Chủ động gắn phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với các phong trào thi đua, cuộc vận động; tận dụng không gian mạng và đổi mới phương thức, nội dung tuyên truyền... là những nét mới trong công tác triển khai chương trình phối hợp giữa lực lượng công an với MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên thời gian qua.
Thu hút đông đảo nhân dân
Với cách làm đơn giản nhưng sức lan tỏa lớn, mô hình “Tiếng loa an ninh” được lực lượng công an cơ sở phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, phường tại TP.Tam Kỳ duy trì liên tục nhiều năm qua.
Công an các xã, phường căn cứ tình hình an ninh trật tự (ANTT) ở địa bàn, chủ động soạn thảo, thu âm các bản tin tuyên truyền ngắn gọn về an ninh, sử dụng loa phóng thanh để phát lưu động trên địa bàn vào ban đêm với tần suất phù hợp. Nhiều phường, xã xây dựng chuyên mục phát thanh an ninh trên hệ thống đài truyền thanh xã phường.
Công an thành phố thường xuyên cập nhật, xây dựng hàng chục bản tin thu âm có nội dung về tình hình tội phạm và kỹ năng phòng ngừa tội phạm nổi cộm của địa bàn như lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, đột nhập cơ quan, nơi ở trộm cắp, lừa đảo tín dụng... Ngoài ra, các nội dung tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy, an toàn giao thông cũng được cập nhật thường xuyên.
Tam Kỳ là một trong các địa phương có sự phối hợp, đồng hành hiệu quả giữa lực lượng công an với Ủy ban MTTQ Việt Nam và các hội, đoàn thể nhằm lan tỏa phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ).
Địa phương này trở thành “điểm sáng” trong triển khai Chương trình phối hợp số 07 ngày 17/10/2023 giữa Bộ Công an với Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên về đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới giai đoạn 2023 - 2033 trên địa bàn tỉnh.
Đại tá Nguyễn Thành Long - Phó Giám đốc Công an Quảng Nam cho hay, toàn tỉnh có 55 loại với 910 điểm mô hình. Không chỉ riêng Tam Kỳ, nhiều mô hình đang phát huy hiệu quả và trở thành điểm sáng trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở cơ sở.
Điển hình: Đội dân phòng bảo vệ ANTT và tổ tự quản khu nhà trọ công nhân ở Điện Bàn, Quế Sơn; camera giám sát an ninh tại Hội An, Tam Kỳ, Tiên Phước; Zalo an ninh, Facebook phòng, chống tội phạm; dòng tộc tự quản về ANTT... Đặc biệt, mô hình “Dòng họ Bríu tự quản về ANTT” xã Sông Kôn, Đông Giang được Bộ Công an ghi nhận là mô hình điển hình và thông báo toàn quốc năm 2024.
“Từ cơ sở, nhiều cách làm mới, sáng tạo được triển khai. Lực lượng công an phối hợp với MTTQ và các tổ chức thành viên tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục duy trì, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến đã và đang phát huy hiệu quả; tiếp tục phát triển các mô hình “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải về ANTT” tại cơ sở” - Đại tá Nguyễn Thành Long thông tin.
Người dân là “chiến sĩ” giữ an ninh
Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 138 tỉnh Lê Văn Dũng cho hay, Chương trình phối hợp số 07 ngày 17/10/2023 giữa Bộ Công an với Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên về đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới giai đoạn 2023 - 2033 trên địa bàn tỉnh ngày càng được đổi mới theo hướng sát thực tiễn, chất lượng hoạt động của các mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ về ANTT được nâng lên.
Công tác giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ các đối tượng tại cộng đồng dân cư đạt kết quả tốt. Nhiều cách làm hay của MTTQ, hội LHPN, đoàn thanh niên, hội nông dân, hội cựu chiến binh, liên đoàn lao động ở cấp cơ sở đã góp phần thiết thực vào công tác bảo vệ ANTT trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng cho biết, nhận thức rõ nhân dân là nhân tố then chốt, lực lượng công an, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên tăng cường công tác tuyên truyền, xây dựng được ý thức người dân với phương châm mỗi người dân là một “chiến sĩ” trong phong trào.
“Cái được lớn nhất là chính quyền các cấp đã nhận thức đầy đủ, triển khai chỉ đạo thực hiện sâu rộng, sát thực tế các nội dung trong quy chế phối hợp. Hiệu quả quan trọng nhất là xây dựng được ý thức người dân rất tốt.
Thế trận lòng dân vững ngay từ khu dân cư. Người dân thường xuyên cung cấp tin báo tố giác tội phạm cho lực lượng công an, nhất là công an cấp xã. Qua đó góp phần kiềm chế các loại tội phạm, giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nhấn mạnh.
Tại cuộc làm việc mới đây với Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, Thứ trưởng Bộ TT-TT Bùi Hoàng Phương đánh giá rất cao những kết quả đạt được của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Quảng Nam trong triển khai chương trình phối hợp của Bộ Công an và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên.
“Các thành viên Ban Chỉ đạo 138 tỉnh tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân vững mạnh hơn, trong đó lực lượng công an vẫn giữ vai trò nòng cốt trong tham mưu. Phối hợp phải đồng bộ từ công tác nắm địa bàn, tình hình từ cơ sở để kịp thời tham mưu, đề xuất giải quyết những vấn đề phát sinh.
Ngoài ra, vai trò của người có uy tín cần được nhân lên; thường xuyên đổi mới nội dung, biện pháp thực hiện. Đổi mới phải phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn, góp phần đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới. Những nơi nào làm hay, làm hiệu quả được sơ kết, tổng kết để biểu dương, từ đó đánh giá phân loại và nhân rộng” - Thứ trưởng Bộ TT-TT Bùi Hoàng Phương đề nghị.