Trong 5 năm qua, huyện Nông Sơn tích cực hỗ trợ nhiều mặt cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ cá thể đầu tư phát triển mạnh sản phẩm OCOP với đa dạng chủng loại. Việc tham gia chương trình OCOP giúp các chủ thể nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm, kết nối và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Bà Đoàn Thị Thương ở xã Phước Ninh (Nông Sơn) cho hay, sau khi sản xuất khảo nghiệm khá thành công, năm 2020 gia đình bà đăng ký tham gia chương trình OCOP với sản phẩm bột ngũ cốc “Hạt Thương”. Trong quá trình thực hiện chương trình, cơ sở của bà nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ chính quyền xã Phước Ninh và các ngành liên quan của huyện Nông Sơn.
“Ngoài việc được tham gia các khóa tập huấn hướng dẫn chu trình OCOP, năm 2020 tôi còn được huyện xét hỗ trợ gần 145 triệu đồng để có điều kiện đầu tư mua sắm các loại máy móc, trang thiết bị và xây dựng thương hiệu, thiết lập bao bì - nhãn mác hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc, kiểm định chất lượng sản phẩm… Cuối năm 2020 bột ngũ cốc “Hạt Thương” của cơ sở tôi được UBND tỉnh xét công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao” - bà Thương chia sẻ.
Sau thành công ban đầu, hơn 3 năm qua cơ sở của bà Thương tiếp tục phát triển thêm 2 sản phẩm mới là trà đậu và bột hạt sen nguyên chất. Vừa qua, hội đồng thẩm định của huyện Nông Sơn đã tiến hành xét công nhận sản phẩm trà đậu của bà Thương đạt chuẩn OCOP 3 sao. Bà Thương cho biết thêm, thời gian qua nhờ đẩy mạnh công tác quảng bá, việc kết nối đối tác và mở rộng thị trưởng tiêu thụ sản phẩm ngày càng thuận lợi.
“Bình quân mỗi tháng cơ sở đưa ra thị trường tiêu thụ ít nhất 200kg bột ngũ cốc, trà đậu, bột hạt sen nguyên chất và tổng doanh thu đạt 21 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi tháng cơ sở của tôi có mức lãi ròng 10 - 12 triệu đồng” - bà Thương nói.
Ông Nguyễn Văn Lanh - Trưởng phòng NN&PTNT Nông Sơn cho hay, trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng 5 năm qua huyện vẫn tích cực hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP.
Ngoài việc thường xuyên mở các khóa tập huấn về những nội dung liên quan đến chương trình OCOP, bình quân hằng năm huyện hỗ trợ từ 500 – 800 triệu đồng cho các chủ thể để có điều kiện đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng; mua sắm các loại máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất; xây dựng thương hiệu, thiết lập nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm và nhiều phần việc khác…
Ông Lanh cho biết, tính đến cuối tháng 9/2023, trên địa bàn Nông Sơn có tổng cộng 19 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó 18 sản phẩm hạng 3 sao và 1 sản phẩm hạng 4 sao. Theo kế hoạch đặt ra, trong 2 năm 2024 – 2025, bình quân mỗi năm huyện Nông Sơn sẽ hỗ trợ khoảng 700 triệu đồng cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ cá thể phát triển mới 5 sản phẩm OCOP.