Kinh tế vườn, trang trại ở Tiên Phước

DIỄM LỆ 20/01/2022 06:44

Chuyển đổi đất gò đồi sang trồng các loại cây ăn quả đem lại giá trị kinh tế cao hơn được người dân huyện Tiên Phước thực hiện rộng khắp, góp phần phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại theo hướng tập trung, liên vùng.

Chuyển đổi từ đất trồng keo sang trồng cây ăn quả đang được người dân Tiên Phước thực hiện mạnh. Ảnh: D.L
Chuyển đổi từ đất trồng keo sang trồng cây ăn quả đang được người dân Tiên Phước thực hiện mạnh. Ảnh: D.L

Hiệu quả chuyển đổi cây trồng

Trên 3,5ha đất đồi trước đó được trồng keo, ông Nguyễn Tấn Xuân (thôn Hội Lâm, xã Tiên Châu) đã chuyển sang trồng chuối, măng cụt, sầu riêng, bưởi, cam, cùng các loại cây ngắn ngày như nghệ, gừng, sả...

Ông Xuân kể: “Vườn này cải tạo đã hơn 3 năm. Hồi mới có ý định làm, nhìn nó mênh mông cũng nản lắm, mà quyết tâm làm chứ để cây keo giá lúc được lúc mất không ổn định. Ban đầu phải kêu xe múc để đào hết gốc keo lên, cày xới để chăm bón, cải tạo đất rồi mới trồng cây ăn quả được. Cả khu này có 4 hộ đăng ký cải tạo đất đồi trồng keo để chuyển sang trồng cây ăn quả với diện tích 7ha, nay đã làm lên được 9ha”.

Để có được vườn cây, ông Xuân cùng 3 hộ còn lại phải khoan giếng, làm hệ thống tưới nước tiết kiệm. Mỗi héc ta đất, số tiền đầu tư để cải tạo hơn 20 triệu đồng. Từ nguồn hỗ trợ của Đề án 548 về phát triển kinh tế vườn, trang trại của huyện Tiên Phước, ông Xuân đã được hỗ trợ ở nhiều hạng mục cây giống, giếng khoan, hệ thống tưới nước tiết kiệm... nên mạnh dạn thực hiện và đã có hiệu quả bước đầu.

Xung quanh vườn chuối sum xuê của ông Phạm Hồng Sơn (thôn Tiên Tráng, xã Tiên Hà) vẫn còn nhiều vườn keo mới được trồng lại sau cơn bão số 9 năm 2020. Người khác chưa chuyển đổi, nhưng ông Sơn đã mạnh dạn trồng chuối cấy mô, chuối lùn trên diện tích 1,5ha. Nhờ chăm sóc tốt, 1.000 cây chuối ra quả đều, cho thu khoảng 150 triệu đồng. Xen lẫn trong chuối đã tạo bóng mát, ông Sơn trồng mít, măng cụt, cau.

Ông Sơn nói: “Khi cây ăn quả còn nhỏ thì chuối giữ ẩm và tạo bóng mát cho cây sinh trưởng tốt, khi cây lớn lên thì chuối đã cho trái và lụi đi. Chuối đem lại nguồn thu nhập nhanh, nên tôi trồng nó trước rồi mới trồng cây ăn quả.

Đất này trước trồng keo, giờ cải tạo trồng cây ăn quả lại rất phù hợp. Khi đầu tư khoan giếng, làm hệ thống nước tưới tiết kiệm vừa đỡ tốn công vừa đỡ tốn nước vào mùa khô. Tôi nghĩ nếu bà con nơi đây đồng lòng cùng làm thì vùng này sẽ thành vùng cây trái rất đẹp, lại có được cơ chế hỗ trợ và quan trọng là hiệu quả kinh tế cao hơn trồng cây keo”.

Liên kết vùng sản xuất lớn

Theo ông Nguyễn Hùng Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, những năm gần đây, khi Đề án 03 (nay là Đề án 548) hỗ trợ người dân phát triển kinh tế vườn, trang trại thì phong trào cải tạo đất gò đồi đang trồng keo thành đất trồng cây ăn quả được người dân hưởng ứng tích cực.

Nhiều vườn, trang trại đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành động lực để người dân thực hiện rộng khắp. Với từng loại cây, Tiên Phước định hướng quy hoạch thành từng vùng sản xuất. Đến năm 2021, diện tích các loại cây trồng của huyện tăng mạnh. Tổng diện tích cây chuối 1.400ha, tiêu 160ha, măng cụt 272ha, thanh trà 210ha, lòn bon 350ha, cau 640ha, bưởi 124ha...

Liên kết phát triển thành vùng sản xuất lớn nhằm phục vụ cho nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chất lượng là khuyến nghị mà Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đã yêu cầu Tiên Phước tập trung vận động người dân thực hiện trong đợt khảo sát thực tế vào cuối tuần qua.

Không chỉ liên kết người dân thành vùng sản xuất, mà còn phải kêu gọi doanh nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp có tiềm lực kinh tế đầu tư vào những vùng sản xuất mà Tiên Phước đã quy hoạch cũng cần hướng đến.

“Đề án 548 Tiên Phước đang thực hiện thành công và đúng hướng, được người dân hưởng ứng thành phong trào. Quan trọng là phải liên kết sản xuất thành vùng nguyên liệu tập trung, huyện cần mạnh dạn khuyến khích người dân trồng các loại cây ăn quả chất lượng. Khi đã có vùng nguyên liệu thì doanh nghiệp mới vào để đầu tư nhà máy sản xuất, lo đầu ra sản phẩm cho người dân.

Sản lượng hiện nay còn thấp, không đủ để bán lẻ thì chưa tính đến chuyện xuất khẩu ổn định được. Huyện cũng cần phải quảng bá hình ảnh, chất lượng sản phẩm cây ăn quả để khắp nơi biết đến bằng nhiều hình thức, qua nhiều kênh truyền thông khác nhau để xây dựng thương hiệu riêng có của Tiên Phước” - ông Hồ Quang Bửu nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kinh tế vườn, trang trại ở Tiên Phước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO