi động với nhiều dự án kết cấu hạ tầng hoàn thiện đô thị theo tiêu chí loại 1, thu hút đầu tư trên các lĩnh vực. Một vài dự án đáng chú ý như kè chống sạt lở kết hợp cảnh quan ven sông Tam Kỳ và khu tái định cư (mức đầu tư 499 tỷ đồng), tuyến cống ngầm thoát nước đường Trưng Nữ Vương (mức đầu tư 129 tỷ đồng)…
Nguồn lực
Thực hiện nhiệm vụ đột phá bồi thường, GPMB, đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị cần rất nhiều tiền, trong khi nguồn lực của Tam Kỳ còn hạn chế. Vì vậy, để đảm bảo nguồn vốn chi cho đầu tư phát triển, theo Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ - Bùi Ngọc Ảnh, địa phương vừa tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh và Trung ương, vừa tập trung thực hiện có kết quả công tác GPMB, tái định cư, tạo mặt bằng sạch đáp ứng tiến độ dự án, xúc tiến thu hút đầu tư các dự án lớn, tạo động lực phát triển để tạo nguồn thu từ đất.
Đối với Tam Kỳ, nguồn thu từ đất luôn chiếm tỷ trọng lớn, kế hoạch năm 2024 sẽ thu về 400 tỷ đồng tiền sử dụng đất (trong tổng số hơn 709 tỷ đồng thu phát sinh kinh tế của thành phố).
Ngoài ra, nguồn thu tiền sử dụng đất chuyển nguồn 160 tỷ đồng và nguồn thu tiền sử dụng đất do tỉnh quản lý thu điều tiết 45 tỷ đồng. Với tổng cộng 605 tỷ đồng từ các nguồn thu tiền sử dụng đất, cùng với 18 tỷ đồng nguồn ngân sách tập trung và hơn 8 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ của tỉnh, Trung ương, Tam Kỳ có hơn 631 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2024.
Do nhiều nguyên nhân, nguồn thu tiền sử dụng đất những năm gần đây không đạt kế hoạch nhưng lãnh đạo TP.Tam Kỳ vẫn tự tin trong năm 2024 hoàn thành số thu để không ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án.
Để đảm bảo nguồn thu, thành phố đẩy nhanh tiến độ các dự án khu dân cư để tạo ra nguồn thu tiền sử dụng đất khi bố trí đất tái định cư cho hộ dân thuộc các dự án GPMB. Đồng thời sớm đưa ra đấu giá các lô đất đủ điều kiện hạ tầng, dự kiến có 600 lô. Với nguồn vốn này, địa phương ưu tiên phân bổ cho các dự án tạo động lực phát triển kinh tế, dự án tạo ra nguồn lực đầu tư từ quỹ đất, ưu tiên bố trí kinh phí công tác GPMB các dự án trọng điểm.