Không chỉ bằng kết nối và giao thương trực tiếp trên thị trường, lựa chọn quảng bá sản phẩm thông qua các công nghệ mới nhất cũng như tăng tính tương tác trên các sàn thương mại điện tử là điều cần phải được quan tâm hơn.
Nền tảng truy xuất hàng hóa
Ông Lê Bá Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho rằng, môi trường kinh doanh ngày càng yêu cầu cao về sự minh bạch, việc xúc tiến thương mại cần ứng dụng những công nghệ mới nhất.
“Chính vì vậy, dù sẽ rất khó khăn, nhưng chúng tôi bắt đầu xây dựng nền tảng truy xuất hàng hóa áp dụng chuỗi khối (blockchain) và sàn/ứng dụng thương mại điện tử sử dụng công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR) kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI). Trước hết với các nhóm mặt hàng gồm thủ công mỹ nghệ, hoa quả, cà phê, tiêu, trước khi tiếp tục tìm kiếm nguồn lực để thực hiện cho 13 mặt hàng nông nghiệp chủ lực và toàn bộ các sản phẩm OCOP quốc gia” - ông Ngọc chia sẻ.
Việc hỗ trợ truy xuất nguồn gốc hàng hóa, đặc biệt với các sản phẩm xuất khẩu đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Dự kiến vào cuối tháng 5, Hiệp hội với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc, Quỹ châu Á sẽ tổ chức các hội thảo liên quan nhằm hỗ trợ cho các đối tác, doanh nghiệp đang vận hành ở các lĩnh vực này.
Chỉ riêng với chương trình OCOP, việc thực hiện gắn tem truy xuất nguồn gốc hàng hóa được các chủ thể tại Quảng Nam thực hiện khá kỹ lưỡng. Ông Mai Đình Lợi - Chi cục trưởng Chi cục NN&PTNT cho biết, gắn tem truy xuất nguồn gốc vừa tạo điều kiện để chủ thể OCOP nâng tầm tính chuyên nghiệp cho sản phẩm của mình, vừa để tạo lòng tin cho người tiêu dùng. Hiện tại, Quảng Nam có hơn 110 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 sao trở lên và đã thực hiện việc gắn tem truy xuất nguồn gốc dành riêng cho sản phẩm OCOP. Từ tem truy xuất này, thông tin về nhà sản xuất, nguồn gốc, chủng loại, truy ngược dòng từ thành phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn được minh bạch, rõ ràng.
Ông Huỳnh Đức Tường - Giám đốc Công ty TNHH Trang trại Toàn Cầu (Global Farm Co.LTD) với sản phẩm rau sạch được xếp hạng 3 sao cho biết, dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm là điều ông mong muốn bấy lâu. Vì hẳn, khi sản phẩm có tem thì cũng chính là định danh cho sản phẩm đó. Nếu sản xuất sạch, nguồn gốc đảm bảo thì tem truy xuất chính là chứng thư cho sản phẩm của mình.
Còn theo ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn, địa phương đã tổ chức nhiều buổi tập huấn nhằm tuyên truyền cho người sản xuất biết về việc áp dụng công nghệ mã QRCODE qua các thiết bị thông minh, cũng như cho người dân biết cách thức quét tra thông tin để biết được chất lượng và nguồn gốc sản phẩm.
Ứng dụng công nghệ quảng bá
Các sàn thương mại điện tử hiện nay như Lazada, Tiki, Shopee… đã tập trung tối ưu giao diện người dùng, cung cấp các tính năng tiện ích như chat “nóng” với người bán, giới thiệu bạn bè về sản phẩm… Những công nghệ mới theo xu hướng mua sắm hiện đại như tìm kiếm bằng hình ảnh sản phẩm đang trong quá trình thử nghiệm. Đây cũng là cơ hội cho các sản phẩm OCOP Quảng Nam khi có thể trực tiếp giới thiệu sâu hơn về sản phẩm của mình, từ hình ảnh nhãn mác đến câu chuyện kể sau mỗi sản phẩm.
Chị Võ Thị Minh Nga - chủ thể OCOP của sản phẩm tinh bột nghệ thô nguyên chất Phương Nga (Hiệp Đức) cho biết, sản phẩm của doanh nghiệp lâu nay chủ yếu bán qua các kênh online, thị trường là các thành phố lớn từ TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, cho nên khâu quảng bá cũng như ứng dụng công nghệ để đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng cực kỳ quan trọng.
Chia sẻ việc ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 trong câu chuyện phát triển sản phẩm OCOP tương lai, Giáo sư Trần Văn Ơn cho rằng, khi áp dụng các thành tựu công nghệ 4.0, chi phí giao thông vận tải và thông tin liên lạc sẽ giảm xuống, vấn đề hậu cần và các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ trở nên đơn giản, hiệu quả hơn, khiến các chi phí thương mại sẽ giảm xuống, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các sản phẩm chủ lực của địa phương được dựa trên nền tảng công nghệ số, tích hợp các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình sản xuất, quy trình kinh doanh, quy trình nghiệp vụ, phương thức sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. Từ đây, các mô hình kinh doanh mới ra đời, cải thiện hiệu quả và tạo ra các loại hình doanh thu mới…
Ứng dụng công nghệ trong sản xuất các sản phẩm chất lượng đã được chủ thể OCOP tối ưu hóa; tuy nhiên, sử dụng công nghệ nhằm đưa sản phẩm của mình tiếp cận thị trường rộng rãi hơn vẫn đang là câu chuyện còn khá mới mẻ tại Quảng Nam.
Thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia
Trên cơ sở đề nghị của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT vừa quyết định thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp quốc gia. Hội đồng gồm 7 người, do ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT làm Chủ tịch. Đại diện lãnh đạo các bộ: Công Thương, Khoa học và công nghệ, VH-TT&DL, Y tế, TN&MT và Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương làm thành viên hội đồng.
Hội đồng OCOP cấp quốc gia có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, tổ chức đánh giá, phân hạng và trình Bộ trưởng Bộ NN&PTNT xem xét công nhận sản phẩm OCOP đạt chuẩn 5 sao (sản phẩm cấp quốc gia). Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương là cơ quan thường trực của Hội đồng OCOP cấp quốc gia. (BẢO LÂM)
Hội nghị toàn quốc tập huấn chương trình OCOP
Hội nghị toàn quốc Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp và tập huấn Chương trình OCOP năm 2020 dự kiến diễn ra từ ngày 27 đến 29.5 tại TP.Đông Hà (Quảng Trị). Hội nghị sẽ đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2019, trong đó đánh giá vai trò và chất lượng công tác tham mưu của hệ thống văn phòng điều phối nông thôn mới các cấp. Đồng thời định hướng, giải pháp cụ thể để triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020. Cụ thể, tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng triển khai toàn diện chương trình nông thôn mới; phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu năm 2020; đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả và tổ chức tổng kết các chương trình, đề án trọng tâm (Chương trình OCOP, đề án môi trường, đề án nông thôn mới cấp huyện, đề án nông thôn mới vùng khó khăn…). Ngoài ra, định hướng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 như chủ trương đầu tư chương trình xây dựng nông thôn mới; bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới... (TÙNG CHI)
Thống kê, đăng ký các sản phẩm đặc sản địa phương
Sở Khoa học và công nghệ vừa có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, thống kê và đăng ký danh mục các sản phẩm đặc sản của địa phương giai đoạn 2021 - 2025, gửi về đơn vị trước ngày 30.5.2020 để tổng hợp trình UBND tỉnh.
Cụ thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, lựa chọn các sản phẩm đặc sản của địa phương để tạo lập, quản lý phát triển quyền sở hữu công nghiệp cần cơ bản đảm bảo các yếu tố: Sản phẩm mang tính đặc thù hoặc có nhiều điểm đặc biệt, riêng có mà xuất xứ từ địa phương và tạo nên những nét đặc trưng của địa phương; sản phẩm có chất lượng cao hơn hẳn những sản phẩm cùng loại và được nhân dân địa phương coi như sản phẩm truyền thống của địa phương mình; sản phẩm có khả năng phát triển mạnh thời gian đến, có vùng nguyên liệu, thị trường tiêu thụ, doanh thu ổn định cho người lao động và giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Việc rà soát, đề xuất, đề nghị thống kê theo các danh mục: Các sản phẩm đặc sản hiện có đã đăng ký nhãn hiệu chưa, đề nghị hỗ trợ đăng ký xác nhận quyền nhãn hiệu, phát triển thương hiệu cho sản phẩm… (VĂN PHIN)