Quy hoạch - Đầu tư

Quảng Nam ước vọng về "điểm đến xanh đẳng cấp"

QUỐC TUẤN 04/03/2024 07:47

Phát triển Quảng Nam trở thành một điểm đến du lịch xanh có thương hiệu, đẳng cấp là khát vọng đề ra trong Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là quy hoạch tỉnh).

img_7550.jpeg
Theo quy hoạch tỉnh, Cù Lao Chàm sẽ trở thành khu du lịch quốc gia. Ảnh: Q.T

Từ lợi thế tài nguyên vượt trội, đặc thù

Tài nguyên du lịch tạo nên vị thế vượt trội của Quảng Nam khi so sánh với các địa phương khác và các nước trong khu vực.

Quảng Nam giữ vị trí quan trọng trên bản đồ các di sản vật thể và phi vật thể của Việt Nam và thế giới, trung tâm là các di sản tầm cỡ quốc tế và quốc gia như Phố cổ Hội An, Khu Đền tháp Mỹ Sơn (được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1999); Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An được UNESCO công nhận vào năm 2009.

Đóng góp quan trọng vào tài nguyên du lịch ở Quảng Nam còn có Nghệ thuật bài chòi cũng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2017.

Trong định hướng phát triển sản phẩm du lịch của quy hoạch tỉnh cũng đã nêu bật sản phẩm du lịch đặc thù của Quảng Nam giai đoạn tới chính là “Một điểm đến - 3 trải nghiệm đẳng cấp quốc tế” với việc sở hữu 3 di sản văn hóa, khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Sản phẩm du lịch đặc thù này không chỉ đem đến cho du khách những trải nghiệm mang tính tổng hợp về văn hóa, thiên nhiên mà còn là hình mẫu “du lịch xanh” mang tầm quốc tế.

dji_0203.jpeg
Quảng Nam nêu bật sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh giai đoạn tới chính là “Một điểm đến - 3 trải nghiệm đẳng cấp quốc tế” trong đó có di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Ảnh: Q.T

Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, với những biến động không khả quan từ khí hậu, môi trường, tài nguyên… do con người gây ra, hay chỉ đơn thuần là “dấu chân sinh thái” trong hoạt động du lịch - dịch vụ, chúng ta càng tin rằng phát triển xanh đã và đang trở thành vấn đề của thời đại.

Vượt qua khủng hoảng của COVID-19, những người làm du lịch ở Quảng Nam càng chắc chắn rằng, định hướng du lịch xanh là chiến lược phát triển bền vững, giúp định vị thương hiệu du lịch của Quảng Nam trong hiện tại và tương lai.

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định mục tiêu, đến năm 2030 Quảng Nam đón 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 8 triệu lượt du khách nội địa.

Tổng thu từ khách du lịch đạt 48.000 tỷ đồng, đóng góp 32.500 tỷ đồng vào GRDP của tỉnh. Du lịch tạo ra 135.000 việc làm, trong đó có khoảng 45.000 lao động trực tiếp.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, du lịch là một trong những ngành trọng tâm ưu tiên trong khu vực dịch vụ của Quảng Nam.

Du lịch đã và đang đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế của Quảng Nam bởi tác động lan tỏa của ngành kéo theo sự phát triển của một số lĩnh vực dịch vụ thị trường khác trên địa bàn tỉnh như thương mại hàng hóa, lưu trú và ăn uống, sản xuất lương thực - thực phẩm phục vụ du khách…

Do đó Quảng Nam đề ra mục tiêu đến năm 2030 đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đi tới bằng nền tảng xanh

Tài nguyên du lịch của Quảng Nam khá tương thích và có nhiều lợi thế để phát triển du lịch bền vững, có trách nhiệm.

dji_0003.jpeg
Quảng Nam sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù trong thu hút các tập đoàn đầu tư lớn, các dự án động lực, quy mô, đẳng cấp để thúc đẩy phát triển du lịch khu vực ven biển từ phía Nam Hội An đến giáp Quảng Ngãi; ven sông Cổ Cò, Thu Bồn và Trường Giang, hồ Phú Ninh... Trong ảnh: Vùng hạ lưu sông Thu Bồn. Ảnh: Q.T

Từ năm 2019, Quảng Nam đã bắt đầu đưa ra thông điệp nhất quán về phát triển du lịch xanh và sau đó trở thành địa phương đầu tiên của cả nước ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh cấp tỉnh.

Hơn 5 năm qua, Quảng Nam vẫn đang nỗ lực đưa toàn bộ ngành du lịch địa phương theo “thước đo” xanh theo quy chuẩn của địa phương lẫn quốc tế.

Việc định hướng tổ chức không gian theo quy hoạch tỉnh cũng nhằm kiến tạo để du lịch Quảng Nam trở thành một “tổ hợp” điểm đến xanh có thương hiệu, đẳng cấp quốc tế.

Ở phía bắc, sẽ phát triển Hội An trở thành trung tâm du lịch quốc gia tiêu biểu của cả nước; Cù Lao Chàm trở thành khu du lịch quốc gia; Mỹ Sơn thành điểm du lịch quốc gia.

Hoàn thành khai thông, nạo vét sông Cổ Cò phục vụ phát triển tuyến du lịch Hội An - Đà Nẵng; đầu tư phát triển núi Bằng Am trở thành khu du lịch mới.

20230620_081901.jpg
Ở vùng Tây sẽ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua việc kết hợp với các di tích lịch sử, văn hóa, các giá trị đặc trưng của các làng nghề truyền thống, khu bảo tồn thiên nhiên, lòng hồ thủy điện và rừng phòng hộ để phát triển du lịch. Ảnh: Q.T

Ở phía nam, dự kiến đến năm 2025 sẽ hình thành được một số khu du lịch lớn tại vùng đông nam Thăng Bình, vùng đông Tam Kỳ và huyện Núi Thành, đây là không gian ưu tiên tập trung thu hút đầu tư phát triển du lịch nhằm giảm tải cho khu vực di sản với định hướng phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, thủ công truyền thống gắn với du lịch tìm hiểu lịch sử văn hóa cách mạng, du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch công vụ (MICE).

Trong khi đó, ở vùng Tây sẽ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số.

Thông qua việc kết hợp với các di tích lịch sử, văn hóa, các giá trị đặc trưng của các làng nghề truyền thống, khu bảo tồn thiên nhiên, lòng hồ thủy điện và rừng phòng hộ để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch sinh thái, thể thao mạo hiểm, khám phá, nghỉ dưỡng.

Điều này nhằm giảm tải cho khu vực di sản, đa dạng hóa sản phẩm du lịch của tỉnh và cân bằng phát triển du lịch giữa các vùng trong tỉnh.

Quảng Nam đang đẩy nhanh việc xây dựng danh mục dự án trọng điểm để kêu gọi đầu tư; xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù trong thu hút các tập đoàn đầu tư lớn, các dự án động lực, quy mô, đẳng cấp để thúc đẩy phát triển du lịch khu vực ven biển từ phía Nam Hội An đến giáp Quảng Ngãi; ven sông Cổ Cò, Thu Bồn và Trường Giang, hồ Phú Ninh, xã đảo Tam Hải…

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, thời gian tới Quảng Nam sẽ tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường du lịch, môi trường đầu tư nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng, công bằng, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt là các tập đoàn lớn đầu tư kinh doanh theo hướng bền vững.

Bên cạnh đó, cũng thúc đẩy phát triển các mô hình quản trị tích hợp các khu vực công và tư nhân, cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch bền vững; hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh du lịch tiếp thu công nghệ mới, kỹ năng số và tiếp cận tài chính.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quảng Nam ước vọng về "điểm đến xanh đẳng cấp"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO