Kinh tế

Quảng Nam quyết tâm gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản

QUANG HÀ 13/09/2024 15:37

(QNO) - Tại cuộc làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng nêu nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bất động sản hoạt động, phát triển.

tho02434.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh vào ngày 10/9/2024. Ảnh: QUANG HÀ

Nhiều khó khăn

Ông Trần Quốc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết, cộng đồng doanh nghiệp bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện dự án; trong đó nổi cộm là bài toán đền bù, giải phóng mặt bằng, xuất phát từ năng lực của cơ quan làm công tác bồi thường, quản lý hiện trạng và sự thiếu quyết liệt của địa phương.

tho02390.jpg
Ông Trần Quốc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh thông tin tại buổi làm việc. Ảnh: QUANG HÀ

Ông Bảo cho hay, nhiều trường hợp đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cách đây hơn 4 năm nhưng các hộ dân vẫn không nhận tiền và bàn giao mặt bằng, mặc dù chính quyền địa phương tổ chức đối thoại rất nhiều lần và các tổ chức đoàn thể cùng tham gia vận động.

“Một số trường hợp vướng mắc đã được chính quyền địa phương và đơn vị làm công tác bồi thường họp giải quyết rất nhiều lần, thậm chí có những trường hợp có đến hơn 5 thông báo kết luận chỉ đạo của lãnh đạo địa phương nhưng vẫn không giải quyết được, khiến dự án kéo dài” - ông Bảo nêu.

Bà Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, công tác giải phóng mặt bằng tại địa phương gặp nhiều vướng mắc, nguyên nhân liên quan đến các dự án cũ ở thời gian trước, một bộ phận người dân yêu cầu đền bù đất nông nghiệp bằng đất ở và bố trí tái định cư. Địa phương cũng gặp khó trong việc xét nguồn gốc đất tại phường Điện Ngọc.

Bà Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn phát biểu. Ảnh: QUANG HÀ

“Việc cưỡng chế thu hồi đất cũng rất khó để thực hiện vì hồ sơ các dự án cũ “lủng” rất nhiều; nếu thực hiện cưỡng chế cần có ý kiến của Công an tỉnh, Sở TN&MT và các ngành liên quan, đồng thời đảm bảo quyền lợi của người dân” - bà Nguyễn Thị Minh Châu nói.

Ngoài ra, tại thị xã Điện Bàn có 20 dự án bất động sản chồng lấn ranh giới với Dự án Nạo vét sông Cổ Cò do Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư. Hiện các bên tích cực làm việc nhằm xác định rõ ranh giới chồng lấn, từ đó giải quyết một cách triệt để.

Về vấn đề giao đất, ông Trần Quốc Bảo cho rằng, một phần diện tích của dự án nếu không được giao đất thì chủ đầu tư không thể thực hiện dự án theo đúng tiến độ, cũng không thể thi công bàn giao đưa vào sử dụng, dễ dẫn đến tình trạng tái lấn chiếm.

bs.jpg
Nhiều dự án ở Điện Bàn chậm triển khai do “nghẽn” giải phóng mặt bằng. Ảnh: KHÁNH LINH

Theo ông Bảo, việc giao đất “da beo” nhưng lại không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không được tách thửa chuyển nhượng cũng không đem lại ý nghĩa tháo gỡ cho các chủ đầu tư.

Ông Trần Quốc Bảo kiến nghị các sở, ban, ngành liên quan ban hành quy chế giải quyết tách thửa, chuyển nhượng, đăng ký biến động, cấp sổ con từ sổ block cho doanh nghiệp đủ điều kiện. “Chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn, nhiều ngân hàng thấy doanh nghiệp bất động sản Quảng Nam là “ngó lơ” vì họ không dám cầm sổ của các doanh nghiệp này” - ông Bảo chia sẻ.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cũng nêu khó khăn về thời điểm thực hiện nghĩa vụ ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án. Hiệp hội kiến nghị, đối với những dự án có tiền tạm ứng bồi thường lớn hơn tiền ký quỹ nhưng dự án bị chậm tiến độ do lỗi của địa phương chậm bàn giao mặt bằng và không phải lỗi do nhà đầu tư, thì tiếp tục được tạm hoãn ký quỹ và được gia hạn tiến độ theo quy định.

Quảng Nam hiện có 177 dự án khu dân cư, khu đô thị đang triển khai; trong đó có 17 dự án đã hoàn thành và hoàn thành công tác quyết toán; 18 dự án bao gồm đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng chưa quyết toán và các dự án đã cơ bản hoàn thành nhưng chưa nghiệm thu, chưa quyết toán; 120 dự án đang triển khai (có 25 dự án đã có quyết định lựa chọn nhà đầu tư và 95 dự án giao nhà đầu tư).

Quyết tâm tháo gỡ

Đại diện Sở KH-ĐT cho biết, trong 120 dự án đang triển khai có 57 dự án còn tiến độ; 21 dự án còn tiến độ thực hiện theo văn bản chủ trương ban đầu; 36 dự án được điều chỉnh tiến độ; 7 dự án hết tiến độ thực hiện và sở đã tổng hợp; 10 dự án hết tiến độ đã có báo cáo khó khăn; 5 dự án hết tiến độ nhưng đang được các cơ quan liên quan thực hiện thanh tra; 6 dự án hết tiến độ và sở đã tổng hợp, rà soát theo quy định.

Sở KH-ĐT đang trình gia hạn tiến độ 18 dự án, còn 13 dự án khác hết tiến độ thì sở yêu cầu ký quỹ để xem xét trình gia hạn, cũng có 4 dự án được yêu cầu nộp hồ sơ. Khó khăn nhất trong gia hạn tiến độ là ảnh hưởng từ các quy định pháp luật mới như Luật Đất đai 2024 và các dự án này đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định giao đất không qua đấu thầu. Và trong gia hạn tiến độ cũng gặp khó khăn từ ký quỹ do các nhà đầu tư không chịu ký quỹ.

tho02449.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng yêu cầu các địa phương phối hợp chủ đầu tư thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng. Ảnh: QUANG HÀ

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng, Quảng Nam luôn tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp hoạt động, phát triển nhưng phải đúng theo quy định của pháp luật, thực thi nghĩa vụ tài chính, ngân sách nhà nước.

Nhấn mạnh công tác giải đền bù, phóng mặt bằng là yếu tố quyết định để tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng đề nghị các địa phương xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên.

“Địa phương cần xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết theo từng dự án để triển khai thực hiện; phối hợp với doanh nghiệp trong tuyên truyền, vận động người dân. Trên cơ sở đó, phải có biên bản làm việc với chủ đầu tư để công bố nhiệm vụ, làm rõ trách nhiệm giữa các bên” - ông Hưng lưu ý.

Về gia hạn tiến độ đầu tư, ông Hưng cho biết tỉnh chỉ đồng ý gia hạn tiến độ khi chủ đầu tư thực hiện ký quỹ theo quy định của pháp luật hiện hành. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng giao Sở KH-ĐT làm việc với doanh nghiệp, tham mưu trình UBND tỉnh xem xét gia hạn với điều kiện có xác nhận của địa phương về số tiền chủ đầu tư đã ứng để thực hiện giải phóng mặt bằng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng cũng chấp thuận chủ trương phân kỳ tiến độ thực hiện dự án, tiến độ 1 sẽ giao đất trước cho tái định cư đối với các dự án tái định cư tại chỗ theo đúng quy hoạch chi tiết được duyệt và hoàn thành hạ tầng khung.

“Sau khi giao đất tái định cư, thống nhất phân tối đa 2 kỳ đối với diện tích đất còn lại, các ô đất phải liền kề với nhau theo quy hoạch chi tiết 1/500 đã được duyệt. Tỉnh cũng sẽ nghiên cứu cấp sổ tối đa đối với từng giai đoạn đã được phân kỳ” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quảng Nam quyết tâm gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO