Nông nghiệp - Nông thôn

Phát triển kinh tế vườn - kinh tế trạng trại ở miền núi Tam Thạnh

TRÚC VĂN 07/08/2024 17:15

(QNO) - Những năm gần đây, kinh tế vườn - kinh tế trang trại ở xã miền núi Tam Thạnh (Núi Thành) phát triển khá mạnh với nhiều mô hình nông nghiệp đem lại giá trị kinh tế khá cao.

Tại thôn Trung Hòa (xã Tam Thạnh), năm 2020, ông Phạm Thanh Phùng đầu tư gần 1 tỷ đồng san ủi mặt bằng, xây dựng trang trại nuôi gà và trồng cây cau cùng một số cây ăn quả khác. Khu chuồng trại nuôi gà có diện tích 840m2 được chia thành nhiều ô, có hệ thống điện chiếu sáng phù hợp và được thả nuôi 9.000 con gà thịt mỗi lứa.

Anh Phung gà
Trại gà ông Phùng. Ảnh: TV

Ông Phùng chia sẻ, nuôi gà trên vùng đất đồi xa khu dân cư, nhưng ông luôn chú trọng đến khâu giữ gìn vệ sinh chuồng trại, thường xuyên phòng chống dịch bệnh và cho đàn gà ăn uống đầy đủ, giữ độ ánh sáng phù hợp. Nhờ vậy, đàn gà thịt phát triển tốt và tiêu thụ nhanh, đem lại thu nhập khá.

Mỗi năm, ông Phùng nuôi từ 2 đến 5 lứa gà thịt, mỗi lứa 9.000 con. Nuôi trong vòng 4 tháng, gà thịt có trọng lượng từ 2 đến 2,5kg/con, xuất bán ra thị trường, trừ chi phí, mỗi con gà, ông có lãi 15 nghìn đồng. Như vậy, một lứa gà xuất bán, ông thu lãi khoảng 135 triệu đồng.

Cạnh đó, ông Phùng còn trồng 3.000 cây cau trên khu đất đồi. Sau 6 năm trồng, ông đã hái được 1 tấn cau tươi, bán thu được hơn 10 triệu đồng.

Vuon cay Tam Thanh 1
Vườn chuối của ông Ái. Ảnh: TV

Cùng với ông Phùng, ông Võ Ngọc Ái ở thôn Trung Hòa (xã Tam Thạnh) đầu tư san ủi 1,8ha đất đồi trồng 10.000 cây dứa (thơm), 200 cây chuối lùn và 1.700 cây cau. Đến nay, cây dứa được hơn năm tuổi đang phát triển tốt và đã cho thu hoạch. Hơn 200 cây chuối lùn qua một năm trồng đã cho thu hoạch và ông Ái chuẩn bị trồng thêm 300 gốc chuối lùn trong thời gian tới. Mô hình này được địa phương đánh giá khá cao về sự đầu tư quy mô và bài bản.

Tam Thạnh là xã miền núi của huyện Núi Thành có diện tích tự nhiên 5.345ha, 1.274 hộ dân, 4228 nhân khẩu sinh sống. Ông Nguyễn Thành Lưu - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thạnh cho biết, thực hiện Nghị quyết 35/2021 của HĐND tỉnh, những năm gần đây, UBND xã phối hợp với với Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành triển khai tuyên truyền và vận động nhân dân đổi mới mô hình kinh tế vườn, kinh tế trang trại.

Năm 2022, Tam Thạnh triển khai xây dựng được 10 mô hình kinh tế vườn, 1 mô hình kinh tế trang trại. Năm 2023, 2024 đã có hơn 20 hộ đăng ký tham gia xây dựng mô hình kinh tế vườn, kinh tế trang trại. Qua phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, bộ mặt nông thôn ở miền núi Tam Thạnh khởi sắc; thu nhập của cư dân tăng hơn trước. Các chủ vườn, chủ trang trại từng bước đổi mới tư duy, phương thức làm ăn, nắm bắt được kỹ thuật để phát triển các mô hình tại địa phương.

Chuoi tam Sơn
Vườn cây ở Tam Thạnh. Ảnh: TV

Theo kỹ sư Lương Văn Lợi - chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành, địa phương đã triển khai Đề án số 382/2022 của UBND huyện về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại trên địa bàn huyện Núi Thành giai đoạn 2022 - 2025 nhằm hỗ trợ kinh phí cho hộ dân trên địa bàn huyện nói chung và xã Tam Thạnh nói riêng để phát triển kinh tế vườn - kinh tế trang trại.

Riêng năm 2023, tổng kinh phí thực hiện Đề án phát triển kinh tế vườn - kinh tế trang trại trên địa bàn huyện hơn 6,8 tỷ đồng, trong đó, kinh phí đối ứng của các chủ vườn, chủ trang trại: 2,6 tỷ đồng, UBND huyện hỗ trợ từ đề án: 4,2 tỷ đồng (năm 2023: 3,9 tỷ đồng, năm 2024: 299,3 triệu đồng).

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển kinh tế vườn - kinh tế trạng trại ở miền núi Tam Thạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO