Xây dựng Đảng

Những đảng viên ở nơi đầu sóng

ĐOÀN ĐẠO - HỒ QUÂN 03/10/2024 09:08

(QNO) – Nhiều đảng viên – ngư dân gương mẫu, đi đầu trong mọi mặt trận, hiệu triệu được quần chúng, đoàn kết vươn khơi bám biển bảo vệ chủ quyền hải đảo, phát triển nghề cá có trách nhiệm và là chỗ dựa tinh thần của các ngư dân khác mỗi khi gặp khó khăn trong đời sống, cũng như lênh đênh giữa trùng khơi.

TIT CHINH BAI CUOI
TIT CHINH BAI CUOI

(QNO) – Nhiều đảng viên – ngư dân gương mẫu, đi đầu trong mọi mặt trận, hiệu triệu được quần chúng, đoàn kết vươn khơi bám biển bảo vệ chủ quyền hải đảo, phát triển nghề cá có trách nhiệm và là chỗ dựa tinh thần của các ngư dân khác mỗi khi gặp khó khăn trong đời sống, cũng như lênh đênh giữa trùng khơi.

TIT PHU_1_B2

Đảng viên trẻ Kiều Văn Hậu đang sinh hoạt tại Chi bộ thôn Vịnh Giang (xã Bình Nam, Thăng Bình) là người duy nhất trong số 4 đảng viên là ngư dân của xã Bình Nam hành nghề đánh bắt xa bờ. Anh chính là “cầu nối” trong phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với “bạn biển”, nhất là chấp hành quy định về chống khai thác hải sản trái phép (IUU); bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Vùng biển trở nên trù phú.
Vùng biển trở nên trù phú.

“Nhiệm vụ của đảng viên khi lao động trên biển là xây dựng tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất theo nội quy của nghiệp đoàn nghề cá. Tại các cuộc họp chi bộ, tôi đều tham gia phát biểu với những tâm huyết của đứa con miền biển” – anh Hậu nói.

Còn ở Chi bộ thôn Hà Bình (xã Bình Minh, Thăng Bình) tuy không có đảng viên tham gia đánh bắt trên biển nhưng lại có 8 đảng viên đang là “đầu tàu” trong lĩnh vực thu mua, chế biến hải sản.

Ông Nguyễn Quang Minh - Bí thư Chi bộ thôn thông tin: “Thôn Hà Bình có 51 đảng viên. Dù không có đảng viên trực tiếp đánh bắt trên biển; song gia đình, họ hàng, hàng xóm của các đảng viên đều làm nghề biển. Do đó việc nắm bắt tình hình thực tiễn, tuyên truyền vận động diễn ra thuận lợi. Thời gian qua, chi bộ đã triển khai hiệu quả chủ trương của Huyện ủy, Đảng ủy xã, ban hành các nghị quyết để định hướng ngư dân cải hoán tàu thuyền, đóng thuyền mới vươn khơi bám biển. Đồng thời nắm bắt cơ chế, chính sách của Nhà nước, nhất là vay vốn cho ngư dân để kịp thời triển khai đến các hộ có nhu cầu”.

Rời chiến trường Campuchia trở về sinh hoạt tại Chi bộ Sâm Linh (cũ) thuộc Đảng ủy xã Tam Quang (Núi Thành), ông Bùi Tuấn Hùng trở thành người đảng viên gương mẫu trong mọi phong trào. Ông Hùng cho biết, mảnh đất này phần lớn thanh niên lênh đênh trên sóng nước nên trước đây việc sinh hoạt chi bộ hay tập hợp quần chúng rất khó khăn. Tại chi bộ, mỗi đảng viên được phân công đứng điểm một tổ dân cư, phối hợp cùng chính quyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội theo kế hoạch.

“Thấy thế khó nên Chi bộ Sâm Linh xác định đảng viên là hạt nhân trong mọi phong trào và chọn các phần việc là nhu cầu bức thiết của nhân dân để ra nghị quyết thực hiện. Những đảng viên trong chi bộ làm ngay, đi đầu và vận động người thân cùng làm. Nhờ sự đều tay này mà rất tự hào khi Sâm Linh (cũ) và Sâm Linh Tây hiện nay là thôn mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội của xã Tam Quang” – ông Bùi Tuấn Hùng nói.

TIT PHU_2_B2

Hành nghề đánh bắt gần bờ hơn 20 năm nay, đảng viên Ngô Thanh Hà (42 tuổi, thôn Phương Tân, xã Bình Nam, Thăng Bình) cho biết, trên chiếc ghe nhỏ, hàng ngày từ 17 giờ chiều, ông vươn khơi đánh bắt ở khu vực Hòn Ông (Cù Lao Chàm) trở vào và cập bờ khoảng 5 giờ sáng hôm sau.

Với ông Hà, nghề đánh bắt gần bờ không ảnh hưởng nhiều đến thời gian sinh hoạt chi bộ. Có kinh nghiệm với nghề biển, nên tranh thủ tại các cuộc họp, ông Hà thường phát biểu những ý kiến sát sườn với công việc. Đơn cử, năm 2023, ông kiến nghị Chi bộ thôn Phương Tân về tính cấp thiết của việc tìm kiếm mặt bằng đưa thuyền thúng vào trú tránh an toàn trong mùa mưa bão. Ý kiến của ông Hà được chi bộ ghi nhận, kiến nghị Đảng ủy đồng ý cho chủ trương giải quyết. Cuối cùng, lãnh đạo xã đề xuất cơ quan có thẩm quyền tiến hành san ủi 5 vị trí mặt bằng neo đậu tàu thuyền an toàn dọc bờ biển.

“Trước đây, tàu thuyền, thúng, ngư cụ người dân chủ yếu tập kết dọc bờ biển, thường bị sóng biến cuốn trôi, làm hư hại vào mùa mưa bão. Việc sắm sửa ngư cụ để hoạt động sản xuất trở lại tốn kém nhiều chi phí. Từ cuối năm 2023, khi có vị trí tập kết, tài sản ngư dân an toàn hơn trong mưa bão, hạn chế thấp nhất thiệt hại gây ra” – ông Hà nhìn nhận.

Còn tại xã Bình Minh, hằng năm, trước mùa đánh bắt của ngư dân (tháng Giêng), Chi bộ thôn Bình Tịnh chỉ đạo Ban Quản vạn trên địa bàn duy trì lễ cầu ngư đầu năm. Đây là cách bảo tồn văn hóa truyền thống làng biển, vừa tạo khí thế, niềm tin về một năm đánh bắt “thuận buồm xuôi gió”. Điển hình là đảng viên Trần Văn Tám đã đi đầu trong bảo tồn nghệ thuật hát bã trạo – linh hồn của lễ cầu ngư miền biển.

Gìn giữ văn hóa làng biển.
Gìn giữ văn hóa làng biển.

Bằng niềm đam mê và am hiểu nghệ thuật hát bã trạo, ông Tám đảm nhận vai trò tổng tiền – là người chèo lái, dẫn dắt xuyên suốt buổi trình diễn. Lớp này nghỉ, ông Tám lại tất bật chọn lựa, đào tạo, hướng dẫn cho các vị trí tổng thương, tổng lái, con trạo lớp kế cận. Hiện, ông Tám là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hát bã trạo xã Bình Minh với phần lớn thành viên là ngư dân và học sinh.

[VIDEO] - Ngư dân Thăng Bình bảo tồn văn hóa miền biển:

PHAT BIEU CUA ONG TRAN VAN TAM
TIT PHU_3_B2

Trước mỗi chuyến vươn khơi, đảng viên Huỳnh Ngọc Tuấn (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) luôn nhắc nhở anh em ngư dân chuẩn bị đầy đủ ngư cụ, đồ dùng sản xuất, sinh hoạt cần thiết.

“Đảng viên phải gương mẫu thực nhiệm khai báo ra vào cảng, khai thác đúng ngư trường để các tàu cá khác cùng làm theo. Khi phát hiện tàu bạn có khả năng đi lạc ra khỏi lãnh hải Việt Nam, mình luôn tìm cách kết nối, kêu gọi họ quay lại để tránh vi phạm. Chúng tôi luôn nhắc nhau rằng mỗi ngư dân là một “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương thì phải có trách nhiệm thượng tôn pháp luật trong nước và quốc tế” – ông Tuấn nói.

PHAT BIEU CUA ONG VO HONG QUOC

Giữa trùng khơi sóng gió hiểm nguy, các ngư dân quan niệm “đoàn kết là sống, chia rẽ là chết” nên họ luôn nêu cao tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau. Các tổ đoàn kết đánh bắt hải sản liên tục ra đời cũng nhằm liên kết các “tập đoàn” tàu cá hỗ trợ nhau vươn khơi bám biển. Riêng tại huyện Núi Thành đến nay đã xây dựng được 41 tổ đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển với 103 tàu cá tham gia.

Làm giàu từ biển.
Làm giàu từ biển.

Bà Trần Thị Bích Ngọc - Bí thư Chi bộ thôn Bình Tịnh (xã Bình Minh) cho biết, thời gian qua, chi bộ ban hành một số nghị quyết về đẩy mạnh vận động ngư dân vươn khơi bám biển. Đồng thời tiếp tục duy trì các tổ đoàn kết đánh bắt trên biển để thông tin, giúp đỡ lẫn nhau phát triển nghề cá bền vững.

“Đến nay, câu mực khơi đang trở thành nghề chủ lực của thôn, sản lượng trung bình mỗi năm đạt từ 1.000 – 2.000 tấn, mang lại thu nhập cao, giải quyết việc làm cho ngư dân trên địa bàn” – bà Ngọc khẳng định.

Lực lượng bộ đội biên phòng luôn sát cánh cùng hệ thống chính trị địa phương vùng biên giới biển đảo.
Lực lượng bộ đội biên phòng luôn sát cánh cùng hệ thống chính trị địa phương vùng biên giới biển đảo.

Một trong những nghị quyết của Chi bộ thôn Hà Bình (xã Bình Minh) thật sự phát huy hiệu quả là đồng hành cùng ngư dân gặp nạn. Theo ông Nguyễn Quang Minh – Bí thư Chi bộ thôn, khi có trường hợp ngư dân trên địa bàn gặp nạn trên biển, chi bộ đều đến thăm hỏi, động viên, các đảng viên chủ động đóng góp kinh phí ủng hộ, sau đó tiếp tục vận động nhân dân. “Của ít, lòng nhiều”, từ đảng viên đến quần chúng trong thôn đều tham gia. Thống kê, từ năm 2020 đến nay, chi bộ đã giúp đỡ, động viên 7 trường hợp ngư dân gặp nạn vượt khó, tiếp tục vươn khơi bám biển, giữ nghề.

Nội dung: ĐOÀN ĐẠO - HỒ QUÂN
Đồ họa: NGUYỄN TUẤN

Bài tham dự Cuộc thi báo chí "Lan tỏa năng lượng tích cực vì khát vọng Quảng Nam"

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những đảng viên ở nơi đầu sóng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO