Đời sống

Nhịp cầu bắc những nhịp đời

TRUNG VIỆT 25/01/2025 07:30

(Xuân Ất Tỵ) - Hai cây cầu Cửa Đại và Giao Thủy là kỳ tích của Quảng Nam sau 50 năm dựng xây. Hai công trình này hiện thân ý chí quyết không để tụt hậu từ các cấp chính quyền đến người dân, doanh nghiệp.

8.jpg
Cầu Cửa Đại. Ảnh: PHAN VŨ TRỌNG

1. Một bữa ở Sài Gòn, khi xong việc, thì một cục phó tại Bộ KH-CN hỏi tôi: “Lúc nãy anh nói quê Duy Xuyên à? Em có cô ruột ở Kiểm Lâm”. Tôi ồ lên. Anh kể là chồng cô nguyên là lãnh đạo của Xí nghiệp sành sứ La Tháp, tập kết ra Bắc, nên duyên với cô ruột anh.

Sau 1975, ông đưa vợ về quê. Mỗi lần từ Hà Nội vào Quảng Nam - Đà Nẵng, anh đều tranh thủ lên Duy Hòa. “Có bữa lái xe chạy từ Đà Nẵng lên chứ không qua cầu Câu Lâu, em ngạc nhiên thì bác tài nói đi đường này gần hơn, qua cầu Giao Thủy là tới ngay nhà cô. Thú vị ghê!”.

Sự thích thú của anh, là đáp số không hề sai ở bất cứ ai, nếu từ Đà Nẵng đi vùng tây Duy Xuyên, Nông Sơn và Đại Lộc. Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên Phan Xuân Cảnh nói gọn: “Có được cây cầu Giao Thủy, vùng tây Duy Xuyên thở phào. Nó kéo thương mại dịch vụ đi kèm. Bây giờ khách đi Mỹ Sơn cũng tiện, bởi gần hơn”.

Mà đâu phải Duy Xuyên phá được thế cách sông trở đò vùng tây. Người ở Nông Sơn đi Đà Nẵng đỡ được 30km khỏi phải xuống Quế Sơn mới chạm quốc lộ 1. Tiểu thương, các đại lý kinh doanh ở Trung Phước, mối hàng lớn của họ ở hết Đà Nẵng, cầu Giao Thủy như thần hộ mệnh túi tiền, công sức.

Dưới kia là cầu Cửa Đại, cây cầu ngàn đời mơ ước của vùng đông Duy Xuyên, Thăng Bình. Ông Phan Xuân Cảnh đưa cho tôi con số của khu du lịch Nam Hội An năm 2023, là đón 161 nghìn lượt khách, doanh thu gần 3.900 tỷ đồng.

Nếu không có cầu Cửa Đại, thì không có cái khu đó, mà sẽ khó tìm nhà đầu tư lớn nào mặn mà với vùng đông cát cháy. Duy Xuyên rồi Thăng Bình, nối tới Tam Kỳ, Núi Thành theo đường Võ Chí Công như xương sống của vùng động lực phía đông.

Phía Hội An, nói như Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An Nguyễn Thế Hùng, là chợ cá Duy Hải đang là tour “hot”. Khách từ Hội An qua đó, thích thì đi luôn Phật Viện Đồng Dương. Có cầu, khách đổ về, nơi hưởng lợi về dịch vụ đầu tiên là Hội An rồi lan tỏa. Khi không còn cách trở đò giang nữa, họ sẽ kéo dài thời gian lưu trú, xóa mặc định không biết ăn gì chơi gì...

2. Hai cây cầu Cửa Đại và Giao Thủy là kỳ tích của Quảng Nam sau 50 năm. Nỗ lực bằng mọi giá làm cho được, với khát vọng đổi thay những vùng gian khó để cải thiện sinh hoạt, đời sống người dân. Nhưng nếu dừng lại ở đây, thì… không đủ.

Khỏi phải dẫn dắt lại định hướng phát triển vùng tây Duy Xuyên, Nông Sơn, Đại Lộc là công nghiệp; vùng đông là thương mại, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; rồi kết nối liên vùng; tạo không gian phát triển… từ hai cây cầu trên. Ở đây có một chuyện khác, khi tôi hỏi thử 3 người.

Người thứ nhất ở Bình Giang (Thăng Bình): “Tôi thấy có cầu Cửa Đại thì đường sá ở quê tôi ngon theo. Ví dụ trước đây đi Hội An chơi thì phải đi đò dưới Duy Hải hoặc chạy qua phía Duy Thành lên quốc lộ, chừ chạy cái ào qua, hoặc Bình Dương chừ nhiều quán sá, đường như phố”.

Người thứ 2 ở Duy Hải (Duy Xuyên): “Không có cầu nớ, làm chi có đường đi tới Núi Thành, làm chi có khu Nam Hội An xây nhà, đường như đô thị, rồi đất lên giá, giải quyết được đủ thứ, dân dưới ni đổi đời. Còn làm ăn thì mọi người tự tính chớ”.

Người thứ 3 ở Hội An: “Mấy trăm năm sống trên cát, khổ còn hơn cái chi, làm sao đòi cây cầu mới tuổi lên 10 làm đổi đời ta? Theo tôi là đừng nóng vội. Phần lớn họ đang là nông dân, ngư dân, làm sao đòi thành cư dân đô thị và làm du lịch ngay được. Mọi thứ bên ngoài, chỉ là tác động mà thôi, bản thân họ phải thay đổi”.

Lời của những người vùng đông hay vùng tây, dù góc độ nào cũng rõ ràng, cụ thể và cần kíp, bởi đó là tâm trạng, cuộc sống người dân. Nhưng cái Quảng Nam làm được, chính là câu chuyện ở tương lai, nhất là vùng đông, nó mở một dải đất ven biển rộng lớn đi cùng tiềm năng phát triển chuỗi đô thị đặc thù.

3. Ngoài cái lợi hàng ngày đã thấy, vùng đất xứ Quảng cũng bị đặt trong thách thức của biến đổi khí hậu, đòi hỏi nhà quản lý phải tổ chức không gian đô thị tương lai thích ứng bền vững nhưng đảm bảo đời sống nhân dân.

Phải nhìn nhận vùng Đông rộng lớn, vùng Tây giàu tiềm năng chưa được khai phá, sẽ quyết định sự phát triển của Quảng Nam trong tương lai. Nếu chỉ dừng lại những điểm sáng, cú hích ban đầu từ 2 cây cầu này, thì mỏ vàng không hề kém không phải ở trên bờ, mà chính là sông Thu Bồn, dễ bị bỏ qua.

HĐND tỉnh đã thông qua nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng khu vực hai bên sông Thu Bồn (đoạn từ cầu Giao Thủy đến Cửa Đại) giai đoạn đến năm 2030 và năm 2045, để phát huy tiềm năng, lợi thế của sông Thu Bồn.

Từ cầu Cửa Đại đến cầu Giao Thủy, ngồn ngộn các di chỉ, di tích văn hóa, làng nghề. Hiếm có dòng sông nào trên thế giới vắt qua 2 di sản của nhân loại và trở thành một phần quan trọng của khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Nếu lấy 2 cầu đó làm điểm đi và đến, đặt nó trong câu chuyện làm ăn du lịch - văn hóa, trong mắt giới làm du lịch đường sông, là hái ra bộn tiền, giúp thay đổi cơ cấu lao động vốn bám quá nặng vào nông nghiệp.

Những câu cầy qua Thu Bồn, là món quà của lịch sử để lại cho lớp người mấy chục năm sau, thậm chí trăm năm sau. Cửa Đại, Giao Thủy là hiện thân ý chí Quảng Nam quyết không để tụt hậu, bởi càng chậm là càng muộn và đánh mất cơ hội phát triển. Ngó lại, mỗi giai đoạn lịch sử, người Quảng luôn tiên phong làm được một cái gì đó, chứ không phải tuồn tuột cho trôi.

Tuy nhiên, hiện thực luôn đặt ra những thách thức gay gắt, nhất là cho những người đứng đầu. Những ý kiến từ dân, bao giờ cũng đòi hỏi họ không ngừng nhìn xuống, chứ không phải nói dông dài viển vông mà không có cơ sở.

Tôi nhớ lại chuyện thời COVID-19, là người ở vùng đông Duy Xuyên, Thăng Bình không qua Hội An làm dịch vụ, thợ hồ… được, bèn thúc thủ ở nhà, xuống lại mảnh ruộng để kiếm ăn từ lúa, khoai. Rõ ràng lực hấp dẫn từ đồng tiền thương mại, dịch vụ, du lịch ở nơi khác đã bứng họ ra khỏi làng, khi giao thông dễ dàng.

Một câu hỏi: Khi nào họ tự làm giàu trên đất quê mình, an nhiên sống ở đó? Muốn tương lai không cần trắc nghiệm, chính là nỗ lực làm gì từ bây giờ!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhịp cầu bắc những nhịp đời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO