Từ xa xưa, mỗi khi có thiên tai, hoạn nạn người Việt đã thường lựa chọn một sự sẻ chia nghĩa tình “lá lành đùm lá rách”. Và nếu cùng trong ngộ cảnh đều “rách” cả thì mở lòng ra thêm nữa “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Hơn cả sự ứng xử thông thường, dường như đó là đạo lý, như lúc này đây cả nước hướng về miền Bắc chung tay giúp đỡ đồng bào…
Siêu bão số 3 - Yagi, như con dê hung tợn, húc vào vịnh Bắc Bộ, mang theo cơn cuồng nộ hô phong hoán vũ dữ dội. Chưa vội thở phào bão qua đã nghe ào ào mưa lũ, kéo cả vệt dài từ ven biển lên đến miền biên viễn xa xôi.
Tiếng kêu cứu khắp nơi, và đã có những mạng người biền biệt khi bị trôi sông, lấp bùn, lũ quét, sạt lở núi... Triệu triệu người chăm chú theo dõi các bản tin cuối ngày, số người bị tử nạn và mất tích lên hàng chục rồi hàng trăm, còn bị thương đến hàng nghìn.
Mức độ khủng khiếp cũng tăng cấp, mới đầu chỉ vài bức hình ngập lũ, sau đến cầu Phong Châu sập, rồi lở núi vùi chôn cả trăm người ở làng Nủ (Lào Cai)...
Thiệt hại về tính mạng khiến thương đau ngút trời, thắt ruột, nhưng sau bão lũ sẽ còn gian nan với phận đời côi cút và đói khát vì đã mất mát vô số tài sản, hoa màu, gia súc, gia cầm. Sẽ phải mất nhiều năm chưa thể phôi pha nỗi đau đi qua cơn bão lũ lịch sử!
Đời người ai sống qua hai cái sáu mươi, nhưng sử liệu thì còn đó với 3 trận thiên tai kinh hoàng mang tên Giáp Thìn (1904-1964-2024) chia cho ba miền Nam Trung Bắc. Không nói những tháng năm cơ ngặt còn quá nghèo, nay cuộc sống khá hơn, nhà cửa kiên cố hơn, song việc chống lại ông trời dường như là điều bất khả.
Mà cả những nước hiện đại, giàu có, phương tiện cảnh báo và cứu hộ siêu việt nhưng nào có triệt để tránh được thiệt hại trước sóng thần, bão lũ, động đất…
Người Việt vẫn đang sát cánh bên nhau. Lúc này cần hơn hết là cứu giúp người hoạn nạn, khôi phục hạ tầng, phục hồi sinh kế để vì sự sống mà bước tiếp đường đời.
Ngay sau ngày Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động cứu trợ, Chính phủ đã phân bổ 380 tỷ đồng cho các tỉnh thành khắc phục bước đầu hậu quả bão lũ.
Tiếp theo, hàng loạt tỉnh thành từ khu 4 vào khu 5 và miền Nam, lập tức trích kinh phí hàng tỷ đồng (Quảng Nam góp sức đợt 1 với 22 tỷ đồng) đồng thời cử các đoàn công tác ra Bắc thăm hỏi, động viên.
Nhiều tổ chức, cá nhân đã có những cách làm thiết thực, thể hiện sự sẻ chia với nghĩa tình người trong một nước thương nhau cùng. Báo chí khắp nước, khắp vùng đều vào cuộc làm cầu nối kêu gọi quyên góp cứu trợ.
Những bạn trẻ thanh niên tình nguyện lên đường ra trợ giúp đồng bào, như đưa xuồng hơi cứu hộ, vận động phương tiện chở đồ miễn phí đến vùng thiệt hại. Trên mạng còn lan truyền thông tin nhiều quán ăn, nhà hàng, khách sạn dành chỗ ăn ở miễn phí cho các đoàn đi cứu hộ, cứu trợ khi dừng chân nghỉ ngơi…
Sáng lên là những năng lượng tích cực lan tỏa vì tình đời, tình người. Như niềm vui của GS Lê Ngọc Thạch tặng sổ tiết kiệm cả tỷ đồng để giúp đồng bào miền Bắc, rồi hàng loạt nghệ sĩ tiếp tục úy lạo bằng những đồng tiền tích cóp từ lao động nghệ thuật.
Không có tiền nhiều thì góp công sức, như bà con ở nhiều khu dân cư ở Quảng Nam, Đà Nẵng và các nơi góp gạo nếp nấu bánh chưng, bánh tét, góp áo quần, nước lọc, để mau tiếp tế đồng bào đang đói lạnh.
Ngay tại vùng bão lũ hoành hành, nơi cao ráo có điều kiện thì tiếp vận bằng cách nấu cơm hộp, mua bánh mì đưa đi vào vùng bị cô lập.
Dù cũng bị bão dập tơi tả, nhưng nhờ có nguồn lực khá hơn nên các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng đã nhường một phần nguồn kinh phí hỗ trợ để giúp đỡ các tỉnh nghèo. “Lá rách ít đùm lá rách nhiều” cảm động biết bao nhiêu!
Và mong thế, tiếp tục có những chiếc lá đùm nhau, nương nhau qua hoạn nạn, ấm áp tình tương ái tương thân.