Đó là một trong những mục tiêu của kế hoạch triển khai thực hiện Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2023 - 2028 trên địa bàn Quảng Nam vừa được UBND tỉnh ban hành.
Kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2028 tất cả cơ quan hành chính cấp tỉnh thực hiện cơ chế phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí về công tác quyền con người theo quy định; 70% cán bộ chủ chốt của các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh được cập nhật thông tin tình hình công tác quyền con người và tập huấn kiến thức, kỹ năng truyền thông về quyền con người.
Đến năm 2028, phấn đấu các sản phẩm truyền thông bằng tiếng dân tộc, tiếng nước ngoài và truyền thông trên nền tảng số chiếm 15 - 20% tổng số sản phẩm truyền thông về quyền con người; 100% nguồn dữ liệu và sản phẩm truyền thông về quyền con người được kết nối và phổ biến trên không gian mạng để lan tỏa thông tin tích cực, nhân văn; phát hiện, xử lý 90% tin giả, tin xấu độc xâm hại quyền con người trên không gian mạng.
Giai đoạn 2023 - 2028, Quảng Nam tập trung tuyên truyền luật pháp quốc tế về quyền con người; chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về quyền con người cùng những nỗ lực, thành tựu của Đảng, Nhà nước và của tỉnh trong việc bảo đảm quyền con người trên mọi lĩnh vực; thông tin, phản ánh về các vụ việc, các đối tượng trong nước và nước ngoài, các hành vi lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, quyền con người để vi phạm pháp luật...
Nhiệm vụ của UBND tỉnh và cơ quan, tổ chức, sở ban ngành trong giai đoạn này là tuyên truyền, phổ biến Quyết định số 1079 ngày 14/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng truyền thông về quyền con người cho các lực lượng truyền thông; sản xuất, đăng phát các sản phẩm truyền thông về quyền con người; hợp tác quốc tế, thông tin đối ngoại về quyền con người; thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới trong các hoạt động truyền thông về quyền con người; tổ chức và tham gia các giải thưởng truyền thông về quyền con người...