Thể thao

Nhìn lại vòng 1/8 Euro 2024: Bất ngờ mà không mấy bất ngờ

VU GIA 03/07/2024 14:07

(QNO) - Sau trận Áo - Thổ Nhĩ Kỳ sáng nay (3/7), đã chọn xong 8 đội vào vòng tứ kết Euro 2024 với những bất ngờ mà không mấy bất ngờ.

telemmglpict000384203043-17199378297100-trans-nvbqzqnjv4bqpvlberwd9egfpztclimqf0rf-wk3v23h2268p-xkpxc-3885.jpg.jpg
Đội tuyển Hà Lan (áo xanh đen) giành chiến thắng 3-0 trước Romania để vào vòng tứ kết. Ảnh: AFP

Bóng đá vốn dĩ là vậy mới hấp dẫn người xem. Trước tiếng còi khai cuộc, giới chuyên môn cũng như người hâm mộ có cái nhìn chung là những đội bóng được xem là “nhóm yếu” như Slovakia, Slovenia, Georgia, Romania, Áo và Thổ Nhĩ Kỳ đều có chuyên môn khá tốt. Điều quan trọng là họ luôn ra sân với tinh thần chiến đấu mạnh mẽ. Đây thực sự là điều các đội bóng lớn nên lo ngại, bởi các bất ngờ thường xuất phát từ yếu tố tinh thần.

Tuyển Anh gây thất vọng nhất

Mở đầu vòng 1/8, không ai nghĩ Thụy Sĩ lại biến đương kim vô địch Ý trở thành cựu vương với 2 bàn không gỡ. Xét từ nhiều mặt, đội tuyển Ý được đánh giá cao hơn. Đầu tiên, họ là đương kim vô địch, sở hữu đội hình chất lượng. Theo Transfermarkt định giá, đội hình của tuyển Ý có giá trị 705,5 triệu euro, “ăn đứt” con số khiêm tốn 281,5 triệu euro của Thụy Sĩ. Nhưng suốt trận đấu, chỉ có thủ thành Donnarumma (Ý) nổi bật, bởi không có anh, tỷ số không dừng lại con số 2.

Tuyển Đức cũng làm cho người hâm mộ lo lắng. Nếu trời không giúp ngắt mạch hưng phấn của “những chú lính chì dũng cảm” Đan Mạch bằng trận mưa đá và sấm sét kéo dài làm gián đoạn 25 phút, thì chưa biết mèo nào cắn miêu nào.

Nhưng tuyển Anh gây thất vọng nhất. Slovakia lúc này vẫn còn nhiều trụ cột mấp mé tuổi 40, như thủ thành Dubravka, các tiền vệ Kucka, Schranz, hậu vệ Pekarik… Nhưng vào cuộc, các cầu thủ Slovakia nhiều lần làm khung thành tuyển Anh chao đảo. Chỉ mới 6 phút, tuyển Anh phải nhận 2 thẻ vàng, đến phút 16 lại thêm 1 thẻ vàng nữa, cho thấy tuyển Anh lúng túng trước sức ép của Slovakia.

Và chuyện gì đến phải đến. Phút 25, Strelec chọc khe cho Ivan Schranz băng xuống, đánh bại Pickford ở thế đối mặt, mở tỷ số cho Slovakia. Nhưng tuổi tác đè nặng trên vai, các cầu thủ Slovakia không thể xông xáo như hiệp 1. Họ cố giữ mành lưới, nhưng đến phút bù giờ cuối cùng bị tuyển Anh gỡ hòa.

Hai đội tiến vào đấu 2 hiệp phụ. Hàng thủ của Slovakia không còn nhanh nhẹn, để Harry Kane thoải mái đánh đầu, giúp tuyển Anh ngược dòng dẫn trước 2-1.

Qua trận knock-out này, người xem có cảm giác tuyển Anh tập hợp những ngôi sao, chứ chưa thành đội bóng. Họ chơi rời rạc, những đường chuyền không chính xác, giống như chưa từng tập luyện cùng nhau. Sau khi lội ngược dòng, tuyển Anh rút tiền đạo, tăng cường phòng ngự, nhường thế trận cho đối phương và may mắn tỷ số ngược dòng giữ đến khi tiếng còi trọng tài kết thúc trận đấu.

Tuy rời cuộc chơi, nhưng tuyển Slovakia xứng đáng được khen ngợi. Và thật lòng mà nói, tuyển Anh không xứng đáng vào vòng tứ kết.

Xuất hiện những trận “chung kết sớm”

Qua vòng bảng, tuyển Tây Ban Nha có 3 trận toàn thắng và là đội tuyển duy nhất không để lọt lưới bàn nào. Bước vào trận knock-out, tuyển Tây Ban Nha vẫn hừng hực khí thế tiến công. Gặp Georgia, ai ai cũng khẳng định Tây Ban Nha cầm chắc chiếc vé vào vòng tứ kết. Và đúng thế thật, họ dồn dập tấn công ngay từ đầu.

Thế nhưng trong phút chủ quan, Georgia có bóng, mở đợt tấn công đầu tiên liền có bàn mở tỷ số ở phút 18, làm ai cũng ngỡ ngàng. Tuyển Tây Ban Nha không run chân, tiếp tục tấn công và tấn công, ép Georgia vào thế chống đỡ. Suốt 90 phút, tuyển Tây Ban Ban hoàn toàn làm chủ thế trận, dập tắt “hiện tượng” Georgia với tỷ số 4-1, gặp Đức ở vòng tứ kết.

Theo bảng xếp hạng của FIFA, Pháp hiện xếp hạng 2 thế giới, còn Bỉ hạng 3, sau Argentina - đương kim vô địch World Cup. Ấy mà Pháp có hành trình vòng bảng khá tệ, khiến người hâm mộ chẳng mấy hài lòng, chỉ có 2 bàn thắng, với 1 từ pha phản lưới, 1 trên chấm phạt đền, chưa ghi được bàn thắng nào từ bóng sống. Nhưng gặp Bỉ vòng 1/8, nhiều người đặt niềm tin vào đội Pháp.

Qua vòng bảng, người hâm mộ nhận ra tuyển Bỉ đang trên đà đi xuống, bởi thế hệ trẻ chưa thể thay thế được lớp đàn anh. Kevin Bruyne vẫn hay, nhưng các vệ tinh xung quanh anh lại yếu. Tiền đạo Romelu Lukaku thì vô duyên trong ghi bàn.

Vào trận, Pháp có phần nhỉnh hơn, nhưng mãi tới phút 85, Pháp mới có bàn khai thông bế tắc. Từ đường chuyền vào cấm địa của Kante, Kolo Muani xoay người đột ngột trong vòng cấm, tung cú sút trúng chân trung vệ Jan Vertonghen đi vào lưới tuyển Bỉ. Pháp lọt vào vòng tứ kết. Nhìn lại, sau 4 trận đấu tại giải, Pháp chỉ mới ghi 3 bàn gồm 1 bàn từ pha đá phạt đền và 2 từ các pha đá phản của đối phương.

Slovenia bất bại ở vòng bảng. Họ chơi phòng ngự rất chặt chẽ, chờ thời cơ làm khó dễ đối phương. Trụ cột tuyển Bồ Đào Nha chưa có người thay thế. Hậu vệ Pepe 41 tuổi, tiền đạo C. Ronaldo 39 tuổi vẫn phải cầm chịch trận đấu.

Trước khi vào trận, tuyển Bồ Đào Nha được đánh giá đẳng cấp hơn Slovenia, thế nhưng sau 120 phút bất phân thắng bại (0-0), hai đội bước vào loạt đá luân lưu. Thủ môn Diogo Costa (Bồ Đào Nha) cản phá thành công 3 cú sút của Josip Ilicic, Jure Balkovec và Benjamin Verbic, đưa tuyển Bồ Đào Nha vào tứ kết gặp Pháp.

Áo được xem là đội yếu, nhưng trong vòng bảng, họ chỉ thua Pháp (0-1), thắng liên tiếp 2 trận sau trước Ba Lan (3-1) và Hà Lan (3-2), giành ngôi đầu bảng D, đã làm cho người hâm mộ có suy nghĩ lại, nhất là lối đá tấn công, chủ động gây sức ép, ghi mỗi trận 3 bàn thật không phải dễ. Thổ Nhĩ Kỳ cũng cứng cựa không kém, thắng Georgia (3-1), thắng CH Czech (2-1). Áo và Thổ Nhĩ Kỳ góp phần làm nên điều thú vị của giải đấu năm nay.

Giây thứ 30, tuyển Thổ Nhĩ Kỳ được hưởng quả phạt góc bên cánh phải. Hàng hậu vệ thiếu tập trung phá bóng lúng túng, thủ thành Pentz (Áo) chỉ kịp đẩy bóng trước vạch vôi, Demiral kịp có mặt để sút tung lưới, ghi bàn cho Thổ Nhĩ Kỳ. Thật quá bất ngờ! Nhưng bất ngờ tiếp tục, phút 59 cũng từ quả phạt góc, trung vệ Demiral nhảy cao đánh đầu ghi bàn thứ 2 cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Đội Áo vẫn kiên trì tổ chức tấn công. Phút 66, Gregoritsch đệm bóng cự ly gần từ quả đánh đầu của đồng đội Posch, rút ngắn tỷ số xuống 1-2 cho Áo. Và nỗ lực của Áo cũng chỉ đến thế. Kết quả này cũng là một bất ngờ, trái với dự đoán của mọi người.

Một trong những ứng viên vô địch Hà Lan vào vòng 1/8 qua “khe cửa hẹp”, nhưng người Hà Lan lại mừng vì tránh được các đội mạnh: Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp.

Theo Transfermarkt, dàn cầu thủ Hà Lan dự Euro 2024 có tổng giá trị là 815 triệu euro; còn tổng giá trị của đội Romania chót bảng với 92 triệu euro, vì không có chân sút nào đáng giá. Giới chuyên môn và người hâm mộ không mấy tin Romania làm nên chuyện trước Hà Lan, dù họ bước vào vòng 1/8 với tư cách đội đầu bảng E.

Vào trận, tuyển Romania tổ chức tấn công dồn dập, nhưng hàng thủ của Hà Lan chơi chắc chắn. Phút 20, vừa mới có cơ hội, Cody Gakpo từ cánh trái ngoặt bóng vào trong, tung cú sút mở tỷ số cho Hà Lan.

Và đẳng cấp ngày càng khẳng định, tuyển Hà Lan liên tục ép sân, tạo nhiều cơ hội làm chao đảo khung thành tuyển Romania. Phút 83, Donyell Malen ghi bàn nâng tỷ số lên 2-0; tiếp đến phút bù giờ 90+3, chính anh đánh bại thủ thành Nita, ghi bàn thứ 3, đưa Hà Lan vào vòng tứ kết. Hà Lan gặp đội “chiếu dưới” Thổ Nhĩ Kỳ ở tứ kết nên có nhiều hy vọng vào sâu hơn so với một số đội mạnh khác.

Những “cột mốc đáng nhớ” vòng 1/8 Euro 2024:

- Hai trọng tài đầu tiên bị tước còi, rời Euro 2024: Chuẩn bị cho vòng 1/8, UEFA xem lại băng ghi hình các trận ở vòng bảng, đã quyết định tước còi trọng tài người Argentina Facundo Tello (trận Hungary - Scotland) và trọng tài người Tây Ban Nha Jesus Gil Manzano (trận Pháp - Áo), vì cho rằng họ đã không hoàn thành nhiệm vụ với những tình huống trên sân. Các trợ lý trọng tài và tổ trọng tài VAR trong 2 trận này cũng chung số phận, xách vali về nước.

- “Ninja” suýt làm trận cầu giữa Đức và Đan Mạch bị hoãn: Trước giờ bóng lăn, người ta phát hiện trên nóc sân Signal Iduna Park (Dortmund), có người ăn mặc như “ninja”, liền báo cho Ban tổ chức. Ngay tức lự, trực thăng và đội đặc nhiệm đến hiện trường. Trọng tài Michael Oliver đã gọi đội trưởng của hai đội là Ilkay Gundogan (Đức) và Kasper Schmeichel (Đan Mạch) để thông báo tình hình. Sự việc được giải quyết nhanh chóng, nên trận đấu không phải bị hoãn. Lực lượng chức năng chưa cung cấp bất kỳ thông tin nào về danh tính hay động cơ của “ninja” này.

- Trận cầu đầu tiên phải ngừng 25 phút, vì… thời tiết: Chưa hết hiệp 1, trận cầu giữa tuyển Đức và Đan Mạch (sáng 30/6) phải dừng 25 phút vì mưa đá và sấm chớp.

- Trận cầu có nhiều thẻ vàng nhất trong hiệp 1: Trọng tài phải rút 5 thẻ vàng (Anh: 3, Slovakia: 2) trong 45 phút đầu trận đấu.

- Bàn thắng đầu tiên ở vòng 1/8: Phút 37, cầu thủ Freuler xâm nhập vòng cấm, dứt điểm tung lưới thủ thành Donnarumma (Ý), mở tỷ số 1-0 cho Thụy Sĩ.

- Bàn đốt lưới nhà đầu tiên: Tuyển Tây Ban Nha tấn công ồ ạt, nhưng đến phút 18, Georgia có đợt tấn công đầu tiên, Kakabadze thoát xuống cánh phải, căng ngang khó chịu. Trung vệ Le Normand lóng ngóng để bóng chạm ngực bay vào lưới, trở thành cầu thủ đầu tiên đốt lưới nhà, mở tỷ số cho Georgia.

- Bàn thắng đẹp nhất: Phút 90+5, nhận quả đánh đầu ngược của đồng đội, Jude Bellingham tỏa sáng bằng cú ngã người vô lê đẹp mắt gỡ hòa 1-1 cho tuyển Anh.

- Trận đầu tiên đá hiệp phụ: Tưởng chừng phải cúi đầu về nước, nhưng may mắn ở phút bù giờ, tuyển Anh kéo Slovakia vào đấu 2 hiệp phụ. Đây là trận đầu tiên ở vòng 1/8, hai đội giải quyết thắng thua ở hiệp phụ.

- Bàn thắng nhanh nhất ở hiệp phụ: Bước vào hiệp phụ chưa đầy 1 phút, từ cú sút đập đất vô hại của Eze, Ivan Toney bật cao đánh đầu, tiền đạo Harry Kane đánh đầu nối ghi bàn cho tuyển Anh.

- “Ông lớn” đầu tiên xách vali về nước: Xét về nhiều mặt, đương kim vô địch Ý hơn hẳn tuyển Thụy Sĩ. Thế mà, đội “chiếu dưới” Thụy Sĩ tiễn “ông lớn” Ý về nước với tỷ số khó tưởng: 2-0. Thụy Sĩ là đội đầu tiên vào vòng tứ kết.

- Bàn thắng đầu tiên bị VAR từ chối: Phút thứ 4, bóng đã nằm gọn trong lưới của thủ thành Kasper Schmeichel (Đan Mạch) sau pha đánh đầu cận thành của trung vệ Nico Schlotterbeck (Đức). Nhưng VAR từ chối, xác định Joshua Kimmich đã phạm lỗi với một hậu vệ Đan Mạch trước đó.

- Quả phạt đền đầu tiên vòng 1/8: Phút 52, Joachim Andersen để bóng chạm tay trong vòng cấm sau quả tạt của David Raum (Đức). Trên chấm 11m, Kai Havertz (Đức) mở tỷ số trận đấu.

- Trận đầu tiên vào loạt đá luân lưu: Cầu thủ hay nhất trận Bồ Đào Nha - Slovenia, có thể là thủ thành Jan Oblak (Slovenia). Chính anh phá giải hàng loạt pha hãm thành của Bồ Đào Nha, trong đó có quả phạt từ chấm 11m, đưa trận đấu trên sân Frankfurt Arena vào loạt đá luân lưu sau 120 phút bất phân thắng bại.

- Thủ môn đầu tiên cản phá 3 cú sút từ chấm 11m: Thủ môn tuyển Bồ Đào Nha Diogo Costa cản phá thành công 3 cú sút của Josip Ilicic, Jure Balkovec và Benjamin Verbic ở loạt đá luân lưu 11m (sáng 2/7).

- Cầu thủ đầu tiên bị điều tra về vi phạm đạo đức trên sân: Phút 90+5, Jude Bellingham cứu tuyển Anh bằng bàn thắng tuyệt đẹp, đưa 2 đội Anh - Slovakia vào đá thêm 2 hiệp phụ. Sau bàn thắng, tiền đạo 21 tuổi này có cử chỉ ăn mừng không đúng mực. UEFA đã giao Ban Đạo đức và kỷ luật điều tra về “khả năng vi phạm các quy tắc đạo đức cơ bản” thông qua hành vi được cho là tục tĩu của ngôi sao người Anh. Nếu xác định Jude Bellingham có tội, thì anh sẽ không có mặt ở vòng tứ kết giữa tuyển Anh và Thụy Sĩ.

- Cầu thủ đầu tiên ghi 2 bàn/trận: Cầu thủ Donyell Malen (Hà Lan), ghi liền 2 bàn vào lưới Romania ở phút 83 và phút 90+3, góp phần đưa Hà Lan vào tứ kết. Cũng ở trận cuối cùng của vòng 1/8, phút thứ 2 và phút thứ 59, trung vệ Demiral ghi 2 bàn cho Thổ Nhĩ Kỳ.

- Lần đầu tiên, cả 2 HLV bất bình với VAR: Sau trận Đức - Đan Mạch (2-0), HLV Kasper Hjulmand (Đan Mạch) và HLV Julian Nagelsmann (Đức) dù ủng hộ VAR, nhưng không bằng lòng với những tình huống VAR đã xác định, bởi nó… quá chính xác như toán học, ảnh hưởng không ít đến sự hấp dẫn của bóng đá.

Theo UEFA, công nghệ bóng kết nối được đặt bên trong quả bóng và "nhịp tim" của quả bóng được hiển thị trên truyền hình khi VAR làm việc, phân biệt chính xác điểm tiếp xúc đến 5% giây. Do đó, tình huống việt vị 1cm của Thomas Delaney (Đức) và tình huống hậu vệ Andersen (Đan Mạch) chơi bóng bằng tay trong vòng cấm, cũng như một số trường hợp khác là chính xác.

- Bàn thắng nhanh nhất: Giây thứ 30, tuyển Thổ Nhĩ Kỳ được hưởng quả phạt góc, và trung vệ Demiral kịp thời sút tung lưới tuyển Áo. Đây là bàn thắng nhanh nhất ở vòng knock-out trong các kỳ Euro.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhìn lại vòng 1/8 Euro 2024: Bất ngờ mà không mấy bất ngờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO