Phân bón trả chậm, nông dân an tâm bám ruộng sản xuất

HOÀNG ĐẠO - VĂN TÂY 20/06/2022 10:29

(QNO) - Giá phân bón tăng khiến nông dân gặp khó khăn trong vụ gieo sạ hè thu 2022. Trong khi đó, phân bón theo hình thức trả chậm giúp nhiều nông dân an tâm bám ruộng sản xuất. 

Ông Lê Duy Thái cho rằng trồng lúa trong thời điểm này sẽ khó có lời. Ảnh: Đ.T
Ông Lê Duy Thái cho rằng trồng lúa trong thời điểm này sẽ khó có lời. Ảnh: Đ.T

Giá phân bón tăng, sản xuất gặp khó

Ông Lê Duy Thái (khối phố Hương Trà Đông, phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ) cho biết, cả đời làm nông chưa bao giờ khó khăn như lúc này khi giá cả các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều tăng lên. “Giá lúa chừ 6.500 đồng/kg, chúng tôi bán 2kg lúa vẫn chưa mua được 1kg phân bón. Nên dù có được mùa cũng chưa chắc  lời lãi nhiều. Với 4 sào ruộng gieo trồng chỉ biết lấy công làm lời” – ông Thái cho biết.

Cách ruộng của ông Thái không xa, ông Nguyễn Hữu Vàng (khối phố Hương Trà Tây) có 5 sào ruộng, bình quân mỗi vụ sản xuất, ông Vàng bỏ ra 2,5 triệu đồng để mua phân bón cho cây lúa. Nhưng năm nay chi phí trồng trọt tăng lên đáng kể. Trước tình cảnh này, ông Thái không dám thuê thuê nhân công trong việc cày bừa và gieo sạ mà vụ mùa này vợ chồng ông tự làm lấy để tiết giảm các khoản chi phí.

“Các thành viên trong gia đình phải đi làm những công việc khác. Tuy nhiên đến khi gieo sạ hay cày bừa, mọi người tranh thủ làm để bớt đi tiền thuê, lấy công làm lời. Làm ruộng xưa nay vất vả, thu nhập thấp, nay giá phân bón quá cao nông dân chúng tôi dễ bỏ ruộng lắm” – ông Vàng nói. 

Dù được mùa nhưng giá nông sản bấp bênh vẫn là nỗi lo lớn của nông dân trong thời điểm vật giá tăng. Ảnh: Đ.T
Nông dân chật vật sản xuất do giá phân bón tăng. Ảnh: Đ.T

Trong khi đó, tại phường Tân Thạnh (TP.Tam Kỳ), không ít hộ dân quyết định không gieo sạ trong vụ hè thu này. Bà Ngô Thị Hồng Hải đành bỏ ruộng chuyển sang buôn bán khi vụ đông xuân vừa rồi 2 sào lúa và đậu không mang lại lợi nhuận. “Nhận thấy chi phí đầu tư cho mùa vụ tăng cao, cùng với sức khỏe không đủ để chống chọi với cái nắng gắt của mùa hè nên tôi tạm thời bỏ làm nông” – bà Hải nói.

Chia sẻ với nông dân

Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam Nguyễn Văn Thận, năm 2013, Chương trình dịch vụ bán phân bón trả chậm do Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân ra đời. Từ hiệu quả của thí điểm và đồng hành của các đơn vị cung ứng phân bón, trung tâm tiếp tục triển khai mở rộng chương trình ra 130 xã thuộc 12 huyện, thị xã, thành phố tham gia với số lượng trung bình mỗi năm trung tâm cung ứng hơn 4.500 tấn phân bón chuyên dùng các loại.

Theo chương trình, nông dân khi tham gia thì sẽ được nhận trước phân bón vào đầu vụ và sau khi thu hoạch mới thanh toán, thời gian là 145 ngày, kể từ thời gian nhận được phân bón. Đặc biệt trong 2 vụ đông xuân 2021 - 2022 và hè thu 2022 vừa qua, mặc dù giá phân bón ngoài thị trường biến động mỗi ngày nhưng phân bón của Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân cung ứng cho nông dân giá vẫn thấp hơn thị trường, ổn định trong suốt vụ và chất lượng vẫn đảm bảo.

Chương trình Dịch vụ bán phân bón trả chậm của Hội Nông dân tỉnh đang giúp các hội viên vượt qua thời điểm khó khăn về giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng. Ảnh: Đ.T
Chương trình Dịch vụ bán phân bón trả chậm của Hội Nông dân tỉnh đang giúp các hội viên vượt qua thời điểm khó khăn về giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng. Ảnh: Đ.T

Tại huyện Phú Ninh, Hội Nông dân huyện đã tổ chức 4 buổi hội thảo chuyên đề về chương trình phân bón trả chậm, 12 hội nghị tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp và triển khai các dịch vụ hỗ trợ nông dân ở 10 xã, thị trấn với hơn 900 nông dân tham dự.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Ninh Võ Thanh Anh cho biết: “Riêng vụ hè thu này đã cung ứng gần 400 tấn phân bón các loại đảm bảo chất lượng, cây trồng phát triển tốt, giá thành thấp hơn các loại phân bán trên thị trường khoảng 1.500 – 3.000 đồng/kg tùy loại phân bón. Nhờ đó, các hội viên tham gia chương trình đang được hưởng lợi rất nhiều”. 

Cũng theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam Nguyễn Văn Thận, vụ đông xuân 2021 - 2022 đơn vị cung ứng hơn 4.650 tấn, hè thu năm 2022 là 2.350 tấn phân bón các loại theo hình thức trả chậm sau 5 tháng. Chương trình đã giúp hàng ngàn hộ nông dân nghèo thiếu vốn chủ động được nguồn phân bón chất lượng, đầu tư sản xuất hiệu quả hơn.

"Điều quan trọng nhất là giá cả sẽ được giữ đúng như thời điểm mà chúng tôi đàm phán với nhà máy nên dù giá thị trường có tăng thì người nông dân vẫn trả theo giá đàm phán. Trong trường hợp nếu giá phân bón trả chậm cao hơn giá thị trường thì Hội Nông dân tỉnh sẽ đàm phán với các nhà máy sản xuất để chia sẻ khó khăn với hội viên” – ông Nguyễn Văn Thận khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phân bón trả chậm, nông dân an tâm bám ruộng sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO