Giảm nghèo từ việc nhân rộng những mô hình hiệu quả là cách làm mà xã Tiên An (Tiên Phước) đang thực hiện thành công.
Từ năm 2015 đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của xã Tiên An giảm từ 18,61% xuống còn 6,22%. Một trong những cách làm hiệu quả mà Tiên An đang triển khai là nhân rộng các mô hình giảm nghèo được thực hiện thành công trên địa bàn xã; trong đó chú trọng nhóm hộ đồng bào Co ở thôn 3 và thôn 5.
Như hộ chị Huỳnh Thị Lệ Phương (thôn 5) được Ủy ban MTTQ Việt Nam xã chọn hỗ trợ 30 triệu đồng từ nguồn vận động. Chị Phương được xã Tiên An vào cuộc giúp đỡ, hỗ trợ thêm một con bò sinh sản; chị chăm chỉ học hỏi kinh nghiệm ở các buổi tập huấn cách chăn nuôi bò, trồng tiêu đúng kỹ thuật mà xã Tiên An phối hợp tổ chức. Hiện những dây tiêu đã cho thu hoạch, bò sinh sản được 4 lứa, khu vườn được chăm sóc cẩn thận, sạch đẹp. Nhờ vậy mà hộ chị Phương thoát khỏi diện nghèo, vươn lên làm ăn, nuôi con cái ăn học chu đáo.
Ông Phan Hồng Phát - Chủ tịch UBND xã Tiên An cho biết: “Hàng năm, Đảng ủy, UBND xã phân công cán bộ phụ trách từng hộ là người dân tộc Co, đồng hành hỗ trợ để giúp họ thoát nghèo bền vững. Đầu tiên là hướng dẫn họ cách làm ăn phù hợp với điều kiện đất đai, lao động, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước. Các mô hình hiệu quả được thực hiện thành công như trồng rau sạch, hỗ trợ cây con giống... Một mô hình thực hiện thành công lấy đó làm gương, nhân rộng cho bà con học theo. Với người Co, việc tác động giảm nghèo là cầm tay chỉ việc từ mô hình thực tế mới mang lại hiệu quả cao. Cán bộ được phân công phụ trách phải đến thăm hỏi hàng tháng, động viên bà con làm ăn, phát triển kinh tế. Nhờ vậy, đời sống của họ từng bước được cải thiện, đến nay không còn nhà tạm, vệ sinh môi trường đảm bảo, con em người Co được đến trường học tập đầy đủ”.