Quy hoạch - Đầu tư

Phố trong tiềm thức

QUỐC TUẤN 05/05/2024 09:15

Nhiều đô thị mang trong mình cả dặm dài phát triển của xứ sở, cẩn trọng trong việc sắp xếp, thay đổi tên gọi, ranh giới chính là để bảo toàn giá trị chiều sâu của phố.

dji_0926.jpeg
Một góc thị trấn Trung Phước (Nông Sơn) trải dọc theo sông Thu Bồn. Ảnh: Q.T

Phố trong tâm thức thị dân

Một sáng cuối tuần, người bạn ở miền Nam đã lâu mới về quê hồ hởi hẹn ghé thị trấn cà phê. Khi tôi hỏi rằng thị trấn nào, bạn bất chợt khựng lại, có lẽ là do bất ngờ rồi nói chắc nịch: “Thì là Vĩnh Điện chứ thị trấn nào nữa”.

Sắp tròn 10 năm Vĩnh Điện chuyển đơn vị hành chính từ thị trấn sang phường, nhưng có lẽ trong tiềm thức cư dân nơi này vẫn in sâu tên gọi thân thương thị trấn. Bởi thời chưa xa, chỉ có nơi đây là phố, khu vực lân cận đều là làng quê. Ghé thị trấn mỗi khi có dịp đều mặc định là lên phố.

Điều này cũng tựa như cách nhiều người lớn tuổi ở Hội An vẫn quen gọi thành phố mình sinh sống là thị xã. Bởi quy mô đô thị này khá nhỏ và có nhịp sống chậm rãi, thanh bình. Thậm chí có những du khách quốc tế vẫn hay gọi tên nơi này là thị trấn bởi trong mắt họ phố xá Hội An đẹp và nhỏ nhắn.

Ông Trần Ánh – Bí thư Thành ủy Hội An nói: “Đô thị Hội An đã hình thành từ đầu thế kỷ 17, đội ngũ thị dân cũng theo đó mà hình thành từ hơn 400 năm nay. Tốc độ phát triển Hội An khá đặc thù, khá chậm, chủ yếu phát huy bản sắc của nó là chính chứ khó phát triển theo chuẩn chung.

Đô thị loại II trên cả nước hiện quá nhiều, nên Hội An không nhất thiết phải phấn đấu bằng mọi giá để đạt đô thị loại II mà quan trọng nhất là phải bảo tồn cho được bản sắc đô thị di sản văn hóa, di sản sống này”.

Còn nhớ chuyện bảo vệ phương án đặt tên thị trấn Trung Phước khi tiến hành nâng cấp đô thị cho xã Quế Trung, UBND tỉnh cho rằng địa danh “Trung Phước” đã có tên trong lịch sử từ lâu đời (từ thời phong kiến dưới triều Tây Sơn) và đi vào tiềm thức mỗi người dân trong vùng và nhân dân khắp mọi miền đều biết đến.

Trong ký ức của người dân xứ sở đầu nguồn sông mẹ Thu Bồn, Trung Phước từ bao đời đã sầm uất như phố - là “phố” nằm trong thung lũng với bốn bề núi non bao bọc, cư dân quần tụ quanh ngôi chợ có tuổi đời tính bằng trăm năm.

Từ trước khi thị trấn Trung Phước chính thức thành lập (năm 2023), cư dân ở miền trung du này vẫn mặc định trong tâm thức Trung Phước là bóng phố của Nông Sơn.

Do đó, dù sau khi chuyển mình lên phố phải “thay tên đổi họ” từ xã Quế Trung sang thị trấn Trung Phước nhưng đã được người dân thị trấn vẫn đồng tình cao, vì từ đây danh xưng Trung Phước vẫn sẽ tiếp bước cùng sự phát triển của xứ sở.

Cân nhắc trong sắp xếp phố thị

Theo xu thế, tới đây một số phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh sẽ phải sáp nhập. Dù vậy, cũng có những đơn vị hành chính đặc thù và đã được cơ quan chức năng cân nhắc giữ nguyên dù nằm trong diện xem xét. Rõ nét nhất là 2 phường Minh An và Sơn Phong của TP.Hội An.

dji_0434.jpeg
Phường Minh An và phường Sơn Phong (TP.Hội An) chứa đựng nhiều giá trị văn hóa - lịch sử độc đáo được bồi đắp qua hàng thế kỷ. Ảnh: Q.T

Xuất phát từ một số nguyên nhân trong lịch sử, một bộ phận người Hoa đã di cư đến Hội An để cư trú, làm ăn, định cư và thành lập nên tổ chức cộng đồng với tên gọi là làng Minh Hương.

Khoảng giữa thế kỷ 17, xã Minh Hương (phường Minh An ngày nay) được thành lập. Trải qua quá trình phát triển, cùng với quá trình định cư, người dân Minh Hương đã xây dựng nên các nhiều công trình kiến trúc phục vụ cho sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của mình.

Tại phường Minh An hiện tọa lạc Di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận vào năm 1999. Khu phố cổ có diện tích khoảng 5km2 và phần lớn các di tích nổi tiếng đều nằm trên địa bàn phường Minh An. Thêm nữa hiện có khoảng 1.300 người Việt gốc Hoa sinh sống ở đây.

Trong khi đó, phường Sơn Phong lại có một phần diện tích của khu phố cổ cùng nhiều di tích cổ; có Nhà lao Hội An; có chợ trung tâm hình thành từ lâu với hoạt động buôn bán sầm uất. Cả 2 phường đều có địa giới đơn vị hành chính ổn định. Từ năm 1945 đến nay chưa có thay đổi và điều chỉnh lần nào.

Chiếu theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có đề cập, việc đơn vị hành chính có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán riêng biệt mà nếu sắp xếp với đơn vị hành chính liền kề khác sẽ dẫn đến mất ổn định về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì thuộc trường hợp không bắt buộc phải sắp xếp.

Không chỉ làng xã mới sở hữu kho tàng giá trị đặc sắc, nhiều góc phố cũng chứa đựng bao trầm tích qua thăng trầm của xứ sở. Do đó rất cần cân nhắc, đánh giá toàn diện trước khi sắp xếp lại những đô thị như vậy để tránh “lợi bất cập hại”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phố trong tiềm thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO