(QNO) - Là xã miền núi vùng tây của huyện Núi Thành với 1/3 dân số là người đồng bào thiểu số, Tam Trà nỗ lực đẩy mạnh công tác giảm nghèo bằng cách huy động các nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và sự vào cuộc cả hệ thống chính trị. Năm 2021, Tam Trà phấn đấu xoá sạch hộ nghèo, tạo đà cán đích xã nông thôn mới.
Quyết liệt giảm nghèo
Tam Trà nằm trong nhóm xã đặc biệt khó khăn của huyện Núi Thành, toàn xã có 1/3 trong hơn 3.000 hộ dân là đồng bào người Co, đời sống kinh tế còn gặp khó khăn. Những năm qua, từ việc huy động, lồng ghép nhiều nguồn lực hỗ trợ, công tác giảm nghèo ở Tam Trà từng bước đem lại hiệu quả.
Năm 2020, toàn xã còn 40 hộ nghèo (tỷ lệ 4,45%) và 61 hộ cận nghèo (chiếm 6,79%). Toàn xã sản xuất hơn 160 ha cây lúa xen canh cây màu, kinh tế của phần lớn hộ dân chủ yếu phụ thuộc vào rừng và nương rẫy. Thời gian qua, thiên tai, dịch bệnh Covid-19 đã gây nhiều khó khăn, thách thức đối với công tác giảm nghèo của xã.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã cho biết, Chương trình 135 triển khai ở một thôn cuối cùng đã kết thúc, Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh (chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2017 - 2021) kết thúc hỗ trợ tại xã năm 2021, hiện xã Tam Trà còn được hỗ trợ từ Nghị quyết 52 của HĐND huyện Núi Thành với tinh thần tạo điều kiện cho đồng bào người Co vươn lên ổn định đời sống mới. Song giai đoạn đầu, hiệu quả triển khai chưa mang lại kết quả như mong muốn, hy vọng ở giai đoạn sau từ năm 2021 trở đi, nghị quyết sẽ đi vào thực tiễn với những kết quả nổi bật hơn.
Bên cạnh sự hỗ trợ của tỉnh, huyện với các chính sách hỗ trợ vay vốn, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, hỗ trợ cây trồng và con vật nuôi, hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ lãi suất vay vốn phát triển kinh tế... xã nỗ lực định hướng giúp đồng bào người Co tìm hướng phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, xây dựng các mô hình cây, con để nhân rộng trong thực tiễn.
Để công tác giảm nghèo hiệu quả, đi vào chiều sâu, xã Tam Trà phát huy hiệu quả các chính sách giảm nghèo, hỗ trợ cho vay vốn qua kênh uỷ thác đối với 4 hội đoàn thể là Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên. Năm 2020, đối tượng hộ nghèo của xã được giải ngân cho vay 2,1 tỷ đồng phát triển sản xuất. Các chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho hộ nghèo, cho vay học sinh sinh viên đã tiếp sức cho hộ nghèo vượt khó đi lên.
Theo ông Bình, chỉ tiêu đề ra là mỗi năm xã phấn đấu giảm từ 3 - 5% hộ nghèo. Để có được kết quả đó, địa phương vận dụng tối đa các nguồn lực, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị xã hội và tất cả chính sách đến với hộ nghèo để thực hiện giảm nghèo bền vững.
Hướng tới xoá hộ nghèo
Thôn Phú Trường là thôn điển hình làm tốt công tác giảm nghèo của xã. Thôn có mặt bằng dân sinh ổn định hơn so với một số thôn khác, người dân có điều kiện phát triển kinh tế, sinh kế từ rừng, trồng lúa, chăn nuôi giúp bà con cải thiện đời sống.
Ông Nguyễn Dân - Trưởng thôn Phú Trường chia sẻ, theo chỉ tiêu xã giao, mỗi năm thôn giảm được từ 2 - 4 hộ nghèo. Cuối năm 2021 này, Phú Trường không còn hộ nghèo, trừ 8 hộ thuộc nhóm đối tượng bảo trợ xã hội.
Điển hình về gương vượt khó thoát nghèo của thôn Phú Trường là chị Phan Thị Phước (SN 1986). Chị Phước là phụ nữ đơn thân nuôi 2 con nhỏ, những năm qua, từ sự động viên, khích lệ của đoàn thể chính trị, xã hội, chị Phước nỗ lực vượt qua khó khăn, tự nguyện đăng ký thoát nghèo năm 2020. Căn nhà 3 mẹ con chị đang ở được địa phương hỗ trợ từ chính sách xoá nhà tạm. Hiện chị đã có việc làm tại một công ty may và đầu tư chăn nuôi quy mô nhỏ để cải thiện đời sống.
Hay như bà Nguyễn Thị Luận, một hộ nghèo lớn tuổi ở thôn, khi con cái có điều kiện phát triển kinh tế, thu nhập ổn định, bà đã vận động con viết đơn xin thoát nghèo, nhường cho đối tượng khó khăn hơn mình. Đó là những điển hình đáng nêu gương, biểu dương.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 như hai năm qua, áp lực giữ bền vững các chỉ tiêu giảm nghèo và nguy cơ tái nghèo là rất lớn. Để đạt mục tiêu xoá sạch hộ nghèo vào cuối năm 2021, đưa xã cán đích nông thôn mới theo lộ trình, nhiệm vụ hết sức nặng nề. Nhất là với đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số, cần phải tiếp tục tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt…). Bản thân các hộ nghèo chưa tự vươn lên thoát nghèo, còn ỷ lại, trông chờ vào chính sách, nhiều hộ tái nghèo, tái cận nghèo do dịch bệnh, thiên tai, đó là những lý do khiến công tác giảm nghèo giai đoạn này thiếu tính bền vững.
“Công tác vận động nguồn lực xã hội, cùng với nguồn lực nhà nước hỗ trợ người nghèo, cận nghèo xoá nhà tạm, có thêm nguồn sinh kế phát triển sản xuất được chú trọng. Xã tập trung xây dựng một số mô hình trồng cây ăn quả, phát triển chăn nuôi heo bản địa, gà Đông Tảo để nhân rộng, giúp người dân có thêm nguồn sinh kế nâng cao mức sống. Song, với 40 hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội và 61 hộ cận nghèo, rất cần sự hỗ trợ, vào cuộc của cộng đồng, xã hội. Cần có chính sách, cơ chế hỗ trợ từ nhà nước đối với nhóm hộ này để góp phần đảm bảo an sinh xã hội” - ông Bình nói.