(QNO) – Sáng nay 24/2, tại TP.Hội An và thị xã Điện Bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cùng đại diện các sở, ngành liên quan của tỉnh đã có buổi gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp thương mại, dịch vụ, du lịch và đầu tư lĩnh vực bất động sản, nhà ở, khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh nhân dịp đầu xuân Giáp Thìn 2024.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định, Quảng Nam luôn thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp đang đối diện, đồng thời cam kết sẽ đồng hành, tìm giải pháp tháo gỡ trong khả năng có thể của tỉnh.
Du lịch lạc quan
Ông Nguyễn Xuân Hà – Phó Giám đốc Đảo Ký ức Hội An cho biết, tình hình kinh doanh trong năm 2023 khá tốt so với vài năm trước. Dù vậy, theo ông Hà, môi trường du lịch Hội An vẫn còn nhiều tồn tại cần sự quan tâm giải quyết của tỉnh và thành phố, kể cả đẩy mạnh công tác truyền thông các sự kiện du lịch diễn ra trên địa bàn nhằm thu hút du khách đến tham quan nghỉ dưỡng nhiều hơn.
Trao đổi tại buổi gặp mặt, đa số ý kiến doanh nghiệp đều bày tỏ sự lạc quan về quá trình phục hồi du lịch, nhất là thị trường khách châu Âu và Úc. Tuy nhiên, để khẳng định thương hiệu điểm đến, bên cạnh phát triển không gian du lịch, lực lượng lao động có tay nghề, nhất là các sản phẩm, dịch vụ đặc thù thì sự đồng hành của nhà nước giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp rất quan trọng.
Theo ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề trong dịch COVID-19, nhưng đến nay khả năng phục hồi của du lịch Hội An, Quảng Nam nhanh hơn những nơi khác. Dù vậy, khó khăn nhất hiện tại của doanh nghiệp là vướng cơ cấu nợ ngân hàng.
Thời gian qua, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cũng đã kiến nghị nhiều lần, rất mong tỉnh có ý kiến giúp doanh nghiệp có thể cạnh tranh lãi suất, bớt khó khăn. Cạnh đó, thông qua sự hợp tác công tư cùng nguồn lực của doanh nghiệp, Quảng Nam cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa thị trường khách, kể cả xúc tiến liên kết vùng, liên kết ngành, hướng đến phát triển sản phẩm, chuyển đổi mô hình xanh trong du lịch.
Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, ông Trần Ánh – Bí thư Thành ủy Hội An khẳng định, buổi gặp mặt là cơ hội cởi mở để trao đổi thông tin, hỗ trợ nhau cùng phát triển nhằm xây dựng kinh tế du lịch Quảng Nam nói chung, trong đó có Hội An ngày càng phát triển.
“Hội An chọn ngành kinh tế có tiềm năng và thế mạnh là du lịch và doanh nghiệp chính là những con chim đầu đàn. Do đó, chúng tôi luôn xác định ngành kinh tế Hội An phát triển được hay không, đời sống của nhân dân thành phố có được cải thiện hay không chính là nhờ các doanh nghiệp”, ông Trần Ánh nói và kỳ vọng du lịch Hội An và Quảng Nam trong năm 2024 sẽ tiếp tục khởi sắc hơn nữa.
Doanh nghiệp bất động sản chưa hết khó khăn
Gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực bất động sản, nhà ở, khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh diễn ra tại thị xã Điện Bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhìn nhận, những khó khăn của doanh nghiệp bất động sản hiện vẫn còn và tỉnh rất thấu hiểu về điều này.
Kể cả các cấp ngành, địa phương cũng rất lúng túng trong tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc (quy định pháp luật, thẩm quyền xử lý...) nhằm tạo điều kiện cho các dự án triển khai đúng yêu cầu tiến độ. Vì vậy, Quảng Nam cũng mong muốn các doanh nghiệp hiến kế để lĩnh vực bất động sản có những tiến triển tích cực, mở ra thời kỳ mới đưa kinh tế chung của địa phương tiếp tục đi lên.
Trong hơn 2 giờ gặp mặt, các ý kiến của doanh nghiệp bất động sản chủ yếu tập trung vào công tác giải phóng bồi thường chậm, vướng mắc gia hạn dự án, thuế, cơ chế tín dụng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... khiến doanh nghiệp không thể triển khai hoàn thành dự án đúng tiến độ.
Ông Lê Tự Tâm – Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng 501 cho rằng, việc giải phóng mặt bằng chậm khiến doanh nghiệp không hoàn thành tiến độ dự án nên các cấp chính quyền cần có giải pháp cưỡng chế những trường hợp cố tình không chịu bàn giao mặt bằng.
Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh cho các dự án bất động sản được phân kỳ đầu tư theo quy hoạch được phê duyệt ban đầu. Cụ thể, trong trường hợp giải phóng trên 50% mặt bằng nếu thực hiện xong các thủ tục tài chính và hoàn thành cơ sở hạ tầng đầy đủ thì doanh nghiệp có thể làm "sổ đỏ" để có tiền tiếp tục hoạt động, thi công, tránh những dự án do vướng giải tỏa đền bù mà doanh nghiệp “mắc kẹt” không thể triển khai được.
Ông Nguyễn Xuân Nhàn – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vinconex 25 cho biết, thời gian đối với các dự án rất quan trọng nên các cấp các ngành của tỉnh cần nhanh chóng giải quyết dứt điểm những thủ tục tồn tại hạn chế nhiều hệ lụy, nhất là lãi vốn vay ngân hàng.
“Như bản thân tôi đầu tư một dự án 300 tỷ đồng, vay ngân hàng lãi suất 12% cứ chậm một ngày là chúng tôi phải trả lãi hàng trăm triệu đồng” - ông Nhàn dẫn chứng.
[VIDEO] - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp bất động sản:
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định, lãnh đạo tỉnh đã thấu hiểu những khó khăn của doanh nghiệp, nhưng cũng nên nhìn nhận lại lịch sử từ năm 2000 trở về trước khi Quảng Nam tạo điều kiện đầu tư dự án bất động sản, dẫn đến không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa đã vào đầu tư với các dự án manh mún, bất cập…
“Từ cuộc gặp gỡ hôm nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ có một phiên họp tháo gỡ, trên cơ sở đó UBND tỉnh sẽ triển khai cùng với cộng đồng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này. Các cơ quan ngân hàng, thuế, tài nguyên… cũng cần nắm rõ nội dung mà doanh nghiệp yêu cầu những cái gì phản ánh chính xác, chính đáng thì phải tiếp thu có biện pháp giải quyết” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh.