Xã hội

Quảng Nam hành động vì an toàn thực phẩm

LÊ QUÂN 21/04/2025 07:45

“Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” (diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5/2025), Quảng Nam đang triển khai mạnh mẽ các hoạt động kiểm tra, truyền thông, xử lý vi phạm nhằm đảm bảo chất lượng thực phẩm và bảo vệ sức khỏe người dân.

Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP tiến hành kiểm tra tại khu vực bếp của một cơ sở kinh doanh. Ảnh: X.H
Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra tại khu vực bếp của một cơ sở kinh doanh hồi tháng 1/2025. Ảnh: XUÂN HIỀN

Chủ đề “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm nay nhấn mạnh đến việc “Bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố”. Điều này phản ánh đúng những mối lo nổi bật của đời sống đô thị và nông thôn hiện nay.

Hành động toàn diện

Bà Lê Thị Hồng Cẩm - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, UBND tỉnh yêu cầu các hoạt động trong tháng hành động được tổ chức trên quy mô toàn tỉnh với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trọng tâm của tháng hành động là 3 mũi chủ công: Truyền thông - kiểm tra - xử lý.

Chiến dịch truyền thông năm nay được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến xã, phường. Hệ thống loa truyền thanh cơ sở, báo chí, truyền hình đều được huy động nhằm lan tỏa kiến thức về an toàn thực phẩm, cảnh báo tác hại của thực phẩm giả, kém chất lượng và biểu dương các mô hình, cá nhân điển hình trong sản xuất - kinh doanh thực phẩm an toàn.

Cạnh đó, Quảng Nam thành lập 3 đoàn kiểm tra tuyến tỉnh nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm tại địa phương, quy định trách nhiệm của chính quyền cơ sở cấp huyện và cấp xã trong quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; kiểm tra thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm. Các đoàn kiểm tra liên ngành sẽ đến tận cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, chợ truyền thống, bếp ăn trường học... để rà soát, xử lý kịp thời các vi phạm.

Theo thống kê sơ bộ của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Nam, trong năm 2024, toàn tỉnh đã kiểm tra hơn 4.300 cơ sở liên quan đến thực phẩm. Một số cơ sở vi phạm các lỗi phổ biến gồm: Sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, điều kiện vệ sinh không đảm bảo, vi phạm quy định ghi nhãn, quảng cáo sai lệch công dụng...

Hướng tới an toàn bền vững

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho rằng, công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm an toàn thực phẩm mới chỉ đáp ứng một phần yêu cầu thực tế.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Lê Thị Hồng Cẩm (trong cùng) kiểm tra khu chế biến của một cơ sở kinh doanh thực phẩm tại TP.Tam Kỳ. Ảnh: XUÂN HIỀN
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm - Lê Thị Hồng Cẩm (trong cùng) kiểm tra khu chế biến của một cơ sở kinh doanh thực phẩm tại TP.Tam Kỳ hồi tháng 1/2025. Ảnh: XUÂN HIỀN

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, thương mại điện tử, hình thức kinh doanh trực tuyến, đặc điểm của loại hình kinh doanh này là không có địa điểm kinh doanh cố định, tính ẩn danh, danh không thực. Điều này gây ra nhiều khó khăn trong kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.

Trong dịp Tết Ất Tỵ và mùa Lễ hội Xuân 2025, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh Quảng Nam đã thành lập 181 đoàn kiểm tra; trong đó có 3 đoàn cấp tỉnh, 13 đoàn cấp huyện và 165 đoàn cấp xã.

Các đoàn đã tiến hành kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và bếp ăn tập thể, phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm về an toàn thực phẩm.

Tháng hành động lần này là dịp để rà soát toàn bộ hệ thống, lắng nghe phản ánh của người dân và siết chặt kỷ cương thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm ở các địa phương.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Song hành với kiểm tra và xử lý, Quảng Nam còn chú trọng truyền thông sáng tạo và gắn kết với văn hóa địa phương. Nhiều địa phương đã quảng bá các sản phẩm truyền thống như mắm Cửa Khe, rau Trà Quế, bánh tổ Hội An như là hình mẫu về sản xuất - chế biến thực phẩm an toàn gắn với văn hóa bản địa. Một số mô hình điểm đang được lan tỏa là “Chợ thực phẩm an toàn Tam Kỳ”, “Tổ liên kết sản xuất sạch huyện Tiên Phước” và chuỗi cung ứng rau an toàn ở Đại Lộc. Đây là các mô hình không chỉ phục vụ nhu cầu nội tỉnh mà còn được kết nối với các hệ thống siêu thị lớn tại Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quảng Nam hành động vì an toàn thực phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO