Trong Thư kêu gọi ủng hộ xóa nhà tạm, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh phương châm vận động: “Người có của góp của, người có công góp công, có ít góp ít, có nhiều góp nhiều. Thêm một bàn tay chìa ra, chúng ta sẽ có thêm một viên gạch làm vững chắc hơn nơi ở của hộ đồng bào nghèo...”.
Theo Ban Chỉ đạo công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Quảng Nam, dự kiến, tổng nguồn vốn xây dựng, sửa chữa 10.456 nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023 - 2025 là gần 537 tỷ đồng.
Ngoài nguồn vốn ngân sách theo Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh và Đề án 1245, dự kiến phải huy động xã hội hóa hơn 114 tỷ đồng để hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2025 cơ bản hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Cần thêm những... “bàn tay”
Huyện Phú Ninh có 198 hộ được phê duyệt hỗ trợ xóa nhà tạm theo Nghị quyết số 13 (xây mới 117 nhà, sửa chữa 81 nhà), trong đó người có công và thân nhân liệt sĩ là 163 nhà; hộ nghèo và cận nghèo 35 nhà.
Tính đến ngày 30/7/2024, trên địa bàn huyện đã xây dựng hoàn thành 66 nhà, đang làm 73 nhà. Đáng nói, trong những hộ thuộc diện hỗ trợ, huyện Phú Ninh có hàng chục trường hợp gặp vướng mắc về kinh phí, thủ tục đất đai, vướng quy hoạch… khiến công tác xóa nhà tạm khó hoàn thành mục tiêu. Trường hợp của vợ chồng ông Ngô Cần (84 tuổi) và bà Phạm Thị Mai (83 tuổi, thôn An Mỹ, xã Tam An, huyện Phú Ninh) là một ví dụ.
Được phê duyệt hỗ trợ xóa nhà tạm nhưng vì điều kiện quá khó khăn, vợ chồng ông Cần đến nay chưa dám đăng ký với địa phương thời điểm khởi công làm nhà.
Ngôi nhà của vợ chồng ông được xây dựng từ năm 1991, đến nay đã quá cũ kỹ, xuống cấp. Trong nhà cũng không có tài sản gì đáng giá. Căn bếp được che tạm bằng những tấm tôn rỉ sét.
Hỏi lý do vì sao có Nhà nước hỗ trợ tiền mà chưa làm nhà, bà Mai đang ngồi nhặt rau cho bữa cơm chiều, thở dài: “Làm nhà mới có ai không ưng. Ngặt nỗi, vợ chồng tôi tay trắng, già yếu, đau ốm liên miên, mấy chục triệu Nhà nước cho rất quý nhưng sao đủ để làm lại toàn bộ ngôi nhà. Các con tôi hoàn cảnh cũng khó khăn nên không thể hỗ trợ cha mẹ…”.
Trên thực tế, nhiều trường hợp thuộc diện xóa nhà tạm, nếu chỉ dựa vào nguồn hỗ trợ của Nhà nước thì rất khó để thực hiện; chỉ khi, người thân và cộng đồng cùng góp sức thì chương trình mới mong thành công…
Ở xã Bình Trung, ngôi nhà của mẹ con chị Nguyễn Thị Biên đang trong quá trình xây dựng. Đây là trường hợp duy nhất của xã được hỗ trợ xóa nhà tạm theo Nghị quyết 13.
Chị Biên bị bệnh tâm thần, hàng ngày lang thang đi bán vé số mưu sinh. Với hoàn cảnh như thế, nếu không có anh trai đứng ra lo liệu, chị Biên chẳng thể làm được nhà dù có nguồn Nhà nước hỗ trợ.
Anh Nguyễn Văn Tú (anh trai chị Biên) cho biết: “Gia đình tôi đông con, hoàn cảnh cũng khó khăn, nhưng vì thương em, tôi bàn với vợ cắt cho em miếng đất nhỏ để dựng nhà.
Cũng làm nghề xây dựng nên tôi đứng ra kêu thợ làm luôn. Nhưng thiệt khó, bây giờ công thợ, vật liệu cao, để làm được cái nhà cũng “chắp vá” đủ đường..”.
Lồng ghép nguồn kinh phí
Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hiệp Đức vừa phối hợp với Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn tổ chức nghiệm thu và bàn giao 100 nhà đại đoàn kết.
Kết quả này góp phần quan trọng trong công tác xóa nhà tạm của huyện. Đến nay toàn huyện chỉ còn khoảng 13 trường hợp nằm trong diện xóa nhà tạm theo Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh.
Ông Huỳnh Hữu Cường - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hiệp Đức chia sẻ, hơn 1 năm triển khai, với sự nỗ lực của huyện và các gia đình hưởng lợi, 100 ngôi nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo đã được hoàn thành với tổng trị giá hơn 13,2 tỷ đồng.
Đáng nói, ngoài nguồn tài trợ 50 triệu đồng/nhà của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn, huyện đã lồng ghép nguồn dự án của Habitat 1 tỷ đồng để hỗ trợ thêm 20 triệu đồng/nhà cho 50 hộ; vận động gia đình, tộc họ và cộng đồng hơn 7,2 tỷ đồng… Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị - xã hội huyện đã chung tay vận động, tiếp thêm nguồn hỗ trợ cho một số gia đình xây dựng ngôi nhà khang trang, kiên cố.
“Trong quá trình triển khai xóa nhà tạm, Mặt trận tổ chức họp, phân công hội đoàn thể hỗ trợ, trong đó ưu tiên cho hội viên, đoàn viên của từng tổ chức và những gia đình khó khăn, không có khả năng đối ứng” - ông Cường chia sẻ.
Xã Tam Đàn (huyện Phú Ninh) đang triển khai xóa nhà tạm cho 32 hộ. Với những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, xã mời các hộ lên làm việc, qua đó nắm bắt nguyện vọng, nhu cầu để có phương án giúp đỡ.
Đơn cử như trường hợp của bà Đoàn Thị Đinh (thôn Phú Yên). Ngày gia đình khởi công làm nhà, xã chỉ đạo lực lượng dân quân, thanh niên xuống giúp vận chuyển đất san nền; vận động chủ thầu xây dựng đứng ra ứng vật liệu để làm nhà cho bà Đinh.
Bà cho biết: “Tôi sống với đứa con mắc bệnh tâm thần, nhà quá khó khăn, may được Nhà nước hỗ trợ, xã cử lực lượng đến giúp đỡ nên đến nay nhà đã sắp xây dựng xong. Tôi rất mừng vì sau này không phải sống trong ngôi nhà cũ, luôn lo sợ mỗi khi mưa gió”.
Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết - Trưởng ban Chỉ đạo công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh trong các cuộc họp của ban chỉ đạo đều nhấn mạnh đến công tác truyền thông, dân vận nhằm phát huy, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương ái, sự hưởng ứng tích cực, chủ động, chia sẻ trách nhiệm giữa Nhà nước, xã hội và người dân trong công tác xóa nhà tạm.
Đặc biệt, ban Chỉ đạo đề nghị qua công tác tuyên truyền cần quán triệt gạt bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại nguồn hỗ trợ của Nhà nước; thúc đẩy tinh thần tự lực, tự cường, tự làm nhà ở cho chính mình trong quá trình thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Tính đến ngày 30/6/2024, Quỹ xóa nhà tạm, nhà dột nát các cấp đã vận động hơn 8,4 tỷ đồng và phân bổ hơn 4,1 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng nhà cho các đối tượng.
Ông Lê Thái Bình - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, việc hỗ trợ xóa nhà tạm của Nhà nước với mức 60 triệu đồng xây mới và 30 triệu đồng sửa chữa, xem như là sự tiếp sức để người dân có thêm động lực vươn lên.
Công tác huy động xã hội hóa từ cộng đồng, qua các tổ chức hội, nhà hảo tâm và chính bản thân gia đình thụ hưởng là rất cần thiết để thêm nguồn lực xây dựng, sửa chữa những ngôi nhà khang trang, bền vững hơn.
“MTTQ Việt Nam các cấp sẽ phát huy vai trò hiệu triệu sự chung tay của toàn dân; thông qua các tổ chức thành viên, kể cả các tổ chức tôn giáo..., huy động nguồn lực theo phương châm “người có của góp của, người có công góp công, có ít góp ít, có nhiều góp nhiều” - ông Bình chia sẻ.
Quảng Nam đang tiếp nhận nguồn ủng hộ xóa nhà tạm trong 3 năm (2023 - 2025) với mức phấn đấu chung là cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ chiến sĩ các lực lượng vũ trang mỗi người góp ít nhất mỗi năm một ngày lương; công nhân, người lao động mỗi năm giúp ít nhất một ngày thu nhập; đoàn viên, hội viên, thanh thiếu niên tiết kiệm để giúp đỡ ít nhất 50 nghìn đồng; mỗi hộ gia đình có mức sống từ trung bình trở lên ủng hộ ít nhất 100 nghìn đồng.