Giảm nghèo - An sinh

Quảng Nam chung sức xóa nhà tạm - Bài 2: Nan giải ở miền núi

ĐĂNG NGUYÊN - TÂM ĐAN 21/08/2024 08:00

Quảng Nam có 9 huyện miền núi, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, địa bàn cách trở, tỷ lệ hộ dân có nhà ở tạm bợ còn rất cao. Những năm qua, các ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, song công tác xóa nhà tạm cho người dân vẫn còn nhiều khó khăn.

z5720733504687_91aeea0855184cbb5bb45e5b8c91a018.jpg
Nhiều năm qua, hàng trăm ngôi nhà tạm, nhà dột nát ở các huyện miền núi đã được hỗ trợ xây mới, sửa chữa góp phần an cư, ổn định cuộc sống cho người dân. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Thực tiễn tại Tây Giang

Xác định công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thời gian qua, bên cạnh rà soát nhu cầu thực tiễn, chính quyền huyện Tây Giang xây dựng kế hoạch hỗ trợ, huy động nguồn lực triển khai phù hợp với các tiêu chí “3 cứng”.

Trong đó, ưu tiên bố trí sắp xếp, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, nằm trong khu vực xung yếu, nguy cơ ảnh hưởng cao bởi thiên tai, bão lũ và các hộ thuộc thôn xây dựng nông thôn mới.

Ông Tăng Ngọc Duẩn - Trưởng phòng Kinh tế & hạ tầng huyện Tây Giang cho biết, qua rà soát, giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn huyện có khoảng 1.366 hộ đang có nhu cầu hỗ trợ về nhà ở (xây mới 977 hộ và sửa chữa 389 hộ) với tổng kinh phí hơn 88 tỷ đồng. Riêng năm 2024, nhu cầu nhà ở khoảng 423 hộ, với kinh phí hơn 16 tỷ đồng.

“Hầu hết nhà ở của hộ nghèo và hộ cận nghèo hiện nay chưa bảo đảm về chất lượng. Một số nhà có cột kèo gỗ, vách bưng bằng ván hoặc nhà sàn truyền thống nhưng khung nhà đã bị mối mọt, mái lợp lá hoặc mái lợp fibro xi măng đã xuống cấp, dột nát. Trong khi đó, một số hộ vách nhà quây tạm bằng bạt, tre, nứa... cần được xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa để đáp ứng nhu cầu ở và sinh hoạt” - ông Duẩn chia sẻ.

Để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đặc biệt là ổn định nhà ở, nhiều năm qua, Tây Giang dành phần lớn nguồn lực triển khai hỗ trợ xóa nhà tạm, xem đó là nhiệm vụ trọng tâm gắn với phòng chống thiên tai hiệu quả. Năm 2023, từ các chương trình của Trung ương, của tỉnh, Tây Giang linh hoạt thực hiện hỗ trợ nhà ở cho 259 hộ, đảm bảo diện tích sử dụng và đạt 3 tiêu chí “cứng hóa”.

Ông Mạc Như Phương - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, quá trình triển khai công tác xóa nhà tạm, địa phương gặp khó khăn, vướng mắc chưa thể giải quyết dứt điểm.

z5721020254143_95ce23a0c7ea662888a8b141ce7c72cc.jpg
Huyện Tây Giang phát động ủng hộ Quỹ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Nhiều hộ dân do khó khăn về kinh tế, khả năng huy động kinh phí tự xây dựng còn hạn chế nên hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và các nguồn huy động xã hội hóa. Trong khi đó, nhiều hộ gia đình vướng mắc về thủ tục đất đai nên ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các chương trình.

“Trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều gia đình đề nghị thay đổi hình thức từ sửa chữa sang xây mới do sau khi tháo dỡ các bộ phận để sửa chữa không đảm bảo an toàn, bắt buộc phải làm mới toàn bộ để đảm bảo đạt 3 tiêu chí “cứng hóa”.

Ngược lại, một số gia đình đề nghị thay đổi hình thức từ xây mới sang sửa chữa do hoàn cảnh khó khăn, nguồn lực đối ứng từ gia đình không có.

Ngoài ra, phong tục tập quán của người dân miền núi là làm nhà bằng gỗ, nhưng hiện nay chủ trương đóng cửa rừng nên người dân không được phép khai thác gỗ để làm nhà; trong khi vật liệu thay thế có chi phí rất cao, nguồn vốn hỗ trợ chưa đáp ứng so với nhu cầu của các hộ dân trong việc xóa nhà tạm, nhà dột nát” - ông Phương nói.

Qua rà soát, xét duyệt của các địa phương, ngoài 2.996 hộ cần xây mới, sửa chữa theo Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh, Quảng Nam còn có 7.460 hộ (xây mới 5.689 nhà, sửa chữa 1.771 nhà) theo Đề án 1245 - Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn 6 huyện nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Linh hoạt

Tây Giang không phải là địa phương miền núi duy nhất vướng phải rào cản trong thực hiện xóa nhà tạm. Ngoài khó khăn đặc thù do điều kiện kinh tế, nhiều chính sách khi triển khai áp dụng đã không phù hợp với thực tiễn do vướng các quy định của pháp luật, nhất là quỹ đất đang bị quy hoạch thành các rừng phòng hộ, rừng đặc dụng...

z5720734783493_4e5469fc05ad528f474c32e776d4466a.jpg
Công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát ở miền núi gặp nhiều khó khăn. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Tại Thông tư số 01 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 nêu: “Đối tượng thụ hưởng không bao gồm các đối tượng đã được hỗ trợ thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và các chương trình, đề án, chính sách khác”.

Điều này gây ảnh hưởng trong quá trình triển khai thực hiện, bởi một số trường hợp được phê duyệt đã được hỗ trợ theo các chương trình hỗ trợ nhà ở trước đây như Quyết định số 134, 167 của Thủ tướng Chính phủ... nhưng với mức hỗ trợ thấp, nhiều nhà ở đến nay đã hư hỏng, xuống cấp. Qua kiểm tra, nhiều hộ đang rất khó khăn, do vậy các địa phương kiến nghị cần xem xét việc hỗ trợ nhà ở cho các hộ này nhằm giúp họ có chỗ ở ổn định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bí thư Huyện đoàn Nam Giang - Bùi Thế Anh cho hay, công tác xóa nhà tạm đang được các cấp ngành địa phương triển khai, góp sức. Từ năm 2020 đến nay, tuổi trẻ Nam Giang đã vận động ủng hộ và triển khai xóa 7 nhà tạm, nhà dột nát và sửa chữa, di dời hơn 50 nhà. Riêng năm 2024, triển khai sửa chữa 16 nhà, di dời 5 nhà khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt.

Ngoài ra, Huyện đoàn Nam Giang cũng tham gia ủng hộ quỹ xóa nhà tạm của huyện 10 triệu đồng và đang vận động nguồn xã hội hóa hỗ trợ 2 nhà tạm cho người dân khó khăn với kinh phí khoảng 200 triệu đồng.

“Theo kế hoạch, tới đây Huyện đoàn Nam Giang sẽ nhận 1 - 2 công trình nhà ở từ nguồn Quỹ xóa nhà tạm của huyện, sau đó vận động nguồn xã hội hóa để giúp hộ đặc biệt khó khăn có nguồn đối ứng.

Ngoài ra, chúng tôi huy động đội thợ xây thanh niên và đoàn viên thanh niên cùng góp công xây dựng nhà ở. Nếu đảm bảo, các năm tiếp theo Huyện đoàn sẽ tiếp tục nhận công trình hỗ trợ từ nguồn Quỹ xóa nhà tạm của huyện để giao cho từng cơ sở đoàn làm chủ công xây dựng giúp người dân sớm ổn định cuộc sống” - anh Bùi Thế Anh cho biết thêm.

Vượt qua khó khăn đặc thù, các địa phương miền núi hưởng ứng xóa nhà tạm bằng rất nhiều hoạt động nhân văn, ý nghĩa hướng về cộng đồng.

Tại Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 6 mới đây, Nam Trà My góp thêm vào quỹ xóa nhà tạm hơn 361 triệu đồng từ việc bán đấu giá sâm Ngọc Linh do các cá nhân, đơn vị tặng lại sau khi đoạt giải cuộc thi sâm, hưởng ứng hoạt động xóa nhà tạm cho người dân địa phương.

Tại huyện Phước Sơn, đến cuối tháng 7/2024, địa phương cũng nhận được hơn 925 triệu đồng từ đóng góp, ủng hộ của các nhà hảo tâm và cộng đồng với kỳ vọng công tác xóa nhà tạm sớm được triển khai cho đồng bào miền núi.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tây Giang - ông Briu Quân nói, sau thời gian vận động, địa phương nhận được hơn 792 triệu đồng ủng hộ kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đây là tấm lòng của các đơn vị doanh nghiệp, nhà hảo tâm và người dân đóng góp cho mục tiêu chung của địa phương.

“Có rất nhiều hộ kinh doanh, cán bộ cơ sở, thậm chí là người dân tham gia ủng hộ kinh phí này. Có hộ sau khi thu hoạch dược liệu, dù điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng vẫn tình nguyện hỗ trợ, với mong muốn chính quyền sớm triển khai hoạt động ý nghĩa.

Với tinh thần lan tỏa này, hy vọng Tây Giang sẽ sớm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, tạo động lực để người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống lâu dài” - ông Briu Quân nhấn mạnh.

------------------------
Bài cuối: Cộng đồng trách nhiệm

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quảng Nam chung sức xóa nhà tạm - Bài 2: Nan giải ở miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO