Kinh tế

Nông dân khởi nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số

TÂM ĐAN 08/08/2024 19:27

(QNO) - Nhận diện được những rào cản trong xây dựng dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển các sản phẩm OCOP; các chủ thể sản phẩm OCOP, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi chọn hướng đi nào phù hợp... đã được đem ra bàn thảo trong buổi tọa đàm “Nông dân khởi nghiệp (KN), sáng tạo trong thời kỳ chuyển đổi số".

Hơn 200 đại biểu là chủ sản phẩm OCOP, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và cán bộ Hội Nông dân đã tham dự tọa đàm “Nông dân khởi nghiệp (KN), sáng tạo trong thời kỳ chuyển đổi số (CĐS) ” do Hội Nông dân tỉnh tổ chức vào chiều nay 8/8 tại TP.Tam Kỳ.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã phát biểu, trình bày tham luận chia sẻ kinh nghiệm và những thuận lợi, khó khăn trong quá trình KN, phát triển sản phẩm OCOP.

dsc01137.jpg
Đại biểu dự tọa đàm. Ảnh: PV

Những rào cản

Ông Nguyễn Thanh Vũ - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hoàng Hải Tam Quang chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong quá trình xây dựng dự án KN đổi mới sáng tạo và các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Núi Thành.

Việc xây dựng dự án KN, sản phẩm OCOP gặp khó khăn như thiếu trải nghiệm, thiếu kiến thức về phát triển và hoàn thiện sản phẩm; thiếu nguồn vốn để đầu tư…

“Mọi hoạt động cần phải có chi phí để trang trải, đó chính là dòng tiền. Và người KN thường bị thiếu hụt về các chi phí trang trải, đầu tư. Chủ thể khó huy động được các nguồn vốn từ gia đình, bạn bè… nên đã cản trở sự vươn lên của bản thân họ” – ông Vũ chia sẻ.

dsc01155.jpg
Ông Nguyễn Thanh Vũ - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hoàng Hải Tam Quang. Ảnh: PV

Đại diện chủ thể sản phẩm OCOP 3 sao - Rượu Đèo Le (Quế Sơn) cũng cho rằng, còn nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu chưa phát triển như kỳ vọng; nhiều sản phẩm không phát triển được thị trường đầu ra…

Nguyên nhân chính là nội lực của các chủ thể, vốn kiến thức về tài chính, kế toán, chuyên sâu liên quan đến sản xuất còn nhiều hạn chế; chưa giỏi khâu tiếp thụ bán hàng…

Hội Nông dân các cấp cũng như các cơ quan, đoàn thể hỗ trợ, mời những chuyên gia về địa phương hỗ trợ chiến lược, lựa chọn sản phẩm, xây dựng kịch bản triển khai dự án để quá trình KN không bị lạc lối.

dsc01167.jpg
Đại diện chủ thể phát biểu. Ảnh: PV

Một số ý kiến, tham luận khác chia sẻ về kết quả đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; kinh nghiệm tham gia, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, sự kiện kết nối, xúc tiến sản phẩm…

Chủ động, lựa chọn hướng đi phù hợp

Chia sẻ về vấn đề tiếp cận nguồn vốn trong KN, ông Nguyễn Bão Quốc - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn giải pháp và đào tạo BQ cho rằng, nguồn vốn KN hiện nay không chỉ đến từ kênh chính quyền mà còn có nhiều kênh khác, trong đó có những khoản đầu tư không hoàn lãi từ các tổ chức phi chính phủ.

Những tổ chức này thường dành sự quan tâm hỗ trợ cho phụ nữ, nông dân, đối tượng yếu thế… Do đó, người khởi nghiệp, các chủ thể, bên cạnh khâu sản xuất, phát triển sản phẩm cần nắm thông tin để tiếp cận các nguồn vốn khác nhau.

dsc01175.jpg
Ông Nguyễn Bão Quốc - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn giải pháp và đào tạo BQ chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: PV

Ông Quốc cũng cho rằng, các chủ thể không nên chạy theo trào lưu mà hãy chọn con đường riêng để phát triển sản phẩm, cách bán hàng hiệu quả. Việc bán hàng trên sàn thương mại điện từ cần có sự đầu tư để làm đẹp ki-ốt của mình trên sàn; nếu chỉ tạo sản phẩm, ngồi chờ khách hàng thì rất khó...

Ông Nguyễn Út - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, trong thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã tích cực chỉ đạo Hội Nông dân các cấp quyết liệt hưởng ứng công tác CĐS của Chính phủ và tỉnh Quảng Nam.

dsc01150.jpg
Ông Nguyễn Út - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh phát biểu

Hội Nông dân tỉnh đã mở nhiều lớp trang bị kỹ năng, kiến thức về CĐS trong nông nghiệp - nông dân - nông thôn. Từ đầu năm đến nay đã có hơn 500 người được hội tổ chức tập huấn về CĐS trong ngành nông nghiệp; ứng dụng IoT trong sản xuất nông nghiệp, thương mại điện tử…

Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh còn hướng dẫn hơn 30 nghìn người cài đặt, kích hoạt sử dụng nền tảng số "Nông dân Việt Nam"; phối hợp với Bưu điện Quảng Nam rà soát, đưa 3.307 hộ sản xuất nông nghiệp, có 167 sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử...

Ông Nguyễn Út nhấn mạnh, thông qua buổi tọa đàm đã khẳng định, nông dân KN, sáng tạo trong thời kỳ CĐS, những sản phẩm OCOP đã mang lại nhiều lợi ích như tạo ra không gian quảng bá sản phẩm OCOP; kết nối nhu cầu tìm kiếm, mua bán và hợp tác từ đơn vị doanh nghiệp, cơ sở xuất xuất trong và ngoài tỉnh; chia sẻ và khai thác thông tin tạo nên hệ sinh thái giữa các tỉnh, thành, khu vực với hệ sinh thái vùng, quốc gia...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nông dân khởi nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO