Chính quyền - đoàn thể

Nỗ lực xây dựng môi trường hành chính minh bạch

HOÀI AN 23/06/2024 10:16

(Đặc san 21/6) - Xây dựng môi trường hành chính trong sạch, lành mạnh, công khai, minh bạch nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng phục vụ và cải thiện sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp luôn được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Tuy nhiên, thực tế đang có nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.

co-so-du-lieu-dat-dai.jpg
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì cuộc họp trực tuyến với các ngành, địa phương để đôn đốc tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh. Ảnh: N.Đ

Chậm xây dựng cơ sở dữ liệu

Ban Pháp chế HĐND tỉnh vừa khảo sát việc chấp hành pháp luật trong thực hiện các dự án đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng phần mềm, hệ thống thông tin chuyên ngành theo Nghị quyết 33 và Nghị quyết 17 của HĐND tỉnh.

Kết quả khảo sát ghi nhận, hiện có khoảng 109 cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành đang triển khai trên địa bàn tỉnh. Trong đó, một số CSDL đã đưa vào khai thác, sử dụng phục vụ công tác quản lý nhà nước và chỉ đạo, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân, doanh nghiệp.

Theo Ban Pháp chế HĐND tỉnh, quá trình rà soát, đề xuất đầu tư, nâng cấp hạ tầng CNTT, xây dựng phần mềm của đa số cơ quan, đơn vị còn lúng túng; chưa bám sát yêu cầu thực tế, chú trọng lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên và xem xét kỹ lưỡng khả năng cân đối nguồn lực… dẫn đến việc đầu tư còn dàn trải, tiến độ chậm. Có đơn vị thực hiện nhiều dự án cùng lúc, như Sở GD-ĐT đầu tư 6 dự án, đến nay mới có 1 dự án đưa vào sử dụng, còn 5 dự án đang triển khai thực hiện.

Lý giải về sự chậm tiến độ của các dự án, lãnh đạo Sở GD-ĐT cho rằng, giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án CNTT chưa có quy trình và hướng dẫn cụ thể để triển khai công việc.

Theo ông Nguyễn Hoàng Nam - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, hầu hết dự án CNTT của đơn vị đang triển khai chậm do vướng mắc, chậm trễ ở khâu thẩm định dự án kéo dài. Các dự án sau khi thẩm định và phê duyệt đều được triển khai nhanh và hiệu quả. Do đó, Sở GD-ĐT đề nghị cần cải tiến, cải thiện quy trình và có sự giám sát trong việc trình, thẩm định để triển khai các dự án CNTT hiện nay.

Hạn chế kết nối, chia sẻ

Thực hiện các Nghị quyết số 33 và 17 của HĐND tỉnh, đến nay Sở Tư pháp chỉ mới xây dựng và đưa vào triển khai phần mềm chuyên ngành: “Phần mềm quản lý CSDL về chứng thực”. Tỷ lệ đơn vị sử dụng phần mềm còn rất thấp, chủ yếu là nhập dữ liệu sau khi đã giải quyết xong thủ tục chứng thực. Việc sử dụng không thường xuyên, cập nhật rất ít dữ liệu so với lượng chứng thực thực tế phát sinh tại địa phương.

Tại Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh đã chất vấn các ngành liên quan đến công tác cải cách hành chính và nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Ảnh:N.Đ
Tại Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh đã chất vấn các ngành liên quan đến công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Ảnh: N.Đ

Ông Đặng Văn Đào - Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, sở đã gửi nhiều văn bản đề nghị Sở TT-TT phối hợp thực hiện việc kết nối, liên thông dữ liệu giữa “Phần mềm quản lý CSDL về chứng thực” với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Phần mềm này cũng đã kết nối với phần mềm quản lý hồ sơ công chứng hiện có; song việc khai thác dữ liệu từ phần mềm công chứng còn rất hạn chế…

Bà Dương Thị Thanh Hiền - Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh nói, tiến độ triển khai xây dựng một số CSDL chuyên ngành trọng điểm chậm. Theo kế hoạch, năm 2023 có 19 CSDL chuyên ngành ưu tiên triển khai nhưng đến thời điểm khảo sát chỉ có 9/19 CSDL được UBND tỉnh phê duyệt đề cương, dự toán chi tiết (đạt 47,3%).

“Một thực trạng khác đáng quan tâm là số CSDL triển khai từ cấp tỉnh đến cấp xã, người dân, doanh nghiệp còn ít; đa số CSDL chỉ phục vụ nội bộ hoặc triển khai ở cấp tỉnh nên các huyện phải đầu tư riêng. Thực trạng này dẫn đến nguy cơ trùng lắp, lãng phí, không đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, hình thành dữ liệu lớn, dữ liệu tập trung.

Ngoài ra, CSDL chuyên ngành ở một số ngành chưa đồng bộ với hệ thống của tỉnh dẫn đến tình trạng cùng lúc sử dụng nhiều phần mềm, nhiều tài khoản đăng nhập. Tình trạng vừa sử dụng hệ thống điện tử, vừa cập nhật hồ sơ giấy cũng gây khó khăn cho cán bộ, công chức trong quá trình sử dụng và ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công việc” - bà Hiền nhìn nhận.

“Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần nhận thức sâu sắc rằng, càng áp lực, khó khăn thì càng phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn. Phải khơi dậy mạnh mẽ tinh thần trách nhiệm, tư duy đổi mới, sáng tạo của con người Quảng Nam để biến mục tiêu và khát vọng trở thành hiện thực”.

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết

Bố trí con người, nguồn lực tương ứng

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, để hiện thực hóa mục tiêu “Xây dựng môi trường hành chính trong sạch, lành mạnh, công khai, minh bạch”, Quảng Nam tính toán tiếp tục phân cấp ủy quyền, đẩy mạnh hơn nữa, kèm theo đó là bố trí nguồn lực, con người tương ứng.

“Chúng ta đang tập trung thực hiện chuyển đổi số, số hóa dữ liệu, xây dựng chính quyền số, nên khi tỷ lệ áp dụng số hóa trong xây dựng chính quyền càng lớn bao nhiêu thì phải tính đến phương án giảm con người làm việc và tăng sự tinh thông công việc lên tương ứng. Không thể có chuyện vừa cải cách hành chính, xây dựng chính quyền số, xử lý môi trường mạng, song cũng chừng đó con người, trình độ năng lực, cách làm vẫn như cũ thì sẽ bất cập” - ông Hồ Quang Bửu nói.

Mặc dù tỉnh đã có chỉ đạo quyết liệt nhưng việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước phục vụ công tác điều hành, quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp chưa triệt để.

Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDL chuyên ngành với các hệ thống phục vụ chỉ đạo điều hành của tỉnh (như: Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh (IOC), smart, egov Quảng Nam) còn hạn chế. Số CSDL được kết nối, chia sẻ mặc định cũng như cung cấp dữ liệu mở còn thấp, mới có 14/48 CSDL chuyên ngành của tỉnh kết nối với nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu LGSP, đạt tỷ lệ 29%. Và áp lực để xử lý các vấn đề này rất lớn.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh, thời gian tới, công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực đầu tư, tài chính… cũng phải được cải thiện. Mục tiêu cốt yếu là để các thủ tục về đầu tư công nhanh hơn, gọn hơn, giảm bớt những khâu chuẩn bị, khi đi vào tổ chức triển khai thực hiện cũng sẽ thuận lợi hơn. Có vậy, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh mới tốt hơn.

“Trong mua sắm tài sản công cũng vậy, cách thức như thế nào cũng cần được cải tiến, để đảm bảo công tác mua sắm vừa đúng quy định, vừa phải cải tiến tốt hơn, tránh ngành này hỏi ý kiến ngành kia, đẩy qua đẩy về. Đây đều là những nội dung rất quan trọng trong công tác cải cách hành chính của tỉnh” - ông Hồ Quang Bửu nói thêm.

Công cuộc chuyển đổi số cần rất nhiều thời gian, nhưng không quyết tâm làm tỉnh sẽ bị tụt hậu so với các địa phương khác. UBND đã ban hành Kế hoạch số 4064 (ngày 27/6/2023) tiếp tục triển khai “Xây dựng môi trường hành chính trong sạch, lành mạnh, công khai, minh bạch”, nâng cao hiệu quả, chất lượng phục vụ và cải thiện sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh.

Thời gian tới, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các địa phương phải quyết tâm tạo những chuyển biến tích cực, thiết thực, hiệu quả từ việc quan tâm đến công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số của từng ngành, địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗ lực xây dựng môi trường hành chính minh bạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO