(QNO) - Nhiệt tâm, trách nhiệm, Hội Khuyến học (HKH) chính là cầu nối các mạnh thường quân với “tương lai” của nước nhà. Nhất là những người đứng đầu - không quản ngại khó khăn, họ luôn dành sự quan tâm, cật lực giúp đỡ những “rường cột” của dân tộc, thúc đẩy truyền thống hiếu học, tiếp sức em đến trường…
(QNO) - Nhiệt tâm, trách nhiệm, Hội Khuyến học các địa phương chính là cầu nối các nhà hảo tâm với “tương lai” của nước nhà. Những người đứng đầu hội khuyến học ở quê nhà không quản ngại khó khăn, luôn dành sự quan tâm giúp đỡ những “rường cột” của dân tộc, thúc đẩy truyền thống hiếu học, tiếp sức em đến trường…
Tròn 30 năm, ông Nguyễn Văn Thừa tham gia phong trào khuyến học ở phường Điện Minh (thị xã Điện Bàn). Thời gian đầu tại địa phương việc vận động quỹ rất khó khăn bởi ai cũng nghèo, tổng quỹ khuyến học một năm ước chừng 3 triệu đồng, đủ phát thưởng cho mỗi học sinh vài cuốn vở.
Năm 2000, với vai trò Chủ tịch Hội Khuyến học phường Điện Minh, ông Thừa đã thay đổi phương pháp vận động quỹ bằng cách vận động bạn bè, người quen tham gia ủng hộ. Kết quả, nguồn quỹ khuyến học không ngừng gia tăng qua từng năm. Ngoài hỗ trợ tiền, một số nhà hảo tâm còn nhận đỡ đầu cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhiều năm.
Nhằm tạo niềm tin, bạch hóa trong những đợt trao học bổng, tặng quà cho học sinh ông Thừa đều mời nhà tài trợ hoặc đại diện về trực tiếp chứng kiến, trao tặng; công khai số tiền đóng góp của nhà hảo tâm hàng năm. Với những trường hợp nhận đỡ đầu, ông Thừa lập danh sách từng hoàn cảnh cụ thể (địa chỉ, số điện thoại học sinh) gửi nhà hảo tâm kiểm tra, xem xét trước khi ký sổ vàng ủng hộ.
Mỗi năm ông Thừa vận động được hơn 800 triệu đồng, chủ yếu từ bạn bè, người thân và đồng hương tại TP.Hồ Chí Minh. Trong đó, riêng 5 người con ông Thừa đóng góp khoảng 400 triệu đồng.
“Tụi nó đều ủng hộ công việc của tôi nên nhiệt tình hỗ trợ, đứa vài chục triệu, đứa 100 triệu có đứa 200 triệu đồng tùy điều kiện kinh tế” - ông Thừa tiết lộ. Những người con của ông Thừa đang sinh sống, làm việc tại TP.Hồ Chí Minh đều thành đạt, nên khi nghe ông “lệnh” thì tất cả vui vẻ đóng góp vào quỹ khuyến học của phường.
Năm học 2024 - 2025, khoảng 300 học sinh nghèo khó có thành tích học tập khá, giỏi đều được nhận thưởng. Điểm khác biệt của quỹ khuyến học phường Điện Minh so với những nơi khác là không giới hạn số lần học sinh nhận học bổng mà có thể nhận nhiều năm liên tục miễn đảm bảo thành tích học tập khá, giỏi. Hàng năm, quỹ cũng khen thưởng những giáo viên dạy giỏi tại các trường mẫu giáo, tiểu học, THCS trên địa bàn.
Bắt đầu từ năm 2024 ông Thừa cũng mở rộng đối tượng hỗ trợ đối với học viên sau đại học và nghiên cứu sinh tiến sĩ loại giỏi, xuất sắc có hoàn cảnh khó khăn với mức trợ cấp trọn gói 100% học phí cùng thẻ bảo hiểm y tế. Đến nay, quỹ của Hội Khuyến học phường Điện Minh còn hơn 1 tỷ đồng đủ để ông Thừa thực hiện kế hoạch của mình.
Gắn bó với công tác khuyến học, khuyến tài, ý tưởng xây dựng Nhà truyền thống khuyến học phường Điện Minh luôn thôi thúc ông Nguyễn Văn Thừa.
Được địa phương ủng hộ, ông đã đi vận động kinh phí, UBND phường đứng ra chủ trì xây dựng. Vị trí được chọn làm Nhà truyền thống khuyến học là ngôi trường mẫu giáo cũ bỏ hoang tại khối phố Tân Mỹ. Sau gần 1 năm sửa chữa, nâng cấp với tổng kinh phí hơn 550 triệu đồng, ngày 10/8 vừa qua công trình Nhà truyền thống khuyến học phường Điện Minh đã hoàn thành.
Nhà truyền thống được thiết kế 3 gian. Chính giữa thờ Bác Hồ, bên phải khắc bia tri ân 47 cá nhân, gia đình, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp có nhiều đóng góp, hỗ trợ phong trào khuyến học địa phương; bên trái khắc bia vinh danh 17 phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2, nhà giáo ưu tú là những người con của quê hương Điện Minh.
Điện Minh trở thành địa phương đầu tiên của tỉnh dựng Nhà truyền thống khuyến học vinh danh những người đỗ đạt cao, có nhiều đóng góp cho cộng đồng xã hội. Công trình ra đời không thể thiếu vai trò và công sức của ông Nguyễn Văn Thừa.
Tóc đã ngả bạc, ông Đặng Công Dung (SN 1962, nguyên Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tiên Phước) vẫn giữ được lửa nhiệt huyết với những thế hệ tương lai của đất nước. Ông tham gia Hội Khuyến học địa phương năm 2022 đến nay.
Rưng rưng xúc động nhắc về nhà chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng, ông Dung tự hào: “Mình là con cháu cụ Huỳnh, truyền thống hiếu học muôn đời đã có. Giữ được truyền thống đó, không chỉ dựa sự nỗ lực của các học sinh, tạo điều kiện của phụ huynh mà còn cần sự quan tâm, động viên của xã hội, nhất là trách nhiệm của những người làm công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập như chúng tôi”.
Ông Dung cho biết, thách thức lớn nhất đối với hội là huy động nguồn lực xã hội hóa ở một huyện trung du như Tiên Phước, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp hoạt động rải rác… Tuy nhiên, địa phương đã biến khó khăn thành động lực.
Hiện nay, toàn huyện Tiên Phước có 35 cơ sở hội trực thuộc huyện, 85 chi hội khuyến học, 420 ban khuyến học, với tổng số hội viên lên đến 20.544 người, chiếm 27,44% dân số. Trong 9 tháng đầu năm 2024, HKH huyện huy động được hơn 4 tỷ đồng. Đã cấp 473 suất học bổng, 13.594 suất khen thưởng, 2.457 suất hỗ trợ khó khăn với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng.
Ông Đặng Công Dung luôn chú trọng tuyên dương, khích lệ mỗi địa phương phát triển mô hình khuyến học đặc trưng như “cây cau khuyến học” của xã Tiên Ngọc; “phế liệu khuyến học” của xã Tiên Thọ; “văn nghệ khuyến học” của xã Tiên Châu; “con heo khuyến học” của xã Tiên Hà; “nuôi heo đất khuyến học” của xã Tiên Mỹ, “sổ vàng khuyến học”, “cây ăn quả khuyến học” của xã Tiên Cảnh…
Những đồng tiền lẻ sau khi đi chợ về sẽ được vợ chồng ông Nguyễn Đình Khiêm (Bí thư Chi bộ khối phố Bình Phước) bỏ vào “Thùng tiền khuyến học” như một thói quen. “Vợ chồng tôi và người dân khối phố rất hưởng ứng mô hình ý nghĩa này. Mỗi năm được khoảng 150 - 400 nghìn đồng, nhà tôi đều ủng hộ hội khuyến học” - ông Khiêm nói.
Ông Huỳnh Thanh Lạc - Chủ tịch Hội Khuyến học thị trấn Tiên Kỳ cho biết, là một trong những đơn vị dẫn đầu công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, thị trấn Tiên Kỳ hằng năm thu về từ mô hình “Thùng tiền khuyến học” hơn 10 triệu đồng.
[VIDEO] - Những người làm công tác khuyến học tại Tiên Phước chia sẻ:
Ông Nguyễn Văn Dung - nguyên Trưởng phòng GD-ĐT TP.Hội An, trong suốt 4 năm giữ vị trí Chủ tịch Hội Khuyến học TP.Hội An luôn đề cao sự phối hợp giữa huyện hội, xã hội, chi hội với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, trường học trên toàn thành phố.
Ông Dung chú trọng lan tỏa sự tích cực về công tác khuyến học đến các cơ quan đơn vị trực thuộc thành phố. Đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ của các cán bộ trẻ, đoàn thể chính trị - xã hội trong hoạt động tổ chức tuyên truyền, áp dụng công nghệ thông tin; hay phát huy thế mạnh của các đơn vị trường học trong quá trình kiếm tìm đối tượng được khuyến học, khuyến tài…
Kết quả 9 tháng đầu năm 2024, các tổ chức, đơn vị cấp thành phố hỗ trợ 2.174 suất cho các em khó khăn và học bổng với tổng tiền hỗ trợ gần 1,192 tỷ đồng. Hội khuyến học cấp thành phố đến các xã, phường đã cấp học bổng, hỗ trợ khó khăn cho học sinh với 24.541 suất, trị giá hơn 7,5 tỷ đồng.
Gắn bó với Hội Khuyến học thị xã Điện Bàn 12 năm liền, ông Lê Công Hai (nguyên Phó Trưởng phòng GD-ĐT Điện Bàn) - Chủ tịch Hội Khuyến học thị xã Điện Bàn hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng và vai trò của những người làm công tác khuyến học. Với mục tiêu phấn đấu 100% xã, phường đều thực hiện các mô hình huy động quỹ khuyến học, khắc phục tình trạng chưa đồng bộ của các hội xã, chi hội trong công tác phát triển hội trên địa bàn thị xã, Hội Khuyến học thị xã Điện Bàn đã ưu tiên lan tỏa giá trị thực của những mô hình khuyến học tiêu biểu. Và nhiều năm liền Hội Khuyến học thị xã Điện Bàn được tỉnh hội, trung ương hội trao tặng cờ lưu niệm, bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ…
Để đạt được kết quả ấy, ông Hai chọn phương thức tọa đàm cho các lãnh đạo xã, phường bằng hình thức hỏi - đáp, có liên hệ thực tế, có hình ảnh minh họa. Và nội dung tập trung vào 5 mô hình điển hình từ năm 2021 đến nay. Trong đó có, mô hình “Đỡ đầu học tập” của xã Điện Thọ đã lan tỏa và phát triển mạnh tại phường Vĩnh Điện, đỡ đầu 45 học sinh từ 2-6 triệu đồng/học sinh/năm; mô hình “Ươm mầm tài năng” của xã Điện Thọ tuyên dương, lo học phí, bảo hiểm y tế, sách giáo khoa, tặng xe đạp… cho 56 em xếp hạng nhất lớp, nhất khối, nhất trường, đoạt các giải từ thị xã đến quốc gia.
Ngoài ra còn có mô hình “Mở quỹ khuyến học” với yêu cầu 10 triệu đồng/mỗi tổ chức là doanh nghiệp, tộc họ, cộng đồng… ở xã Điện Trung, tạo được quỹ khuyến học lên đến 1,2 tỷ đồng; mô hình “Xây quỹ học bổng - Nguyễn Việt Hùng” của phường Điện Minh hỗ trợ 1-6 triệu đồng cho các em học xuất sắc, có hoàn cảnh khó khăn, thành lập từ năm 1998 đến nay đã lan rộng ra 6 xã; và mô hình “Tiếp sức em đến trường” cũng được thực hiện và nhân rộng tại nhiều địa phương…
[VIDEO] - Ông Lê Công Hai tâm huyết với công tác khuyến học:
Ngoài ra, ông Hai còn đứng ra tổ chức các đợt tập huấn, các chương trình văn nghệ giới thiệu đến nhân dân lợi ích của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; tham mưu với Thị ủy, UBND, các ban ngành, đoàn thể trên toàn thị xã và mời các doanh nghiệp nghiên cứu, cam kết hỗ trợ các chương trình khuyến học…
Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn thị xã Điện Bàn đã xây dựng được nguồn quỹ cho khuyến học hơn 8,4 tỷ đồng. Trong đó Hội Khuyến học thị xã Điện Bàn đã hỗ trợ học bổng, trợ cấp khó khăn tổng trị giá 1,048 tỷ đồng.
Theo ông Hai, đầu năm, Hội Khuyến học thị xã có văn bản đề nghị hội khuyến học các xã, phường điều tra tất cả con em nhà nghèo, hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bỏ học giữa chừng gửi về Hội Khuyến học thị xã, trên cơ sở đó sẽ tổng hợp danh sách, số lượng và mức hỗ trợ, khen thưởng để đề ra nhiệm vụ và đi vận động nhà tài trợ.
Bình quân mỗi năm, ông Lê Công Hai và Hội Khuyến học thị xã Điện Bàn huy động hơn 1 tỷ đồng, chủ yếu từ sự ủng hộ của các cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn và đồng hương Điện Bàn tại TP.Hồ Chí Minh. Có năm ông Hai vào tận TP.Hồ Chí Minh bám trụ hơn một tháng tiếp xúc, làm việc nhà tài trợ để đề xuất, vận động kinh phí khuyến học.
Từ số tiền trên, mỗi năm Hội Khuyến học Điện Bàn tổ chức trao học bổng tiếp sức đến trường cho 300 học sinh và hỗ trợ khen thưởng cho nhiều trường hợp khác (mức trao tặng từ 1-3 triệu đồng). Cạnh đó, hội cũng vận động nhà hảo tâm nhận đỡ đầu nhiều năm cho những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với mức hỗ trợ bình quân 3 triệu đồng/học sinh.
“Những lúc đi vận động bị từ chối… tôi cũng buồn, chạnh lòng, có tư tưởng bỏ cuộc nhưng rồi tự động viên mình là doanh nghiệp cũng khó khăn nên cần chờ đợi, kiên trì lần sau, rồi tìm đối tác khác… do đó việc duy trì phát thưởng, học bổng cho các cháu luôn diễn ra liên tục, kể cả trong thời gian đại dịch COVID-19”, ông Hai trải lòng.
Sự đóng góp của ông Hai trong công tác khuyến học đã giúp Hội Khuyến học thị xã Điện Bàn nhiều năm liền dẫn đầu phong trào thi đua toàn tỉnh được UBND tỉnh và Hội Khuyến học Việt Nam trao tặng nhiều bằng khen và cờ thi đua xuất sắc. Điển hình, Cờ thi đua xuất sắc các năm 2016,2019, 2020, 2023 của Hội Khuyến học Việt Nam trao tặng hay Bằng khen Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam các năm 2017, 2018, 2021, 2022…
Tại thị xã Điện Bàn, phong trào thi đua xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, đơn vị học tập, cộng đồng học tập, công dân học tập ngày càng phát triển rộng khắp.
Toàn thị xã hơn 45 nghìn hộ được công nhận hộ gia đình học tập, 140/140 thôn, khối phố được công nhận cộng đồng học tập, 525 dòng họ được công nhận dòng họ học tập, 24 đơn vị, hợp tác xã đang xây dựng đơn vị học tập, 28 cơ quan đơn vị hành chính thị xã thành lập các chi hội khuyến học.
Những năm qua, Hội Khuyến học thị xã Điện Bàn đã huy động hàng chục tỷ đồng từ các nhà hảo tâm, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài thị xã. Các doanh nghiệp đã đồng hành thường xuyên nhiều năm liền như The Nam Hải, Công ty May Hòa Thọ Điện Bàn, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức, Agribank chi nhánh Điện Bàn, đồng hương Điện Bàn tại TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội…
Ông Nguyễn Văn Long - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết, đến nay, tổ chức hội đã phủ khắp hầu hết các xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố, các cơ quan, đơn vị, trường học với hàng nghìn chi hội, ban khuyến học với hơn 278 nghìn hội viên, chiếm tỷ lệ 18% trên tổng số dân số toàn tỉnh.
Nhiều gia đình nhờ sự giúp đỡ của hội, chi hội, ban khuyến học đã đảm bảo được việc học tập cho con, cháu. Không ít học sinh nhờ sự giúp đỡ của quỹ hội, đã vươn lên vượt khó, học tốt, trở thành con ngoan, trò giỏi, người có ích cho xã hội. Nhiều thầy giáo, cô giáo nhờ quỹ hội mà vượt qua được khó khăn để gắn bó hơn với sự nghiệp trồng người. Những tấm gương điển hình tiên tiến, mô hình hay, cách làm tốt xuất hiện trong phong trào thi đua khuyến học…
[VIDEO] - Ông Nguyễn Văn Long - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Quảng Nam:
Trong 5 năm qua Hội Khuyến học các địa phương huy động được nguồn kinh phí lớn như Duy Xuyên 46,2 tỷ đồng, Điện Bàn 43 tỷ đồng, Thăng Bình 40,6 tỷ đồng, Tam Kỳ 40,2 tỷ đồng, Núi Thành 39,6 tỷ đồng, Hội An 30 tỷ đồng...
Các cấp hội tích cực huy động nguồn lực cho Quỹ khuyến học đã khơi dậy và phát huy truyền thống hiếu học, xây dựng xã hội học tập sâu rộng trong cộng đồng dân cư.
NỘI DUNG: VĨNH LỘC - ĐÌNH HẢI - THÚY HIỀN
TRÌNH BÀY: ĐÌNH HẢI