(VHQN) - Nhà cổ Bình Thủy (Cần Thơ) là một trong số ít ngôi nhà cổ ở Nam Bộ sở hữu nhiều giai thoại ly kỳ. Đặc biệt, dấu ấn chạm trổ trong kiến trúc ngôi nhà được cho là do phường thợ xứ Quảng đảm nhận.
Cần Thơ có hơn 70 ngôi nhà cổ, nhưng chỉ riêng khu Bình Thủy nằm ở phía Tây Nam vàm sông Cần Thơ, đã chiếm tới phân nửa. Nổi tiếng nhất trong số đó là nhà cổ Bình Thủy.
Trăm năm nhà cổ
Nhà cổ Bình Thủy tức nhà thờ họ Dương - phủ thờ họ Dương, hoặc vườn lan Bình Thủy (do hậu duệ đời thứ 5 là ông Dương Văn Ngôn sưu tầm nhiều giống lan quý, hay tổ chức chơi lan). Gọi kiểu nào cũng trúng với ngôi nhà cổ hiếm hoi còn được giữ gìn khá nguyên vẹn và nổi tiếng hạng nhất nhì miền Nam.
Đây còn là “phim trường” của rất nhiều bộ phim, tiêu biểu như Người tình (The lover - 1992) của đạo diễn gạo cội Jean Jacques Annaud (Pháp), Người đẹp Tây Đô của đạo diễn Lê Cung Bắc…
Căn nhà do ông Dương Văn Vị (thế hệ thứ 3 của dòng họ Dương ở đây) xây dựng lần đầu tiên vào năm 1870 bằng gỗ, lợp ngói. Sau thời gian sử dụng hơn 30 năm, ông đã cho xây dựng lại. Năm 1904, sau khi ông mất, con trai út là Dương Chấn Kỷ tiếp tục công việc này, đến khoảng năm 1911 mới xây xong.
Khi ông Dương Chấn Kỷ tìm kiếm thợ giỏi xây nhà thì nghe tiếng ông thầy Ba Nghĩa là thợ trứ danh, cất nhà rất đẹp. Người ta nói ông gốc ngoài Trung, đâu miệt Quảng Nam lưu lạc vô đây hành nghề.
Ngôi nhà 5 gian có bề ngang 20m, diện tích 352m2 trong khuôn viên ngót 8.000 mét vuông, là công trình kiến trúc độc đáo. Toàn bộ hệ thống kèo, bao lơn cùng 16 cây cột lớn cao từ 4-6 mét được nối kết bằng mộng ngàm tinh tế, không dùng đến một chiếc đinh hay chốt sắt nào.
Không chỉ có ông thầy Ba Nghĩa, ông Dương Chấn Kỷ còn thuê thợ mộc miền Trung chạm lộng bàn ghế nhà cửa cho mình. Các bộ tràng kỷ đã hơn trăm năm, nay vẫn nổi rõ các chi tiết chạm khắc xà cừ óng ánh ngũ sắc. Các bao lam được khắc tỉ mỉ, sống động với nhiều họa tiết hình học, động thực vật quen thuộc trong đời sống, đến giờ vẫn khiến giới kiến trúc trầm trồ.
Dấu ấn của người thợ Quảng Nam?
Ngôi nhà cổ này từng là thước đo nghệ thuật kiến trúc, nội thất một thời. Trải qua hơn trăm năm, bao dâu bể, ký ức về tiền nhân giờ đã thành những đường nét, hoa văn trên cánh cửa, bao lam, mái ngói, rường cột, khung cửa…
Cuối năm, tôi trở lại thăm ngôi nhà cổ. Tôi muốn xác nhận rằng có phải những người thợ Quảng Nam đã xây dựng ngôi nhà? Mấy người đang phụ coi ngó ngôi nhà, khẳng định điều này là đúng, vì họ từng nghe những cụ cao niên từng qua lại với chủ căn nhà này nói vậy.
Tôi chợt nhớ đến các cuốn sách “Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ”, “Tản mạn kiến trúc miền Nam”. Trong ấy, có viết rằng, ở giai đoạn khai phá, dân cư khu vực phần nhiều là nông dân, chưa có sự chuyên môn hóa nghề nghiệp, chưa xuất hiện các làng nghề thủ công. Vì thế, chủ nhà thường phải rước thợ từ miền Trung vào, đặc biệt là thợ ở Huế, Quảng Nam, tài trợ chi phí đi lại ăn ở trong nhiều năm trời để thực hiện công trình tỉ mỉ, công phu.
Hoạt động xây dựng này đã đóng góp vào quá trình giao lưu giữa miền Trung với vùng đất mới phương Nam. Những chuyến di chuyển mang theo ảnh hưởng qua lại liên tục về văn hóa, kinh tế và kỹ thuật giữa các vùng đất. Tại những nơi mà các đoàn thợ miền Trung trú ngụ hành nghề, họ đã truyền dạy kỹ thuật cho thế hệ mới, góp phần hình thành nên các làng nghề gỗ tại các địa phương miền Nam về sau.
Giữa những giai thoại hư hư thực thực của ngôi nhà, đây là “giả thuyết” mà tôi muốn tin nhất!