Thăng Bình, Núi Thành chủ động ứng phó bão Côn Sơn (clip)

HOÀNG ĐẠO - VĂN PHIN 10/09/2021 15:29

(QNO) - Trước diễn biến khó lường của bão Côn Sơn (bão số 5) trên biển Đông, các địa phương Thăng Bình, Núi Thành đang vận động người dân khẩn trương thu hoạch vụ lúa hè thu, kêu gọi tàu thuyền trên biển chủ động tìm nơi ẩn nấp.

Thăng Bình gặt lúa chạy bão

 
 Nông dân Thăng Bình tranh thủ gặt lúa chạy bão. Ảnh: H.Đ

Từ 5 giờ sáng nay 10.9, vợ chồng ông Huỳnh Ngọc Hồng (tổ 2, thị trấn Hà Lam) đã thức dậy tranh thủ ra đồng gặt nốt đám ruộng lúa cuối cùng trước khi bão số 5 sắp vào đất liền. Trước đó, ông Hồng gọi máy gặt đập liên hợp nhưng do nhu cầu cao và trời mưa nên suốt nhiều ngày liền vẫn không đến lượt.

“Đúng ra thì còn khoảng 2 ngày nữa mới gặt nhưng nếu không gặt sớm, bão đến thì chắc chắn đám ruộng 400m2 này bỏ luôn, mất hơn 300kg lúa” - ông Hồng nói. Để chắc chắn thì nhiều nông dân như ông Hồng chọn phương án “xanh nhà hơn già đồng”. Theo ông Hồng, gặt sớm mà trời không nắng thì họ sẽ trải lúa trong nhà, chong đèn điện và bật quạt để hong khô.

Clip nông dân Thăng Bình gặt lúa chạy bão:

Vụ hè thu 2021, huyện Thăng Bình gieo sạ hơn 7.380ha lúa và đã thu hoạch được hơn 6.000ha. Từ ngày 9.10, UBND huyện chỉ đạo ngành nông nghiệp, các xã đang vận động người dân nhanh chóng thu hoạch khoảng 1.300ha lúa còn lại ở các xã Bình Giang, Bình Định Bắc, Bình Tú... Hiện nay, do có mưa nên không thể dùng máy gặt đập liên hợp, phần lớn nông dân phải gặt tay.

Ông Đoàn Thanh Khiết - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho biết các địa phương đã đề nghị nông dân gặt sớm để chạy bão. Nếu dân cần thì huyện sẽ chỉ đạo đưa lực lượng công an, quân sự, thanh niên xung kích để hỗ trợ thu hoạch, tránh thiệt hại mùa màng của nông dân.

Núi Thành chủ động ứng phó

Là địa phương có số lượng tàu thuyền đánh bắt hải sản xa bờ nhiều nhất tỉnh, trước diễn biến phức tạp của bão số 5 và mưa lớn, huyện Núi Thành triển khai nhiều biện pháp cấp bách để phòng tránh.

Tàu cá cập bến Tam Quang tránh bão chiều 10.9. Ảnh: VĂN PHIN
Tàu cá cập bến Tam Quang tránh bão chiều 10.9. Ảnh: VĂN PHIN

Ông Phạm Văn Châu - Chủ tịch UBND xã Tam Giang cho biết, địa phương hiện có 25 tàu thuyền câu mực khơi đang đánh bắt vùng biển xa bờ đã và đang tìm nơi trú ẩn. Xã đã thông báo cho tàu thuyền đến nơi ẩn nấp an toàn, đồng thời cấm biển, kêu gọi tàu thuyền đánh bắt vùng lộng khẩn trương vào bờ tránh bão.

Hiện tại, huyện Núi Thành có 237 tàu thuyền với 2.962 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó, vùng khơi có 141 tàu với 2.211 lao động; vùng ven bờ có 96 tàu thuyền với 850 lao động. UBND huyện Núi Thành đã phát công văn khẩn chỉ đạo các địa phương chủ động áp dụng các biện pháp ứng phó với diễn biến của bão và mưa lớn.

Chủ động phòng chống, Núi Thành chỉ đạo 17 xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn rà soát phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro trong bối cảnh dịch Covid-19. Đặc biệt là phương án sơ tán dân đảm bảo an toàn trong trường hợp xảy ra bão mạnh, mưa lũ lớn, sạt lở đất; đảm bảo phòng chống dịch và an toàn cho các địa điểm sơ tán; đảm bảo an toàn về người, phương tiện cũng như có kế hoạch sản xuất phù hợp.

Các địa phương tiếp tục kiểm đếm tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với thuyền trưởng, chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Thông báo đến các chủ phương tiện tham gia khai thác hải sản tại địa phương di chuyển tàu thuyền tránh trú bão ở các địa phương khác, hạn chế vào tránh trú bão tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang trong thời gian hiện nay do dịch Covid-19 tại Đà Nẵng còn phức tạp. Trường hợp bất khả kháng, chủ tàu vào âu thuyền và cảng cá Thọ Quang phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo quy định của UBND TP.Đà Nẵng.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành Ngô Đức An, huyện đã chỉ đạo các địa phương tập trung thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa vụ hè thu còn lại với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Đối với cây bắp và các cây trồng cạn khác đang đến kỳ thu hoạch cần khẩn trương thu hoạch và sơ chế, bảo quản để tránh hư hỏng. Tìm cách chống đổ ngã, ngập úng cho cây ăn quả, cây dài ngày và bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi hiệu quả. Thông báo cho người nuôi trồng thủy sản biết thông tin của bão để chủ động gia cố bờ bao ao nuôi, để nước trong ao nuôi ở mức thấp nhằm đề phòng mưa lớn kèm sóng lớn gây ngập ao nuôi gây thất thoát...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thăng Bình, Núi Thành chủ động ứng phó bão Côn Sơn (clip)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO