(VHQN) - Người Chăm có một câu thành ngữ, “Varak krauṅ, marauṅ cãk - phía Bắc (có) sông, phía Nam (có) núi”. Điều này dùng chỉ về những nơi đắc địa như các khu đền tháp, kinh đô cho đến làng mạc, nếu được đặt đúng vị thế có sông có núi - như câu thành ngữ định.
Câu chuyện dòng sông
Sông, trong tiếng Phạn gọi là Nadī नदी, trong tiếng Cham cổ gọi là Krauṅ /krɔ:ŋ/. Vết dấu Campa (Chămpa) để lại ở Quảng Nam - Đà Nẵng cùng lịch sử hình thành vương quốc hơn 1.000 năm, không chỉ là các đền tháp. Hệ thống thủy lợi đồ sộ với những cánh đồng, kênh mương, đê đập đã gầy dựng từ thời xửa xưa. Và câu chuyện dòng sông vẫn còn tiếp diễn.
Dòng sông Lớn (mahānadī) được định trong 3 văn khắc thuộc địa bàn Quảng Nam: C.72 ở Mỹ Sơn, C.105 ở Hòn Cụt, C. 147 ở Chiêm Sơn.
Thời vương triều Campapura (kéo từ thế kỷ 4-7), văn khắc C.72 phát hiện gần đền A1, Mỹ Sơn, được L. Finot xem là bản hiến chương đầu tiên của khu vực.
Cạnh đó, văn khắc C.147 ở Chiêm Sơn, cho biết, phía bắc có sông Mahā (mahānadī). Vương triều Campapura chỉ nhắc tới tên sông Lớn, thuộc địa giới của Mỹ Sơn, hiện là một phần của sông Thu Bồn.
Đến các vương triều sau, vương triều Indrapura trải từ thế kỷ 8 đến 10, có 3 hệ thống sông được nhắc tới. Trong đó, ranh giới của các đền thần được xác nhận có giáp với sông Nayauna, sông Luvu và sông Bhauk Śirā tương với hệ thống sông Thu Bồn, sông Ly Ly.
Văn khắc C. 106 được phát hiện ở làng Bàn Lãnh (xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn) cách văn khắc C.66 ở Đồng Dương khoảng 12 dặm về phía Bắc.
Trước đó đền thần Śrī Rudramaddhyeśvara cũng được nhà hiền triết Śrī Kalpa dựng lên ở nơi đây. Trải từ cánh đồng Ṅauk Rayā đến cửa sông Nayauna, từ cửa sông đến bờ nam của đền thần có hơn 100 cánh đồng, làng mạc, ao hồ với địa danh bằng tiếng Chăm cổ. Tất cả đều chịu sự chi phối hệ thống thủy lợi của 2 nhánh bắc nguồn từ sông Thu Bồn, tách ra từ Cổ Tháp đi theo 2 hướng: hướng Đông Bắc và Đông Nam.
Theo địa hình của làng Bàn Lãnh, sông Nayauna được văn khắc C.106 nhắc tới chỉ có thể là 2 nhánh của sông Lớn (mahānadī) chảy xuống theo hướng Đông - Bắc và Đông - Nam.
Hậu vương triều Indrapura
Cũng trong khoảng thời gian này, vua Śrī Jaya Siṅhavarmadeva cho xây dựng các đền tháp và phân chia hệ thống làng mạc, cánh đồng thuộc Cẩm Lệ (TP.Đà Nẵng bây giờ). Các chứng tích còn được nhận biết qua văn khắc C.211 ở Khuê Trung và C.142 ở Hóa Quê. Về mặt khảo cổ, phế tích Phong Lệ cũng được xem là một trung tâm tôn giáo thời vương triều này.
Cạnh đó, địa điểm văn khắc C.140 ở Hương Quế, Quế Sơn hướng về phía đông là sông Ly Ly - lãnh thổ của các lãnh chúa có thể vươn tới dòng Thu Bồn, dòng Bà Rén, dòng Trường Giang và cả các vùng cao.
Tới vương triều Yāṅ Põ Ku Śrī Jaya Harivarmadeva Ciy Śivānandana vào đầu thế kỷ 13, có 2 con sông được văn khắc C. 100 nhắc tới: dòng sông chảy qua kinh thành Siṅhapura (Trà Kiệu) và dòng sông Yāṃ - 2 con sông thuộc hệ thống sông Thu Bồn (nhánh phía nam).
Văn khắc C. 100 được phát hiện ở đền G5, Mỹ Sơn - vị trí sông Yāṃ ở phía đông đền thần Guheśvara - một ngôi đền được văn khắc C.106 thời vương triều Indrapura nhắc tới.
Trước đó, vào Śaka 1010 (1088), thời vua Śrī Jaya Indravarmmadeva Yãṅ Devatāmūrti đang trị vì, văn khắc C. 89 được phát hiện ở đền D1, Mỹ Sơn cũng liệt kê các cánh đồng, làng mạc và sông hồ nơi đây trong cuộc tái dựng đất nước do chiến tranh tàn phá.
Văn khắc C.64 ở Chiên Đàn cho biết, cuối thế kỷ 11, vua Śrī Harivarmadeva đánh chiếm toàn bộ phía nam, từ con sông Tam Kỳ đến điện đền Campeśvara, thuộc Trà Kiệu. Các lãnh chúa ở khu vực này đã thần phục và trở thành chư hầu của ông. Các cánh đồng, sông hồ thuộc hệ thống sông Tam Kỳ cũng được văn khắc C. 227 ở An Mỹ, C.63 ở Khương Mỹ nhắc tới.
Quảng Nam - Đà Nẵng, nơi kinh đô cổ Campa đã trường tồn và lớn mạnh gần 1.000 năm. Thời gian đã phai dần các di tích nhưng tên những con sông, con suối, ao hồ, cánh đồng, làng mạc đến con người, tất cả vẫn còn đó. Hình hài có thể khác đi nhưng âm vang của các vương triều vẫn gợn lên lớp sóng, trong đó có những chuyện kể về về đời sông.