Với nhiều cố gắng, năm 2019 các sản phẩm OCOP (Chương trình “mỗi xã một sản phẩm”) của huyện Núi Thành phát triển hoàn thiện hơn. Địa phương đang tập trung hỗ trợ, hướng dẫn chủ thể xây dựng, phát triển sản phẩm tham gia dự thi thời gian đến…
Năm 2019, cùng với việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình OCOP, huyện Núi Thành kiện toàn bộ máy tổ chức thực hiện chương trình, thành lập tổ giúp việc phân công cán bộ theo dõi Chương trình OCOP tại huyện, đồng thời UBND các xã phân công 16 cán bộ/16 xã theo dõi Chương trình OCOP trên địa bàn. Công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn Chương trình OCOP được các địa phương, đơn vị tiến hành thường xuyên, liên tục. Tổ giúp việc Chương trình OCOP huyện phối hợp với Trung tâm VH-TT và truyền thanh - truyền hình, tăng cường tuyên truyền, đồng thời phát tờ rơi, sổ tay, mở 3 đợt tập huấn hướng dẫn, tuyên truyền thực hiện Chương trình OCOP; trợ giúp xây dựng phương án kinh doanh/dự án sản xuất - kinh doạnh, phát triển sản phẩm cho các chủ thể đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành đã phổ biến nội dung về những vấn đề rút ra sau 1 năm triển khai Chương trình OCOP tại tỉnh Quảng Nam đến lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và các xã thông qua hệ thống Q-ofice của UBND huyện.
Ông Nguyễn Ngọc Linh - Phó Trưởng phòng NN&PTNT kiêm Tổ trưởng tổ giúp việc Chương trình OCOP huyện Núi Thành cho biết, ngay sau khi tổ chức hội nghị sơ kết Chương trình OCOP năm 2018, huyện đã tiếp nhận và hướng dẫn các chủ thể sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2019, kết quả đạt 5 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2019 được tỉnh thống nhất thực hiện là dầu mè đen Việt, nếp bầu Tam Mỹ, nấm linh chi Hoàng Hải, rau câu chỉ vàng Tam Hòa, rau xà lách Dream Garden. “Huyện đã hỗ trợ việc thực hiện lập hồ sơ sản phẩm tham gia dự thi phân hạng sản phẩm OCOP, hướng dẫn xây dựng, triển khai phương án kinh doanh/dự án sản xuất - kinh doanh và hỗ trợ kinh phí cho chủ thể 5 sản phẩm OCOP để tiếp tục xây dựng, phát triển, hoàn thiện sản phẩm đảm bảo tham gia dự thi theo quy định” - ông Linh nói.
Hỗ trợ và phát triển sản phẩm
Đến nay, huyện Núi Thành đã phân bổ kinh phí hỗ trợ tổng cộng 600 triệu đồng cho Chương trình OCOP, trong đó hỗ trợ cho các chủ thể sản phẩm OCOP là 460 triệu đồng, gồm: Cơ sở sản xuất dầu mè đen Việt (xã Tam Hiệp): 178 triệu đồng; Hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ - du lịch Tam Mỹ Tây (sản phẩm nếp bầu Tam Mỹ): 52 triệu đồng; Hợp tác xã nông nghiệp Hoàng Hải, xã Tam Quang (sản phẩm nấm linh Hoàng Hải): 90 triệu đồng; Hợp tác xã sản xuất rau an toàn công nghệ cao Dream Garden, xã Tam Nghĩa (sản phẩm rau xà lách): 90 triệu đồng; Hợp tác xã nông nghiệp Tam Hòa (sản phẩm rau câu chỉ vàng): 50 triệu đồng. Ngoài ra, từ kinh phí sự nghiệp ngân sách trung ương, huyện Núi Thành đã phân bổ cho 15 xã với kinh phí 275 triệu đồng/xã để các địa phương hỗ trợ thực hiện dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, trong đó có 3 chủ thể được hỗ trợ kinh phí để xây dựng và phát triển sản phẩm gồm: Hợp tác xã Nông nghiệp - dịch vụ - du lịch Tam Mỹ Tây (sản phẩm nếp bầu Tam Mỹ), Hợp tác xã Nông nghiệp Hoàng Hải (sản phẩm nấm linh chi Hoàng Hải), Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hòa (sản phẩm rau câu chỉ vàng). Nguồn kinh phí sự nghiệp ngân sách tỉnh cũng được giao cho Phòng NN&PTNT chủ trì thực hiện dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành chia sẻ, các tổ chức, cá nhân khi xây dựng và phát triển sản phẩm nông nghiệp đã đặt mục tiêu định hướng xây dựng sản phẩm theo các quy định của bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện xây dựng, phát triển và hoàn thiện các sản phẩm của các chủ thể còn chậm. Trong số 5 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2019, đến nay vẫn chưa có chủ thể sản phẩm nào hoàn thành lập bộ hồ sơ tham gia dư thi. Trong những tháng cuối năm 2019, huyện Núi Thành tập trung hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể xây dựng phát triển sản phẩm, xây dựng bộ hồ sơ tham gia dự thi; hoàn thành quyết định phê duyệt các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm đối với 3 sản phẩm: nếp bầu Tam Mỹ, nấm linh chi Hoàng Hải và rau câu chỉ vàng Tam Hòa. Đồng thời tổ chức thi đánh giá đối với 5 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP tại huyện để đảm bảo hồ sơ tham gia dự thi cấp tỉnh.